Đồng chí Phạm Hùng - một tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng

Thứ bảy - 11/06/2022 21:34 1.677 0
Hôm nay (11/6) là ngày kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Phạm Hùng (11-6-1912 - 11-6-2022) – Thủ tướng Chính phủ đầu tiên của nước ta thời kỳ đổi mới. Đây là dịp để chúng ta cùng tưởng nhớ về một cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng, người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất; một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng; một nhà lãnh đạo tài năng và uy tín của Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11-6-1912, trong một gia đình nông dân ở xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long - vùng đất địa linh nhân kiệt - vùng đất anh hùng, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Từ truyền thống hào hùng của quê hương đất nước, tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách thực dân, đế quốc, người thanh niên trẻ tuổi Phạm Hùng đã sớm nung nấu lòng yêu nước và ý chí cách mạng cứu nước. Năm 16 tuổi, hoạt động trong phong trào thanh niên, học sinh, tham gia tổ chức Nam Kỳ học sinh Liên hiệp hội và Thanh niên cộng sản Đoàn, 18 tuổi trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Bộ, 19 tuổi đồng chí Phạm Hùng đảm nhận trọng trách Bí thư tỉnh uỷ Mỹ Tho.

Năm 1931, đồng chí Phạm Hùng bị địch bắt và kết án tù. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn từ mua chuộc, dụ dỗ đến cực hình tra tấn dã man, tàn bạo nhưng không lay chuyển được niềm tin sắt đá của Đồng chí vào lý tưởng cách mạng của Đảng. Bất lực trước khí phách của người cộng sản trẻ tuổi, ngày 20-9-1932, tòa án của bọn thực dân Pháp mở phiên tòa đại hình tại Mỹ Tho, kết án tử hình Đồng chí Phạm Hùng và đưa đến giam giữ ở Khám Lớn Sài Gòn. Nhưng xà lim án chém vẫn không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản. Ý chí kiên cường đó của Đồng chí đã truyền cho những người bạn tù cùng bị giam giữ tinh thần tiếp tục đấu tranh. Do phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và các lực lượng tiến bộ trên thế giới buộc chính quyền thực dân Pháp phải giảm án cho đồng chí xuống chung thân khổ sai và đày ra nhà tù Côn Đảo.
 
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.

Sống trong cảnh tù đày vô cùng tàn bạo ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đồng chí Phạm Hùng luôn nêu cao khí tiết của người chiến sỹ cộng sản trước kẻ thù và luôn lạc quan, giữ vững niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của phong trào đấu tranh ở nhà tù Côn Đảo, nhiều năm làm Bí thư Đảo uỷ, Đồng chí đã cùng chi bộ tù nhân cộng sản biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tổ chức học tập lý luận về chủ nghĩa cộng sản để nâng cao nhận thức trong tù nhân và tuyên truyền giác ngộ binh lính, cai tù, giám thị. Đồng chí đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù để giành sự sống cho tù nhân, đòi giảm nhẹ khổ sai, cải thiện chế độ nhà tù và đã nhiều lần dũng cảm xả thân chịu đòn thay cho đồng chí của mình. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên cương vị Bí thư đảo ủy, đồng chí Phạm Hùng đã lãnh đạo tù nhân đứng lên giải phóng Côn Đảo.

Trải qua 15 năm bị tù đày trong lao tù đế quốc, hết xà lim án chém đến “địa ngục trần gian” Côn Đảo, biết bao hình phạt tàn khốc của kẻ thù vẫn không thể nào khuất phục được “con người thép” - người chiến sỹ cộng sản Phạm Hùng. Tấm gương đồng chí Phạm Hùng, một chiến sỹ cộng sản hiên ngang, bất khuất, nghĩa hiệp đã trở thành biểu tượng của ý chí và nghị lực phi thường của một thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản.

Cách mạng tháng Tám thành công, ra khỏi nhà tù, không một ngày ngơi nghỉ, đồng chí đã tham gia ngay vào lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam. Đầu năm 1946, đồng chí Phạm Hùng được giao đảm trách nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ và Giám đốc Quốc gia Tự vệ Cuộc. Trong thực hiện các trọng trách của mình, Đồng chí đã dành sự quan tâm và trực tiếp chỉ đạo một yêu cầu rất khẩn trương, quan trọng là xây dựng lực lượng công an cách mạng ở Nam Bộ. Bằng tư duy khoa học và sáng tạo, đồng chí đã lãnh đạo xây dựng được một lực lượng công an tuyệt đối trung thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân và đấu tranh loại trừ các phần tử mật thám, tình báo của địch đã gây nhiều tổn thất cho cách mạng.

Đồng chí Phạm Hùng đã cùng tập thể Xứ ủy Nam Bộ giải quyết nhiều vấn đề do lịch sử để lại, xây dựng ý chí, niềm tin và củng cố đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng và quân dân Nam Bộ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng năm 1951, đồng chí Phạm Hùng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được chỉ định tham gia Trung ương Cục miền Nam.

Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, đảm đương nhiều trọng trách: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa II, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư kiêm Chính ủy và Chủ tịch Ủy ban kháng chiến – hành chính Phân liên khu miền Đông, Trưởng Phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban liên hiệp đình chiến Nam Bộ…, đồng chí Phạm Hùng đã cùng với tập thể lãnh đạo vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể của Nam Bộ, đề ra nhiều chủ trương quan trọng để tăng cường công tác xây dựng Đảng; mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất; phát triển chiến tranh nhân dân và ra sức tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ; xây dựng và củng cố tổ chức chính quyền, quân đội, công an, dân vận và các tổ chức liên minh, các đoàn thể kháng chiến; tăng cường sự đoàn kết nhất trí… góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Bộ và cả nước đi đến thắng lợi. Hình ảnh anh Hai Hùng, một người anh, một người đồng chí, một nhà lãnh đạo bình dị, nghĩa tình, kiên nghị và tài năng, đức độ vẫn còn in đậm mãi trong ký ức của đồng chí, đồng bào Nam Bộ.
 
Bác Hồ, đồng chí Phạm Hùng (bìa trái) và đồng chí Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V (1-1950). Ảnh: Tư liệu.

Năm 1956, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa II, đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và sau đó tham gia vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tại Đại hội III của Đảng (năm 1960), Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.

Từ năm 1956 đến năm 1967, được làm việc gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Hùng càng hiểu sâu sắc hơn tư tưởng, phương pháp, phong cách, đạo đức trong sáng và vĩ đại của Người, càng củng cố niềm tin tất thắng vào sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội do Đảng ta và Bác Hồ lãnh đạo. Đảm trách những nhiệm vụ quan trọng như Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, Trưởng Ban Tài Mậu của Đảng, đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất Bắc - Nam.

Nhận nhiệm vụ từ đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Phạm Hùng đã tổ chức biên soạn Đề án về Hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam, góp phần quan trọng vào sự ra đời Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (năm 1959), tạo ra bước ngoặt và sức mạnh mới cho cách mạng miền Nam từ thế đấu tranh giữ gìn lực lượng sang thế chủ động tiến công và liên tục giành thắng lợi.
Trên cương vị Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, đồng chí đã dành nhiều thời gian đến các địa phương, cơ sở để chỉ đạo và động viên sản xuất; không ngừng nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước xã hội chủ nghĩa anh em và vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn lãnh đạo, điều hành thúc đẩy sản xuất công - nông nghiệp, thương nghiệp... với tinh thần chỉ đạo: sản xuất là công tác cách mạng nhất trong kiến thiết hoà bình, đi vào mặt trận sản xuất là đi vào hàng đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Tài Mậu của Đảng, đồng chí Phạm Hùng đã chỉ đạo soạn thảo Đề án về thương nghiệp và giá cả thời chiến và xây dựng Nghị quyết Trung ương 10 (khoá III). Đồng chí đã có những chỉ đạo sáng tạo, nhạy bén trong việc phát huy chức năng của các ngành tài chính, ngân hàng, nội thương, ngoại thương và giá cả phục vụ đắc lực việc phát triển sản xuất, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, động viên mọi nguồn lực để đập tan chiến tranh phá hoại của địch, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa - hậu phương lớn, đồng thời chi viện cao nhất cho miền Nam - tiền tuyến lớn chiến đấu và chiến thắng. Những năm 1961-1965, nền kinh tế miền Bắc nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể: sản xuất công - nông nghiệp đạt tỷ lệ phát triển hằng năm trên 10%, bắt đầu xây dựng những công trình lớn như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Thủy điện Thác Bà và nhiều công trình quan trọng khác.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang diễn ra át liệt và bước vào giai đoạn quyết định. Được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ, cuối năm 1967, đồng chí Phạm Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp đảm nhận cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Đồng chí đã khẩn trương cùng Trung ương Cục và quân dân miền Nam bí mật, gấp rút chuẩn bị và tiến hành cuộc Tổng tiến công chiến lược Tết Mậu Thân năm 1968, giành thắng lợi quan trọng cả về quân sự, chính trị, ngoại giao, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ và tạo ra cục diện mới cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam.

Đồng chí Phạm Hùng cùng các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Cục đã chỉ đạo sát sao, kịp thời và sáng tạo việc tổ chức Đại hội quốc dân toàn miền Nam (họp tại chiến khu D tháng 6/1969), bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Đây là một thắng lợi lớn của cách mạng miền Nam và là đòn tiến công chính trị phối hợp nhịp nhàng với tiến công quân sự và ngoại giao, đã tạo ra thế và lực mới trên các chiến trường và cho cuộc đàm phán của ta tại Pari.

Năm 1970, khi Mỹ mở rộng chiến tranh, trên cơ sở đề xuất về phương hướng hoạt động của ta và được Bộ Chính trị đồng ý, đồng chí Phạm Hùng cùng với Trung ương Cục đã chỉ đạo quân dân miền Nam thực hiện phương châm vừa tiến công, vừa chấn chỉnh lực lượng; vừa phát triển, vừa củng cố; vừa tiếp tục thực hiện kế hoạch trước mắt vừa tích cực chuẩn bị mọi mặt để đón thời cơ. Thắng lợi đầu năm 1970 trên chiến trường Tây Nguyên và nhiều địa bàn khác đã đưa cách mạng miền Nam sang một giai đoạn phát triển mới, vượt qua khó khăn, khôi phục lại thế chủ động tiến công. Bám sát diễn biến tình hình, những năm 1971-1973, đồng chí Phạm Hùng cùng Trung ương Cục chỉ đạo quân và dân Nam Bộ đánh bại từng bước chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, đặc biệt là đã p há tan âm mưu bình định lấn chiếm của địch trên địa bàn Tây Nam Bộ, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Với những thắng lợi to lớn trên toàn miền Nam, cục diện mới ngày càng có lợi cho ta, buộc Mỹ phải thương lượng với ta trong thế thua và phải chấp nhận ký kết Hiệp định Pari (tháng 1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
 
Đồng chí Phạm Hùng (thứ ba từ trái sang), Phó Giám đốc Sở Công an Nam bộ chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5 (tháng 1/1950). Ảnh tư liệu.
 
Sau Hiệp định Pari, đồng chí Phạm Hùng đã triệu tập Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 12 quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đi sâu phân tích âm mưu của đế quốc Mỹ trong việc tiếp tục thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam và xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là đoàn kết toàn dân đấu tranh trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự và ngoại giao buộc địch phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari về Việt Nam, không ngừng giữ vững và phát triển lực lượng về mọi mặt . Đồng chí đã cùng Trung ương Cục lãnh đạo quân và dân miền Nam liên tục tiến công giành nhiều thắng lợi trên các mặt trận, tạo thời cơ chiến lược để tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.

Đầu năm 1975, sau chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng kết thúc thắng lợi, thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến. Bộ Chính trị quyết định tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Đồng chí được phân công đảm nhận trọng trách Chính uỷ Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Đồng chí Phạm Hùng đã cùng với Tư lệnh Văn Tiến Dũng và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy chiến dịch nhất trí đề xuất và được Bộ Chính trị đồng ý quyết định đặt tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Phạm Hùng đã bám sát thực tiễn chiến trường, đưa ra những nhận định và ý kiến quan trọng để Bộ Chính trị, Bộ Chỉ huy Miền, Bộ Chỉ huy chiến dịch lãnh đạo, chỉ đạo chính xác, kịp thời, liên tục tiến công quyết chiến quyết thắng và đã giành thắng lợi vẻ vang. Với tinh thần gian nan không lùi bước, hiểm nguy không sờn lòng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đồng chí Phạm Hùng đã góp phần quan trọng cùng quân dân miền Nam và cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, thực hiện trọn vẹn tâm nguyện thiết tha của Bác Hồ và khát khao cháy bỏng của cả dân tộc là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, làm nên một trong những chiến công hiển hách nhất, chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc ta - Chiến thắng 30/4/1975.
 
Đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng bộ miền Nam đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 13/5/1975. (Ảnh: TTXVN)
 
Sau thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Hội nghị lần thứ 24 Ban chấp hành Trung ương Đảng đã xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội . Đồng chí Phạm Hùng được Đảng, Chính phủ giao trọng trách làm Trưởng Ban đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam. Đồng chí đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ chỉ đạo nhiều công việc quan trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... đặc biệt là tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội (tháng 4/1976) và xây dựng Bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước thống nhất trong cả nước.

Liên tục trong các kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng, từ Đại hội IV (năm 1976), Đại hội V (năm 1982) đến Đại hội VI (năm 1986), đồng chí Phạm Hùng đều được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, được phân công đảm nhiệm cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, năm 1980 kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Tham gia điều hành công việc của Chính phủ trên bình diện cả nước, đồng chí vẫn đặc biệt quan tâm tới đặc thù của cách mạng miền Nam, đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa cải tạo xã hội chủ nghĩa, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Nam. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng phụ trách nội chính kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các ngành Kiểm sát, Toà án, công an đã phối hợp làm tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Lực lượng công an nhân dân đã phá tan nhiều âm mưu của bọn phản động nhằm lật đổ chính quyền cách mạng và xóa bỏ chế độ mới của nhân dân ta.

Tháng 6/1987, đồng chí Phạm Hùng được Quốc hội khóa VIII bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đảm nhận trọng trách đứng đầu Chính phủ trong bối cảnh tình hình đất nước cực kỳ khó khăn trong những năm đầu của công cuộc đổi mới, nhiều vấn đề tưởng chừng như rất khó vượt qua, đồng chí đã nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, làm việc quên mình, luôn trăn trở, tận tâm, tận lực cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề cấp bách của đất nước. Đồng chí đã để lại những dấu ấn sâu đậm về trách nhiệm và tài năng trong việc khẩn trương đưa chủ trương, đường lối đổi mới của Đại hội Đảng VI đi vào thực tiễn cuộc sống; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế , xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện ba chương trình kinh tế lớn; chỉ đạo sát sao, quyết liệt trên mặt trận nông nghiệp, bảo đảm cân đối lương thực cho nhân dân; chuyển các đơn vị kinh tế quốc doanh sang hạch toán kinh doanh, đổi mới hoạt động ngân hàng, chỉ đạo đột phá vào phân phối lưu thông; gắn khôi phục và phát triển kinh tế với chăm lo đời sống của nhân dân; giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội; tăng cường đoàn kết và mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với bạn bè quốc tế ... Những công việc mà đồng chí Phạm Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước giải quyết trong thời kỳ này là những bước đi quan trọng, tạo tiền đề cho những thắng lợi trong sự nghiệp Đổi mới của đất nước ta.

Ngày 10/3/1988, đồng chí Phạm Hùng đột ngột ra đi trong lúc đang bộn bề công việc của đất nước, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Đảng, Nhà nước và đồng chí, đồng bào chúng ta.

Đồng chí Phạm Hùng thuộc lớp những nhà lãnh đạo tiền bối, tài năng, mẫu mực, có tầm nhìn chiến lược sắc s ảo của Đảng, Nhà nước và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đồng chí luôn gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang, hào hùng của Đảng ta, nhân dân ta. Đồng chí Phạm Hùng là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.
 
Đồng chí Phạm Hùng thăm và làm việc với trại cải tạo K20 Bến Tre năm 1982. Ảnh tư liệu.
 
Trong suốt 60 năm liên tục hoạt động cách mạng sôi nổi và luôn đứng nơi đầu sóng ngọn gió, dù trong lao tù đế quốc, trên những chiến trường ác liệt, trước những bước ngoặt của cách mạng hay trước những nhiệm vụ mới nặng nề, đầy khó khăn phức tạp… đồng chí Phạm Hùng luôn tỏ rõ là người chiến sỹ cộng sản kiên cường, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Được trui rèn và trưởng thành từ thực tiễn cách mạng hết sức phong phú, với kiến thức sâu rộng và tư duy khoa học, nhạy bén, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Được Đảng, Nhà nước tín nhiệm giao rất nhiều trọng trách và trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng chí Phạm Hùng luôn tận tâm tận lực vì công việc, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn gian khổ, ác liệt đến mấy cũng không sờn lòng, không chùn bước. Với tinh thần cách mạng tiến công, với nghị lực phi thường, với ý chí quyết tâm và niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của cách mạng, Đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.

Đồng chí luôn đặc biệt chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, chân thành, thẳng thắn tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Đồng chí Phạm Hùng luôn quan tâm và dành nhiều tâm sức cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; gần gũi và ân cần chỉ bảo, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội; dân chủ, cởi mở, nghiêm minh và rộng lượng với mọi người.
 
Đồng chí Phạm Hùng và bà con phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh, tháng 4/1987. (Nguồn: sggp.org.vn).
 
Tất cả vì lợi ích của nhân dân, tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, phấn đấu không mệt mỏi để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, Đồng chí Phạm Hùng luôn quan tâm, giáo dục, giác ngộ và thường xuyên sâu sát, học hỏi, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, được nhân dân quý mến, tin cậy, đùm bọc, chở che. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người Đại biểu của nhân dân trong Quốc hội các Khoá II, III, VI, VII, VIII.

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả cuộc đời hoạt động của đồng chí Phạm Hùng là một tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng - cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; luôn yêu lao động, quý trọng thời gian, thể hiện phong cách làm việc khoa học, hiệu quả, việc gì cũng có kế hoạch tỉ mỉ, chu đáo và luôn nghiêm khắc với bản thân mình.

Kiên định theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tiếp bước các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối và đồng chí Phạm Hùng, qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; tạo tiền đề để phát triển cao hơn trong giai đoạn mới.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Phạm Hùng chúng ta cùng ôn lại để học tập một tấm gương sáng, đẹp của một người cộng sản chân chính, một người con ưu tú của quê hương Nam bộ đất thép thành đồng, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những phẩm chất hết sức cao quý đúng như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đánh giá: “Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của anh Phạm Hùng như một viên ngọc quý”.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng, chúng ta học tập tấm gương của Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người con ưu tú của dân tộc và quê hương Vĩnh Long với những phẩm chất cao quý: Đó là, ý chí kiên cường, dũng cảm, lạc quan, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn. Đó là, phong cách làm việc khoa học, sâu sát cơ sở, thực tiễn, gắn bó máu thịt với Nhân dân; có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo; làm việc có kế hoạch, có kỷ luật, tâm huyết, trách nhiệm cao với tinh thần “Chúng ta còn sống thì còn lao động và chiến đấu”. Đó là, tình yêu thương con người, đối với đồng chí sống có tình nghĩa, bao dung, vị tha; đối với bản thân thì nghiêm khắc tự phê bình, sẵn sàng tiếp thu ý kiến người khác góp ý; sống giản dị, chân tình; hiếu nghĩa với cha mẹ, quê hương, đất nước; thuỷ chung, mẫu mực, hết lòng chăm lo, thương yêu gia đình.

Phát huy truyền thống cách mạng quý báu do các thế hệ tiền bối để lại, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./. 
 

Tác giả bài viết: Anh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây