Đến năm 2020, Bình Phước sẽ xây dựng xong chính quyền điện tử

Thứ ba - 31/07/2018 21:35 1.860 0
“Là đối tượng trực tiếp thụ hưởng chương trình cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nên người dân và doanh nghiệp đóng vai trò phản biện và đặt hàng cơ quan công quyền. Do đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền bằng hình thức trực quan sinh động để nâng cao nhận thức của người dân về công nghệ thông tin, về chính quyền điện tử. Qua đó giúp người dân có thể thao tác nhanh khi làm thủ tục, thậm chí có thể ngồi ở nhà kiểm tra tiến độ thực hiện TTHC liên quan”.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi phát biểu chỉ đạo cuộc họp
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi phát biểu chỉ đạo cuộc họp
Đó là những trao đổi của đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo cải cách TTHC, công nghệ thông tin, chính quyền điện tử tỉnh, ngày 31-7. Đồng chí Nguyễn Văn Trăm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì cuộc họp.

Kỹ năng hành chính của công chức còn hạn chế
Kết thúc 3 giai đoạn của Đề án 30 (thống kê, rà soát - đơn giản hóa và thực thi đơn giản hóa TTHC) của Chính phủ trên địa bàn tỉnh chỉ còn 1 bộ TTHC của các sở, ban, ngành; 1 bộ TTHC chung cho các huyện, thị xã và 1 bộ TTHC cho các xã, phường, thị trấn với tổng số TTHC được Chủ tịch UBND tỉnh công bố tại các cấp chính quyền địa phương là 1.864 TTHC. Sau khi rà soát cập nhật, công bố đơn giản hóa TTHC đến hết tháng 6-2018, các sở, ban, ngành chỉ còn 1.333 TTHC. Toàn bộ các TTHC được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, nơi tiếp nhận và trả kết quả TTHC; trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, trên cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, tỉnh và UBND cấp huyện, xã. Đặc biệt, từ ngày Trung tâm Hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động (28-4-2017) đến nay, tổng số TTHC các sở, ngành đưa ra phục vụ tại trung tâm là 1.138/1.375 TTHC được Chủ tịch UBND tỉnh công bố, đạt 82,76%.

Hiện tỉnh đã thống kê được bộ TTHC tại các cấp chính quyền để công bố, cập nhật TTHC; việc niêm yết công khai TTHC rõ ràng, đầy đủ theo quy định của pháp luật hiện hành; việc cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về TTHC, rà soát quy định, TTHC tại các cấp chính quyền được thực hiện hiệu quả, hạn chế tối đa những giấy tờ không cần thiết, giảm phiền hà cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng ISO hành chính công phiên bản 9001:2008, tổ chức giải quyết TTHC ngày thứ 7 hằng tuần và ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị máy móc hiện đại tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, bộ phận “một cửa” của UBND cấp huyện, cấp xã… đã giải quyết công việc cho tổ chức, công dân được kiểm soát thường xuyên; khi có tình trạng trễ hẹn, tồn đọng được chỉ đạo khắc phục kịp thời. Hệ thống đầu mối kiểm soát TTHC tại các cấp chính quyền được kiện toàn, hoạt động đều tay; cán bộ, công chức đã ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan đến giải quyết TTHC chưa nhịp nhàng dẫn đến hồ sơ của tổ chức, cá nhân còn bị trả, trễ hẹn, tồn đọng… Năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính của công chức tại cấp cơ sở còn hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả việc thụ lý, giải quyết. Công tác truyền thông tạo chuyển biến nhận thức về hoạt động kiểm soát TTHC còn hạn chế, chưa huy động được các cá nhân, tổ chức, đoàn thể tham gia tích cực vào công tác TTHC. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính chưa có nhiều chuyển biến…

Thành lập một ban chỉ đạo phát triển chính quyền điện tử
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Minh Bình, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông đã đề xuất cách thức, khẳng định lại trách nhiệm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển chính quyền điện tử trong điều kiện Bình Phước hiện nay. Theo đề xuất này, phải thực hiện được 14 mục tiêu theo lộ trình cụ thể. Cụ thể là ban hành khung kiến trúc chính quyền điện tử trước tháng 9-2018 nhằm kết nối thông tin dọc từ Chính phủ đến cấp xã; kết nối ngang giữa các sở, ban, ngành,  phòng, ban, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; liên thông 4 cấp… Xây dựng và ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, ban hành và quản lý văn bản điện tử trước ngày 1-1-2019. Bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, giải pháp kết nối, liên thông giữa hệ thống quản lý văn bản và điều hành với trục liên thông văn bản quốc gia; ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát trong nhận, gửi văn bản điện tử trước ngày 30-6-2019…

Hiện Sở Thông tin - Truyền thông đã xây dựng xong đề án, theo quy trình phải thông qua HĐND tỉnh ban hành nghị quyết. Nếu để đến cuối năm (kỳ họp cuối năm) thì quá chậm không thực hiện được kế hoạch năm 2018 nên ông Bình đề nghị UBND tỉnh ban hành Kế hoạch giai đoạn 2018-2020, trong đó nêu chi tiết các danh mục dự án năm 2018 để có cơ sở thực hiện. Đồng thời đề xuất chỉ thành lập một ban chỉ đạo phát triển chính quyền điện tử.

Những băn khoăn và giải pháp
Ông Bùi Gia Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh cho biết: Công tác cải cách TTHC chưa đạt như mong muốn là do chưa có sự phối nhịp nhàng giữa các sở, ngành trong giải quyết TTHC. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hồ sơ trễ hạn nhiều, tập trung chủ yếu ở Sở Tài nguyên - Môi trường. Nhiều hồ sơ thực hiện không đúng quy trình, chỉ trả khi quá hạn và không xin lỗi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương than phiền: Tin học hóa là để quản lý và thực hiện việc giải quyết TTHC tốt hơn, nhưng hiện nay tình trạng này ở một số sở, ngành rất tệ, thậm chí là quá tệ. Bởi chúng ta không thực hiện theo một quy trình cụ thể nên lãnh đạo không thể kiểm soát được thủ tục của mình thực hiện nhanh hay chậm. Chỉ phát hiện được khi báo trễ hạn bằng phương pháp thủ công. Ông Hoàng ví von: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra một đại lộ, nhưng chúng ta vẫn đi bằng xe đạp thì bao giờ mới trở thành chính quyền điện tử. Ông Hoàng đề nghị, bên cạnh việc nâng cấp đồng bộ trang thiết bị, đường truyền, phần mềm, các sở, ban, ngành và địa phương cần tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức; cấp chữ ký số các công chức liên quan đến giải quyết TTHC để gắn trách nhiệm theo từng bước thực hiện để quy trách nhiệm cụ thể khi để xảy ra trễ hạn. 

Đối với công nghệ thông tin, ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính tạo điều kiện nâng cấp hệ thống máy móc, thiết bị, đường truyền để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ được giao. Còn đại diện Trung tâm Tin học - Công báo Văn phòng UBND tỉnh cho rằng: Muốn bảo đảm thông tin thông suốt, chúng ta phải thống nhất sử dụng một phần mềm duy nhất từ tỉnh xuống đến xã, phường, thị trấn…

Kết luận cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh: Mục tiêu từ nay đến năm 2020, Bình Phước sẽ xây dựng thành công chính quyền điện tử. Do vậy, dù khó đến mấy chúng ta vẫn phải khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện để hướng tới một văn phòng không giấy. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, Ban chỉ đạo phải xây dựng kế hoạch ngắn hạn từ nay đến cuối năm để thực hiện các mục tiêu đề ra. Trong đó phải nêu rõ thực trạng, có so sánh cụ thể; việc đầu tư không dàn trải mà phải đi vào trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm kết nối công việc thông suốt từ Chính phủ đến cấp xã… và tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm 30% TTHC; cơ bản sử dụng dịch vụ công ở mức độ 4; xây dựng kế hoạch, chương trình tạo sự tương tác với người dân và doanh nghiệp… Đồng thời thống nhất chỉ thành lập một ban chỉ đạo về phát triển chính quyền điện tử do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban.

Tác giả bài viết: Lâm Phương (Báo Bình Phước)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây