Tỉnh có diện tích 6.874 km², gồm 7 nhóm đất chính với 13 loại đất, trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm 51,3% tổng diện tích đất toàn tỉnh. Dân số 1.060.448 người, mật độ dân số đạt 154 người/km² (theo số liệu thống kê năm 2024), gồm nhiều dân tộc khác nhau (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 19,67%) sinh sống đan xen trên địa bàn tỉnh. Đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, cà phê, hồ tiêu... đã tạo nên tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế của Bình Phước. Thế mạnh của tỉnh là cây công nghiệp (điều, hồ tiêu, cao su, ca cao…), với tổng diện tích cây lâu năm đến năm 2024 là 436.689 ha cây lâu năm, trong đó chủ lực vẫn là cây điều, tiêu, cao su và cà phê với tổng diện tích 419.006 ha, chiếm 95,95%.
Năm 2024, Bình Phước có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất khu vực Đông Nam Bộ, xếp thứ 11 trong cả nước, với quy mô nền kinh tế ước đạt 115.357 tỷ đồng, tăng 9,32% (năm 2023, Bình Phước tăng trưởng kinh tế 8,34%, cũng đứng đầu Đông Nam Bộ, đứng thứ 11 và gấp khoảng 1,5 lần so với mức trung bình chung cả nước).
Công nghiệp Bình Phước có sự đóng góp lớn vào sự phát triển chung của cả nước, khi chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 17,49%, trong đó công nghiệp chế biến tăng 16,81%; công nghiệp - xây dựng tăng lên 45,96%. Tỉnh có 13 khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động và 6 cụm công nghiệp đang đầu tư hạ tầng, tiếp tục giữ vai trò chủ lực của nền kinh tế, tập trung chủ yếu ở huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Đồng Phú, thị xã Đồng Xoài và một khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (huyện Lộc Ninh) với tổng diện tích hơn 28.300ha. Tỉnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, khu vực, tạo diện mạo mới cho tỉnh.
Hệ thống giao thông có 03 tuyến Quốc lộ, 15 tuyến đường tỉnh, 135 tuyến đường huyện, 325 tuyến đường đô thị, 2.135 tuyến đường xã, 241 tuyến đường chuyên dùng và tuyến đường tuần tra biên giới. Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án giao thông kết nối liên vùng. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.855 tuyến đường, với tổng chiều dài 9.110km. Hạ tầng giao thông, đô thị không chỉ được đầu tư đồng bộ mà còn hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu kết nối và hội nhập trong kỷ nguyên mới. Điểm nhấn trong phát triển hạ tầng của Bình Phước là những công trình giao thông chiến lược. Dự án cao tốc Đồng Phú - Bình Dương đang hoàn thành giai đoạn đầu, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Bình Phước đến các tỉnh lân cận, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuyến đường không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa mà còn mở ra cơ hội lớn cho thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Bình Phước đã khởi công Dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành kết nối từ đường Vành đai 3 TPHCM đến thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Đây là cao tốc đầu tiên kết nối TPHCM với Bình Dương, Bình Phước và sẽ tiếp tục liên thông với cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa (Đắk Nông) để kết nối lên Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy giao thương và nâng cao đời sống người dân.
Không chỉ dừng lại ở giao thông, Bình Phước còn tập trung phát triển các đô thị thông minh với hạ tầng hiện đại, quản lý bằng công nghệ số. Ở khu vực nông thôn, tỉnh đã chú trọng quy hoạch đồng bộ để tạo nên sự hài hòa giữa thành thị và nông thôn. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, mang đến diện mạo mới cho vùng quê, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực. Đây chính là nền tảng quan trọng để Bình Phước hướng tới sự phát triển bền vững, toàn diện.
Bình Phước có nhiều di tích lịch sử gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như: Phú Riềng Đỏ với phong trào nổi dậy và đấu tranh của công nhân cao su Phú Riềng trong cuộc kháng chiến chống pháp năm 1929-1930; chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của ngành cao su Việt Nam và các tỉnh miền Đông Nam được thành lập ngày 28-10-1929; nhà tù Bà Rá nằm giữa rừng thiêng nước độc mà thực dân Pháp làm nơi giam cầm những chiến sĩ cách mạng yêu nước; Nhà giao tế Lộc Ninh là thủ phủ chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - nơi đón tiếp các Phái đoàn Liên hiệp Quân sự 4 bên, phái đoàn Quốc tế kiểm soát và giám sát thi hành Hiệp Định Pari (1973); Khu Căn cứ Quân uỷ và Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết); Sóc Bom Bo với hình ảnh đồng bào S’tiêng ngày đêm giã gạo nuôi quân đánh giặc trong những năm 1965-1968 đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Đây được xem là một vùng đất trẻ, gắn với nhiều dấu mốc lịch sử chói lọi cùng với các địa danh không thể nào quên như: Phú Riềng Đỏ, Căn cứ Tà Thiết, sóc Bom Bo, Địa điểm Chiến thắng Đồng Xoài, Tượng đài chiến thắng Phước Long, Bồn xăng kho nhiên liệu VK96, VK98 (thuộc Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh), Điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh - 1973, Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô…
Bình Phước đã tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang tính cộng đồng cao, góp phần gắn kết, nâng cao giá trị thương hiệu Bình Phước như: Giải vô địch quốc gia việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” lần thứ 29; Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”; Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II; các trận đấu của Câu lạc bộ Bóng đá Trường Tươi tại giải hạng nhất quốc gia 2024-2025. Bình Phước cũng đăng cai tổ chức thành công Giải bóng chuyền trẻ cúp các Câu lạc bộ quốc gia, Giải vô địch bơi, vovinam, taekwondo các lứa tuổi...
Về hoạt động chuyển đổi số, được tỉnh đẩy mạnh toàn diện với kết quả DTI (chỉ số đánh giá chuyển đổi số) của tỉnh xếp hạng 9/63 tỉnh (tháng 5/2025), thành phố cả nước. Chính quyền số được phát triển với việc hiện đại hóa hoạt động hành chính, ứng dụng ký số, sử dụng văn bản điện tử, họp không giấy, cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến... Tỉnh đã thành lập 111 tổ công nghệ cộng đồng cấp xã với 1.080 thành viên, 845 tổ công nghệ cộng đồng ấp với 5.426 thành viên; hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai tại các lĩnh vực xây dựng, giáo dục, y tế, đang tiếp tục mở rộng đến tất cả các lĩnh vực khác.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh về tư tưởng, chính trị, đạo đức và tổ chức. Nổi bật là công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Đến tháng 5/2025, toàn Đảng bộ tỉnh có 16 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 11 Đảng bộ huyện, thị, thành phố, 03 Đảng bộ lực lượng vũ trang, 01 Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh, 01 đảng bộ Ủy ban nhân dân tỉnh, 657 tổ chức cơ sở đảng tổ chức cơ sở đảng, 30 Đảng bộ bộ phận, 2.237 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, với 40.571 đảng viên.
Bình Phước có 01 thành phố, 3 thị xã và 7 huyện, tổng 111 xã, phường, thị trấn (số liệu đến tháng 5/2025)
STT |
Đơn vị hành chính |
Dân số |
Diện tích |
Số đơn vị hành chính |
Năm thành lập |
1 |
Thành phố Đồng xoài |
108.595 |
167,3 |
6 phường, 2 xã |
2018 |
2 |
Thị xã Bình Long |
105.520 |
126,2 |
4 phường, 2 xã |
2009 |
3 |
Thị xã Chơn Thành |
107.250 |
390,5 |
5 phường, 4 xã |
2022 |
4 |
Thị xã Phước Long |
81.200 |
118,8 |
5 phường, 2 xã |
2009 |
5 |
Huyện Bù Gia Mập |
150.480 |
1.062 |
8 xã |
2009 |
6 |
Huyện Bù Đăng |
135.090 |
1.503 |
1 thị trấn, 15 xã |
1988 |
7 |
Huyện Lộc Ninh |
120.650 |
854 |
1 thị trấn, 15 xã |
1978 |
8 |
Huyện Hớn Quản |
100.790 |
663,8 |
1 thị trấn, 12 xã |
2009 |
9 |
Huyện Phú Riềng |
95.300 |
675 |
10 xã |
2015 |
10 |
Huyện Đồng Phú |
90.200 |
935,4 |
1 thị trấn, 10 xã |
1977 |
11 |
Huyện Bù Đốp |
52.620 |
377,5 |
1 thị trấn, 6 xã |
2003 |
Tác giả: Đỗ Thị Minh An
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn