Năm 2025 là năm đất nước ta và tỉnh Bình Phước có nhiều sự kiện trọng đại diễn ra như: Kỷ niệm tròn 80 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9; kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước; những dấu ấn và khát vọng vươn mình dân tộc Việt Nam được đúc kết qua 50 năm; 100 năm nền Báo chí Cách mạng Việt Nam; 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Đặc biệt là năm diễn ra Đại hội đảng các cấp hướng đến lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng văn nghệ sỹ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23.
Tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Vũ Tiến Điền - UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã gửi lời chúc bình an, hạnh phúc và thành công đến với toàn thể đại biểu và các văn nghệ sỹ. Đồng chí, đây là hoạt động có ý nghĩa của các văn nghệ sĩ trong tỉnh góp một nhịp điệu tươi mới trong “bản hòa âm của đất nước” với mùa xuân tràn niềm tin và hy vọng.
Thừa ủy quyền của Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Vũ Tiến Điền - UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu.
Trong khí thế mới, sức sống mới của tình yêu thơ ca, yêu văn hóa Việt Nam, yêu chuộng hòa bình của văn nghệ sĩ Bình Phước trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23, đồng chí Vũ Tiến Điền đánh giá cao các tác giả đã có nhiều tác phẩm đa đạng các thể loại như sách “Văn hóa dân gian Dân tộc S’tiêng Bình Phước” của nhóm tác giả thuộc Chi hội nghiên cứu Văn nghệ dân gian; tập truyện ngắn “Nợ một lời hẹn” của nhà văn Nguyễn Ngọc Dung; tác phẩm “Bình Phước khát vọng vươn lên” của nhà thơ Trịnh Loan (đặc biệt là tác phẩm này được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc đạt giải A tỉnh và được công nhận là ca khúc tiêu biểu về Bình Phước); chúc mừng và ghi nhận sự phấn đấu cao của nhà văn Nguyễn Duy Hiến đã đạt và vinh dự được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, là tiêu chí cần để năm 2025 này có thể lập Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Bình Phước. Tất cả những giá trị này, đã khẳng định vai trò của văn nghệ sỹ đối với sự phát triển văn học nghệ thật tỉnh nhà.

Đồng chí Lê Văn Quang - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tặng hoa vinh danh 03 hội viên được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 là một hoạt động lớn đầu năm 2025, rất có ý nghĩa và trở thành nhiệm vụ thường niên của những năm gần đây cho chương trình đầu Xuân, lãnh đạo tỉnh hy vọng các lần tới chương trình cần tổ chức nhiều loại hình phong phú gắn với thơ như coi trọng nội dung, ý nghĩa tư tưởng, thẩm mỹ của các hoạt động: đọc thơ, ngâm thơ, biểu diễn các bài thơ, tặng thơ, tặng chữ thư pháp, câu đối thơ... để người xem có dịp hưởng thụ và chiêm ngưỡng.
Tiết mục văn nghệ tại Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23
Ngày Thơ Việt Nam những năm qua trên toàn đất nước đã trở nên thân quen và thành di sản vô giá của dân tộc, là điểm hội tụ văn hóa văn nghệ, là biểu tượng sinh động của truyền thống đại đoàn kết dân tộc, biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Ngày thơ Việt Nam hàng năm, đặc biệt năm nay gắn với chủ đề “Tổ quốc bay lên” của Hội nhà văn Việt Nam và tỉnh, các đồng chí linh hoạt đặt chủ đề gắn với ước mơ, đó là “Bình Phước khát vọng bay lên” nhằm khẳng định vị trí và ý nghĩa to lớn ngày Quốc Lễ của dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến 2045. Với mục tiêu xây dựng nền văn hóa “đa dạng, bản sắc và hội nhập”, phát huy mạnh mẽ đặc tính nổi trội của Bình Phước là “Hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo”.

Tiết mục văn nghệ tại Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23.
Hơn nữa, Ngày thơ Việt Nam là dịp để quý khách thơ có dịp tìm hiểu thêm những giá trị tinh thần, mang đậm nét lịch sử về cội nguồn dân tộc và thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Năm nay Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã có sự chủ động, chuẩn bị chương trình Ngày thơ Việt Nam nằm trong chuỗi sự kiện hoạt động phục vụ Xuân Ất Tỵ và chào mừng 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước như giới thiệu nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật và tính giáo dục cao; quý đại biểu được cảm nhận tài năng, trí tuệ của đông đảo văn nghệ sỹ. Về với Ngày thơ Việt Nam hôm nay, chúng ta không chỉ hướng về nét đẹp văn hóa, mà còn có được những phút giây lắng đọng thật sự bổ ích.
Từ ý nghĩa đó, đồng chí Vũ Tiến Điền đề nghị Hội Văn học Nghệ thuật cần quan tâm cho các lần tổ chức sau là cần phối hợp các ngành chức năng liên quan, sáng tạo tổ chức, thu hút nhiều hơn thành phần xã hội tham gia; đẩy mạnh công tác xã hội hóa để chương trình có cả “phần Lễ và phần Hội”. Có như vậy lễ hội mới thực sự đi vào tiềm thức của Nhân dân, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân, trở thành lễ hội của dân, do Nhân dân tổ chức, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể trên quê hương Bình Phước.