Đồng chí Hồ Tùng Mậu, tên khai sinh là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15 tháng 6 năm 1896, tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Khi xuất dương sang Thái Lan hoạt động, đồng chí đổi tên là Hồ Tùng Mậu và trở thành tên gọi chính thức trong quá trình hoạt động cách mạng.
Đồng chí Hồ Tùng Mậu sinh ra và lớn lên trong một gia đình, dòng họ, quê hương giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Ông nội là phó bảng Hồ Bá Ôn- đỗ Phó bảng, làm quan đến chức án sát tỉnh Nam Định đã anh dũng hy sinh trong khi chỉ huy giữ thành Nam Định (1883); Cha là Hồ Bá Kiện, thi đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà đi theo phong trào Văn thân chống Pháp. Ông tham gia Hội Duy Tân, cùng một số đồng chí định khởi nghĩa phá nhà lao Lao Bảo, song bị địch bao vây bắn chết. Mẹ là Phan Thị Liễu cũng dòng dõi nho gia.
Tiếp nối truyền thống quê hương, gia đình, theo tiếng gọi cứu nước của cụ Phan Bội Châu, cuối tháng 4-1920, Hồ Tùng Mậu cùng Lê Văn Phan (Lê Hồng Sơn), Ngô Quốc Chính xuất dương tìm đường cứu nước. Ban đầu, được các cụ Phan Bội Châu, Hồ Học Lãm giới thiệu, Hồ Tùng Mậu đã gặp Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu (Trung Quốc) và được Người trực tiếp đào tạo, huấn luyện cách mạng theo chủ nghĩa Mác-Lênin quyết tâm giải phóng dân tộc theo đường hướng: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Hồ Tùng Mậu luôn bị theo dõi, giám sát. Mật thám Pháp đã tung lưới khắp nơi lùng bắt gắt gao Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng hoạt động trong và ngoài nước. Đồng chí bị bắt nhiều lần: Hồ Tùng Mậu bị cảnh sát Anh bắt ở Hương Cảng và giao cho thực dân Pháp ở Đông Dương. Chúng đưa Hồ Tùng Mậu về nước, giam tại khám lớn Sài Gòn, Sở Mật thám Đông Dương áp tải ra Hà Nội để phỏng vấn. Cuối năm 1931, chúng lại giao Hồ Tùng Mậu cho Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An. Hồ Tùng Mậu bị kết án tù khổ sai chung thân. Đồng chí đã viết đơn kháng án, đanh thép tố cáo tội ác xâm lược của thực dân Pháp và bọn tay sai đế quốc: "Tôi lìa nhà lập chí không phải để hại nước. Tôi tự hỏi lương tâm không có tội gì và việc làm của bản thân vẫn sáng như ban ngày".
Những ngày bị giam tại Nhà lao Vinh (cuối năm 1931), Hồ Tùng Mậu thường kể cho anh em tù chính trị nghe về những mẫu chuyện đời thường, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc, lòng nhân ái, bao dung của Bác Hồ. Trong tù, mặc dù bị tra tấn cực hình, Hồ Tùng Mậu vẫn lạc quan yêu đời, đồng chí đã nêu một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cho anh em tù chính trị noi gương, học tập để giữ vững ý chí chiến đấu...
Nhiều năm sau đó, Hồ Tùng Mậu lại phải trải qua nhiều chốn lao tù khắc nghiệt. Thực dân Pháp áp giải Hồ Tùng Mậu vào giam ở ngục Kon Tum (năm 1932). Cuối năm 1933, thực dân Pháp chuyển Hồ Tùng Mậu vào Buôn Ma Thuột, một nhà đày được mệnh danh là "địa ngục trần gian". Với kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của một người từng trải, với tình cảm chân thành, ấm áp của tình đồng chí Hồ Tùng Mậu đã trở thành trung tâm đoàn kết của nhà đày. Với trí tuệ và ngòi bút sắc sảo, Hồ Tùng Mậu sáng tác nhiều bài thơ để động viên, khích lệ tinh thần đồng chí mình. Bài thơ "Tin tưởng", "Thà chết còn hơn mất tự do" đã trở thành lẽ sống của người cách mạng khi đối mặt với kẻ thù.
Sau song sắt nhà tù đế quốc, đồng chí tiếp tục chiến đấu, giữ vững niềm tin, lạc quan vào ngày thắng lợi. Cuối cùng, sau 14 năm trải qua các nhà tù đế quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu được trở về với Đảng, với nhân dân, lại được tiếp tục hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1948, khi Bác Hồ ra lời kêu gọi "Thi đua ái quốc", đồng chí Hồ Tùng Mậu là người đi đầu trong việc thực hiện cũng như công tác tuyên truyền. Đồng chí được giao nhiều trọng trách: phụ trách Trường Quân chính ở Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh); Năm 1947, Hồ Tùng Mậu được Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch ủy nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu IV, đồng thời được bầu làm Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy. Ngày 18-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 138b thành lập Ban Thanh tra Chính phủ (trực thuộc Thủ tướng Chính phủ). Đồng chí Hồ Tùng Mậu được cử giữ chức Tổng Thanh tra. Đầu năm 1950, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập "Hội Việt- Hoa hữu nghị", Hồ Tùng Mậu là Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt- Hoa.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tháng 2-1951, đồng chí Hồ Tùng Mậu được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Giữa lúc đang hoạt động sôi nổi, đầy hiệu quả, thiết thực, trên đường vào Liên khu IV công tác, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã bị máy bay địch phát hiện, đuổi bắn và hy sinh tại thị trấn Còng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa ngày 23/7/1951. Khi nghe tin dữ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vô cùng đau đớn, Người đã tự tay viết bài điếu cho Lễ truy điệu đồng chí Hồ Tùng Mậu.
Từ khi sinh ra cho đến phút cuối cùng, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã viết tiếp trang sử vẻ vang của gia đình, dòng tộc: "Đời nối đời vì nước". Ở đồng chí nhất quán một lẽ sống ở đời và làm người cao đẹp: Vì nước, vì dân, quên thân vì nghĩa lớn.
Đồng chí Hồ Tùng Mậu được công nhận là lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng.
Để ghi nhận và nêu gương tinh thần cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu đối với Tổ quốc và quê hương, Nhà thờ và phần mộ của đồng chí Hồ Tùng Mậu đã được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Không chỉ ở Nghệ An mà nhiều địa phương trong cả nước đã lấy tên đồng chí đặt tên cho các trường học, đường phố. Ngày 18-1-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định truy tặng Huân chương cao quý- Huân chương Sao Vàng cho đồng chí Hồ Tùng Mậu.