Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Trăm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND tỉnh khóa IX; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị xã, doanh nghiệp và đại diện cử tri trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh điều hành kỳ họp
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá: Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh tình hình đất nước có nhiều thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình trong tỉnh thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, giá các mặt hàng nông sản chủ lực giảm và chậm phục hồi. Môi trường đầu tư chưa thực sự thông thoáng. Hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế có nơi thực hiện chưa quyết liệt và còn lúng túng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, văn hóa - xã hội được chăm lo. Công tác xây dựng chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bước đầu tạo được chuyển biến, nâng cao nhận thức với quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo, các cấp, ngành…
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tuệ Hiền cũng cho biết tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng, như: Bổ sung các dự án cần thu hồi đất năm 2018, quyết định số lượng và phân bổ biên chế công chức, biên chế sự nghiệp công lập của tỉnh… Đặc biệt, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định về chế độ, chính sách hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động thực hiện tinh giản biên chế diện dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy; sửa đổi, bổ sung một số nội dung nghị quyết quy định về chức danh, số lượng, chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, ấp trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đánh giá: Bên cạnh những mặt đạt kết quả tích cực, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần tiếp tục khắc phục, đó là: Các khó khăn về thủ tục đất đai chưa được cải thiện. Tổ chức thị trường tiêu thụ nông sản chưa được quan tâm. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phá rừng vẫn còn diễn ra. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp. Chỉ số PCI đạt rất thấp; trong bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu chưa sẵn sàng đổi mới, còn nhiều biểu hiện nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp khi thi hành công vụ.
Các đại biểu tham dự kỳ họp Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh: Tỉnh ủy rất mong HĐND tỉnh thảo luận và quyết định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian còn lại của năm 2018 là năm bản lề cho cả nhiệm kỳ, do vậy cần phấn đấu cao hơn để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, nhất là thu ngân sách điều chỉnh lên 7.000 tỷ đồng. Thứ hai, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 999 về việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo nguyên tắc “bốn giảm - bốn tăng”. Để thể chế hóa Đề án 999 của Tỉnh ủy, kỳ họp quan tâm thảo luận và quyết định một số nội dung theo các định hướng như sau:Một là tinh giảm 2,5% công chức, giảm 2,5% viên chức, chủ yếu là bộ phận hành chính phục vụ; cắt giảm ngay 50% bộ phận phục vụ hành chính ở các trường trong ngành giáo dục; tinh giảm 35% hợp đồng 68 trong năm 2018 và các năm tiếp theo; đồng thời cắt giảm chi thường xuyên tương ứng với tinh giảm số biên chế như đã nêu.
Hai là quyết định chính sách hỗ trợ 6 tháng lương hiện hưởng từ nguồn ngân sách đối với đối tượng tinh giảm biên chế theo tinh thần Nghị định 108 của Chính phủ và những người có đơn xin nghỉ.
Ba là trước mắt thực hiện giảm 50% số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Đối với giảm cán bộ, công chức cấp xã thực hiện theo lộ trình.
Bốn là về mức khoán kinh phí chi phụ cấp và chế độ kiêm nhiệm cấp xã và mức chi phụ cấp cho từng chức danh thôn, ấp, khu phố (chỉ thực hiện cho 7 chức danh ở thôn, ấp, khu phố): tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh. Về mức khoán chi phụ cấp cho thôn, ấp, khu phố, do Bình Phước là tỉnh còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngân sách thu không đủ chi, hằng năm đều phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương, do vậy cần thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 29/2013/NĐ-CP, ngày 8-4-2013.
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho biết: Thực tế thời gian qua, bộ máy hành chính của tỉnh còn cồng kềnh, chồng chéo, nhiều cấp trung gian, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả chưa cao; số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước trên 50.000 người, trong đó công chức 3.100, viên chức 21.139, hợp đồng chờ biên chế 2.015, cán bộ cấp xã 6.974 và cán bộ thôn, ấp, khu phố 18.081 người. Tổng chi thường xuyên ngân sách cho bộ máy trên 5.800 tỷ đồng, chiếm trên 70% chi ngân sách. Đây là tỷ lệ rất cao trong cơ cấu chi ngân sách. Trong điều kiện tỉnh thu không đủ chi, phải nhận trợ cấp từ trung ương, việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của tỉnh. Vì nếu chi thường xuyên thấp cho bộ máy sẽ có nguồn chi cho đầu tư phát triển |