Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thay mặt Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chủ trì và phát biểu tại buổi lễ.
Đại tướng Lương Cường dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích quốc gia Đài chiến thắng đường 13 “Tàu Ô - Xóm Ruộng”.
Cùng dự lễ còn có các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội: Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và các ban, ngành tỉnh Bình Phước, lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; Bộ tư lệnh Quân khu 7, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4, Bộ tư lệnh Binh đoàn 16, cùng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người có công với cách mạng, các cựu chiến binh, người phục vụ chiến đấu tham gia trực tiếp làm nên Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô…
Đại tướng Lương Cường cùng các đại biểu trồng cây lưu niệm tại khu di tích
Trước buổi lễ, các đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, tưởng nhớ công lao to lớn, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, giải phóng, thống nhất đất nước.
Đọc diễn văn kỷ niệm tại buổi lễ, đồng chí Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã nhấn mạnh: 50 năm trôi qua, Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 đã lùi xa nhưng những giá trị và vai trò của chiến dịch mang tên người anh hùng áo vải đã đi vào lịch sử dân tộc như một thiên hùng ca bất tử, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4, Sư đoàn 7 cùng các lực lượng vũ trang và Nhân dân tỉnh Bình Phước.
Trở lại lịch sử, trong thắng lợi của chiến dịch Nguyễn Huệ, chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô nổi lên như một mốc son chói lọi. Với địa thế đặc biệt quan trọng, nằm án ngữ trên trục đường 13, con đường huyết mạch của Mỹ - ngụy trong tuyến phòng thủ Bắc Sài Gòn, Chốt chặn Tàu Ô trở thành một trọng điểm quyết chiến giữa ta và địch trong trận chiến năm 1972 ở Đông Nam bộ.
Đồng chí Trần Tuệ Hiền- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước phát biểu tại buổi lễ.
Cùng với việc tiến công giải phóng Lộc Ninh (07/4/1972), quân ta bao vây thị xã An Lộc, gián tiếp uy hiếp Sài Gòn. Trước tình hình đó, địch điều binh chi viện nhằm cứu nguy cho thị xã An Lộc và tái chiếm Lộc Ninh. Để đánh bại âm mưu của địch, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 7 bố trí lực lượng chốt chặn ở phía Nam và phía Bắc thị xã An Lộc, trong đó, Tàu Ô là chốt chặn chính, nhằm ngăn chặn địch chi viện bằng đường bộ từ Sài Gòn lên. Để thực hiện kế hoạch giải tỏa đường 13, địch tập trung lực lượng lớn, sử dụng nhiều thủ đoạn chiến tranh, các loại phương tiện, trang bị vũ khí hiện đại nhằm giải tỏa các điểm chốt chặn của Sư đoàn 7.
Trong suốt 150 ngày đêm (từ ngày 05/4/1972 đến 28/8/1972), trên đường 13 đoạn từ Tàu Ô đến nam Chơn Thành, dài gần 20 km, Sư đoàn 7 phối hợp cùng với quân và dân địa phương đã chiến đấu kiên cường thực hiện phương châm “chốt cứng, chặn đứng, giữ vững trận địa dài ngày, không cho xe dưới lên, trên xuống” hình thành thế bao vây chia cắt chiến dịch ngay từ đầu, chặn cho được lực lượng của địch lên tăng viện và ngăn không cho địch tháo chạy về Sài Gòn, bảo đảm cho lực lượng chủ yếu của chiến dịch tiến công tiêu diệt địch ở khu vực Lộc Ninh và An Lộc.
Nhiều tiết mục văn nghệ chào mừng, tái hiện Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô tại buổi lễ
Trải qua 150 ngày đêm, với gần 800 trận đánh lớn nhỏ được thực hiện bằng nhiều phương thức linh hoạt, quân ta đã tiêu diệt được hơn 8.000 tên địch; bắt 211 tên ngụy; bắn rơi và phá hủy 119 máy bay; phá hủy 202 xe và nhiều vũ khí, đạn dược, buộc địch phải rút chạy khỏi khu vực tác chiến.
Bằng ý chí bám trụ và sức chiến đấu phi thường cùng sự vận dụng sáng tạo chiến thuật phòng ngự trận địa để trụ vững và đánh thắng địch, ta đã biến Chốt chặn Tàu Ô trở thành một “bức tường thép trên đường 13”, tạo nên sự chia cắt triệt để, bao vây và cô lập hoàn toàn Bình Long, giành thế chủ động chiến dịch.
Việc ngăn chặn hiệu quả, tiêu hao, đánh bại lực lượng cơ động ứng biến của địch trên đường 13 đã bảo vệ địa bàn vùng mới giải phóng Lộc Ninh và các cơ quan đầu não của Trung ương Cục, tạo điều kiện hỗ trợ và đẩy mạnh thế trận chiến tranh nhân dân, phá vỡ kế hoạch phòng thủ của địch; thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu đáp từ tại lễ kỷ niệm
Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô đã góp phần vào thành tích chung của Chiến dịch Nguyễn Huệ trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước sang giai đoạn toàn thắng cả về quân sự và trên nghị trường, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình, ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Từ đó, mở ra một thời kỳ mới, chiến công nối tiếp chiến công, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân năm 1975 - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô là thắng lợi của đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự chỉ huy sáng suốt của các cấp ủy và của Bộ Tư lệnh Miền; là minh chứng hùng hồn của tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4, Sư đoàn 7 cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân Bình Phước trong suốt tiến trình từ khi chuẩn bị đến khi thực hành chiến dịch.
Toàn cảnh lễ kỉ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô vẫn luôn in đậm trong tâm trí của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4, Sư đoàn 7 cùng các lực lượng và nhân dân tỉnh Bình Phước. Ghi nhớ công ơn của những người con đã hy sinh vì Tổ quốc, trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 Ngày Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như: thăm hỏi, tặng quà, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Phước từ một địa phương khó khăn đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Thu ngân sách năm 2021 đạt 13.675 tỷ đồng, tăng 79 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng, tăng 29 lần so với năm 1997. Đến nay, toàn tỉnh có 70/90 xã và 3/11 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách toàn tỉnh đạt trên 10.400 tỷ đồng, bằng 85% dự toán Bộ Tài chính giao và tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt trong xếp hạng chuyển đổi số vừa được công bố, Bình Phước nằm trong top 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước.
Trân trọng quá khứ, trân quý hiện tại để hướng đến tương lai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định: Thời gian tới, Bình Phước sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên". Tỉnh tiếp tục chú trọng đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, giao thông. Tập trung xây dựng chính quyền phục vụ, gần gũi nhân dân, sâu sát doanh nghiệp. Tăng cường liên kết vùng, phát huy lợi thế của tỉnh trong thu hút đầu tư; đảm bảo tốt an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị trong sạ.ch, vững mạnh
Đại tướng Lương Cường phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đồng chí Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh, Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô là chiến công oanh liệt, ghi đậm tinh thần chiến đấu gan dạ, kiên cường, dũng cảm, đức hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 chủ lực miền, của LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Phước, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu hiện độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn; là thắng lợi của lòng yêu nước; đã đánh bại ý đồ giải tỏa Đường 13 của địch, tạo điều kiện để ta củng cố, ổn định vùng mới được giải phóng, bảo vệ vững chắc các cơ quan đầu não của Trung ương Cục Miền Nam, đẩy mạnh thế trận chiến tranh nhân dân, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế và lực có lợi cho cách mạng Việt Nam.
Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Trung ương Cục Miền Nam và Bộ tư lệnh Miền; sự che chở, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ to lớn có hiệu quả của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, và Nhân dân là cội nguồn làm nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân đội ta. Để có được chiến thắng trong cuộc đọ sức lịch sử này, đã có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 và hàng ngàn người con ưu tú của quê hương Bình Phước, Bình Dương và nhiều miền quê cả nước đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể trên chiến trường.
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô
Đại tướng Lương Cường bày tỏ sự tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, của Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô trong lãnh đạo, điều hành đưa Bình Phước phát triển trong giai đoạn mới, đồng thời đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; nhất quán quan điểm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là khâu then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước; củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; chủ động nắm chắc, dự báo đúng tình hình; kịp thời tham mưu, xử lý chính xác các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Giữ vững và tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị hợp tác với nhân dân Campuchia, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Thường xuyên quan tâm làm tốt việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của các dân tộc tỉnh Bình Phước, các giá trị truyền thống lịch sử về chiến tranh cách mạng, trong đó có chiến thắng lịch sử Tàu Ô, làm cho nơi đây luôn là địa chỉ đỏ, địa điểm về nguồn hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế; không ngừng giáo dục nâng cao lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho bộ đội và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay noi gương cha anh tiếp tục xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN...