Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành.
Báo cáo đề dẫn của Tỉnh ủy cho biết, thời gian qua, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ được Tỉnh ủy đặc biệt coi trọng. Cụ thể trong thời gian qua, Tỉnh ủy đã tiếp nhận 2 cán bộ Trung ương luân chuyển về nhận công tác tại địa phương; 102 trường hợp điều động từ cấp huyện, thị về công tác tại các xã, phường, thị trấn và 120 trường hợp luân chuyển điều động từ ngành này sang ngành khác.
Hoạt động kiểm tra, giám sát và các hoạt động tư pháp cũng được Tỉnh ủy quan tâm thực hiện. Tính từ năm 2010 đến nay, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 20 tổ chức đảng. Cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 915 đảng viên. Nguyên nhân do tổ chức đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm nghị quyết, chỉ thị; thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao... Bên cạnh đó, các hoạt động giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, phản biện xã hội của MTTQ và tăng cường cải cách hành chính cũng được Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện hoạt động kiểm soát quyền lực ở một số nơi, một số lĩnh vực chưa được thực hiện một cách chủ động. Việc kiểm soát quyền lực thông qua kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh các cơ quan có thẩm quyền tuy tăng về số lượng nhưng kết quả phát hiện về lạm dụng quyền hạn, tham nhũng, vụ lợi của chính tổ chức, nội bộ cơ quan còn hạn chế. Một số ít cấp ủy và UBKT vẫn bị động trong công tác kiểm soát quyền lực nhà nước. Nguyên nhân do việc kiểm soát quyền lực chưa có quy chế, quy định cụ thể. Một số tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc về việc tất yếu phải đảm bảo nguyên tắc, quy trình, thủ tục cần thiết trong việc trao đổi và thực thi quyền lực...
Tại buổi khảo sát, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi một số vấn đề để xây dựng hoàn thiện cơ chế, chế tài kiểm soát quyền lực như: Kiểm soát quyền lực là như thế nào, ai là người được kiểm soát quyền lực. Nguyên nhân dẫn đến sự lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi cá nhân, phe nhóm. Các giải pháp để thực hiện kiểm soát quyền lực trong thời gian tới.
Để đạt kết quả tốt trong việc kiểm soát quyền lực, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Trung ương cần đặt công tác kiểm tra, giám sát lên hàng đầu. Sớm hoàn chỉnh, ban hành các quy chế, quy định về kiểm soát quyền lực theo hướng mở, trong đó cần phân nhánh quy định kiểm soát quyền lực trên từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đặc biệt, thời gian tới để hạn chế các sai phạm trong việc lạm dụng quyền lực cần thực hiện nhất thể hóa một số chức danh và thi tuyển khách quan đối với công tác cán bộ.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Văn Phúc ghi nhận những ý kiến đóng góp rất tâm đắc của tỉnh Bình Phước đối với việc xây dựng quy chế về kiểm soát quyền lực. Những ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất sẽ được đoàn tiếp thu, ghi nhận và tổng hợp để làm cơ sở góp phần xây dựng cơ chế, chế tài kiểm soát quyền lực hiệu quả, thiết thực và phù hợp với thực tiễn nước ta.
Đồng chí Vũ Văn Phúc phát biểu tại buổi làm việc với huyện Đồng Phú
Sáng cùng ngày, đoàn có buổi làm việc với Huyện ủy Đồng Phú. Cùng dự có các đồng chí: Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Phước Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; đại diện Văn phòng Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Phú và một số phòng, ban của huyện.
Báo cáo đề dẫn của Ban Thường vụ Huyện ủy đã khẳng định, thời gian qua, công tác xây dựng đảng luôn được cấp ủy từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đến nay, Đảng bộ huyện có 52 cơ sở đảng trực thuộc với 2.412 đảng viên. Việc kiểm soát quyền lực đối với tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của huyện được thực hiện thông qua việc tự kiểm tra, giám sát; giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác điều tra truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật; việc thực hiện chức năng thẩm tra, giám sát, chất vấn, trả lời kiến nghị cử tri của HĐND và các ban của HĐND từ huyện đến cơ sở... Tuy nhiên, qua kiểm tra, thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao còn một số đảng viên, cán bộ, viên chức vi phạm phải xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, từ năm 2010 đến nay, cấp ủy và UBKT từ huyện đến cơ sở, UBND huyện, các cơ quan pháp luật huyện đã phát hiện và xử lý 51 đảng viên, cán bộ, công chức lợi dụng trách nhiệm, quyền hạn được giao để làm trái quy định, quan liêu, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, khai trừ khỏi Đảng 2 đồng chí, cảnh cáo 6, khiển trách 41, buộc thôi việc và xử lý hình sự 2 trường hợp.
Tại buổi làm việc, đoàn tập trung thảo luận các vấn đề về giao quyền; những vi phạm trong thực thi nhiệm vụ; các lĩnh vực dễ xảy ra sự tha hóa quyền lực nhưng khó phát hiện và xử lý; nguyên nhân của sự suy thoái đạo đức, tha hóa quyền lực và giải pháp kiểm soát quyền lực. Phát biểu tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua, việc xử lý cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm chưa nghiêm, còn nhẹ trên nặng dưới; đấu tranh, phê bình và tự phê bình chưa hiệu quả; hệ thống pháp luật chưa có sự thống nhất... Vì vậy, để kiểm soát tốt quyền lực phải có hệ thống pháp luật chặt chẽ. Cụ thể, tăng cường kiểm tra, giám sát việc bổ nhiệm cán bộ; trách nhiệm người đứng đầu; có cơ chế hậu kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện luân chuyển cán bộ, tăng quyền cho người thực thi pháp luật. Đặc biệt phải làm sao để các quy định trong Đảng và pháp luật song trùng.