Đầu tư cho y tế dự phòng đang rất thấp

Thứ năm - 02/11/2017 00:00 960 0
Phát biểu thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 và kế hoạch năm 2018 vào chiều 1/11, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng, việc 13/13 chỉ tiêu đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra là rất khả quan. Trong đó, việc đưa tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 83% là nỗ lực rất lớn.
Các đại biểu Quốc hội cùng cùng đại biểu HĐND tỉnh trao đổi  bên lề phiên thảo luận
Các đại biểu Quốc hội cùng cùng đại biểu HĐND tỉnh trao đổi bên lề phiên thảo luận
Song đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề nghị cần làm rõ tính bền vững của chỉ tiêu này, vì thực tế một số địa phương vượt chỉ tiêu cao là do nguồn ngân sách bố trí mua thẻ BHYT là chủ yếu. Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh dẫn chứng cho thấy  ngân sách nhà nước mua thẻ cho các đối tượng theo quy định tại khoản 3,4 điều 12 Luật BHYT và Nghị Định 105 của Chính phủ, chiếm 65,2% số người tham gia BHYT, chiếm hơn 36% tổng nguồn thu của BHYT, với số tiền ước là 12.500 tỷ đồng….

Hiện nay nợ quỹ BHYT hơn 3.000 tỷ, quỹ BHYT trong năm tiếp tục thâm hụt khoảng 12.500 tỷ, nếu quản lý tốt chỉ cân đối đến hết năm 2019. Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, để đảm bảo giữ vững chỉ tiêu và mở rộng được đối tượng tham gia BHYT nếu sử dụng các giải pháp và phương pháp truyền thống trước đây sẽ rất khó thành công trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các loại hình bảo hiểm thương mại. Theo luật quy định thì bắt buộc tham gia nhưng thực tế tổ chức triển khai còn nhiều khó khăn về cơ chế bắt buộc, vấn đề xử lý nếu không chấp hành vì thực tế cũng chưa xử lý được trường hợp nào. Hiện tại, vẫn còn khoảng 2,2 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT. Do vậy, ngành giáo dục cần vào cuộc, cộng đồng trách nhiệm chung ở vấn đề này. Ngành y tế cũng cần phải quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho biết, ở Singapore có phương pháp thu hút người dân tham gia BHYT khá đặc biệt: họ phân loại 3 định mức sử dụng thẻ BHYT là mức thấp, mức vừa, mức cao. Nghĩa là mức đóng góp của người dân được chia làm 3 nguồn để phục vụ cho chính người dân ở các cấp độ trong khám chữa bệnh, người dân cảm thấy có quyền lợi tốt sẽ tự nguyện tham gia…. Việt Nam có thể nghiên cứu ở góc độ phương pháp.

Trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh công tác dự phòng có ý nghĩa rất quan trọng. Theo thống kê hiện nay vẫn còn 30% dân số chưa có thói quen chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi sức khỏe định kỳ, thường xuyên mà thường khi bị bệnh mới chữa trị, tức là chúng ta đang có quy trình ngược, nghiêng về điều trị bệnh hơn phòng bệnh. Một bộ phân nhân dân cũng chưa quan tâm nhiều đến phòng bệnh, chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao để giữ gìn sức khỏe từ xa... Vì vậy, cần tuyên truyên nâng cao nhận thức trong nhân dân hiệu quả, chuyển định hướng, tạo chuyển biến trong nhận thức, hình thành thói quen.

Để có căn cứ pháp lý triển khai công tác dự phòng tốt và hiệu quả, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề nghị Chính phủ cần quan tâm xây dựng Luật dự phòng và kiểm soát bệnh tật, đồng thời đề nghị Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, 2019. Thực tế, đầu tư cho y tế dự phòng đang rất thấp, ở một số địa phương bố trí khoảng 10%, thậm chí không có, chủ yếu lồng ghép vào các chương trình. Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo đầu tư và chi nguồn lực hợp lý cho y tế dự phòng, tối thiểu đạt mức 30% theo tinh thần Nghị quyết 18 của Quốc hội đã đề ra.

Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, trong điều kiện các nguồn tài trợ cắt giảm hoàn toàn, nếu không có đầu tư cho công tác phòng chống HIV/AIDS, điều trị bệnh cho đối tượng, có thể dịch sẽ bùng phát mạnh. Đề nghị Chính phủ duy trì mức đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và chỉ đạo các địa phương tuân thủ duy trì đầu tư cho công tác này.
Theo luật quy định, đối tượng nhiễm HIV/AIDS không thuộc đối tượng ngân sách hỗ trợ mua thẻ BHYT mà giao quyền chủ động cho các địa phương vận động xã hội hóa, hỗ trợ đối tượng; thực tế công tác xã hội hóa để giúp đỡ các đối tượng nhiễm HIV cũng không thuận lợi bởi các định kiến gây gắt của xã hội… Qua đây, đại biểu Hạnh đề nghị Chính phủ quan tâm sửa đổi Luật phòng, chống HIV/AIDS.

Tác giả bài viết: Trần Thể

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây