Chiều ngày 10-11, tại tỉnh Tây Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm cùng Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc chủ trì hội nghị sơ kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2021 và ký kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025 giữa tỉnh Bình Phước và Tây Ninh.
Dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước Huỳnh Thị Hằng; lãnh đạo Tỉnh ủy, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành 2 tỉnh.
Qua 5 năm triển khai chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Bình Phước và Tây Ninh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong mối quan hệ của 2 địa phương thể hiện rõ nét trên các lĩnh vực. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội, phù hợp với điều kiện mỗi tỉnh, tạo động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước phát biểu tại hội nghị.
Qua đánh giá của hai tỉnh, việc triển khai Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Tây Ninh và tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016 - 2021 đã được lãnh đạo hai địa phương quan tâm thực hiện trên tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo, từ đó hình thành nên động lực và niềm tin cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong mối quan hệ giữa hai địa phương trên các lĩnh vực từ phát triển nông nghiệp, nông thôn; xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; giao thông vận tải; tài nguyên môi trường; thông tin - truyền thông; y tế, giáo dục … đến quốc phòng, an ninh. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội, phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, tạo động lực tăng trưởng cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp tích cực vào phát triển chung toàn vùng.
Trong đó, nổi bật là ngành Công Thương hai tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin về Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, tình hình cung - cầu hàng hóa, giá cả thị trường, nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của hai tỉnh, làm cơ sở để dự báo tình hình thị trường tại địa phương, phối hợp chặt chẽ để xử lý đồng bộ và kịp thời tình hình biến động thị trường, góp phần tạo sự ổn định chung về mặt bằng giá cả hàng hóa. Trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch, hai địa phương ký kết Thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Tây Ninh - Bình Phước và các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ. Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu, kết hợp khảo sát thị trường tại tỉnh Bình Phước với 15 doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh tham gia kết nối, ký kết 12 biên bản ghi nhớ hợp tác.
Hội nghị sơ kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2016-2021, ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2025 giữa hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hai tỉnh cùng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung quy hoạch ngành quốc gia Tuyến Quốc lộ 14C kéo dài; thống nhất điểm kết nối giữa hai địa phương Tuyến Quốc lộ 14C kéo dài, đồng thời đầu tư các đoạn tuyến còn lại đạt tiêu chuẩn và công trình cầu để thông tuyến, làm cơ sở đề nghị Bộ Giao thông vận tải nâng cấp lên thành quốc lộ. Duy trì hoạt động ổn định của các tuyến xe vận tải hành khách cố định giữa hai địa phương. Công khai, niêm yết 2 tuyến mới đã được công bố để đơn vị vận tải đăng ký khai thác, gồm: Bến xe Hòa Thành - Bến xe Bù Đốp, Bến xe Tân Hà - Bến xe Bù Đốp.
Tuy nhiên, việc hợp tác trong một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên. Việc phối hợp giữa một số sở, ban, ngành của hai địa phương chưa được thường xuyên, liên tục; một số nội dung hợp tác được triển khai thực hiện thiếu chiều sâu, chi tiết nên chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Bình Phước ký kết Chương trình hợp tác phát triển KT-XH giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, 2 tỉnh phối hợp tham mưu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông kết nối vùng, khu vực giữa Bình Phước và Tây Ninh; hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để đẩy mạnh liên kết vùng; phối hợp quảng bá sản phẩm du lịch mang đặc trưng, có tiềm năng, thế mạnh của 2 địa phương, kêu gọi đầu tư, trao đổi thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh du lịch, các dự án du lịch; tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư ở các tỉnh, vùng lân cận nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh ở 2 địa phương; phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả lĩnh vực quản lý an ninh biên giới, kinh tế mậu biên…
Chủ tịch tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền phát biểu tại hội nghị
Theo Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội được ký kết trong giai đoạn mới 2022-2025, tỉnh Bình Phước và tỉnh Tây Ninh sẽ hợp tác trên 6 lĩnh vực chủ yếu. Trong đó chú trọng kết nối giao thông trong khu vực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Hai tỉnh sẽ phối hợp tham mưu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông kết nối vùng như: cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà, đường Tuần tra biên giới, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, đường ĐT.753 kết nối với sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải...
Cùng phối hợp với Bình Dương đề xuất, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan khảo sát, công bố luồng đường thuỷ nội địa trên hồ Dầu Tiếng phục vụ nhu cầu vận tải của các địa phương và phát triển du lịch.
Lãnh đạo hai tỉnh Bình Phước - Tây Ninh chụp hình lưu niệm
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao nội dung xây dựng trong Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025 giữa tỉnh Bình Phước và Tây Ninh. Thông qua chương trình cần phát huy những mặt thuận lợi cũng như tiềm năng của mỗi tỉnh, đặc biệt thống nhất chọn một vài lĩnh vực cụ thể làm điểm nhấn trong chương trình hợp tác, tạo hiệu ứng lan tỏa để các lĩnh vực khác cùng phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường tin tưởng rằng, với quyết tâm chỉ đạo thực hiện thì chương trình hợp tác giữa tỉnh Bình Phước và Tây Ninh sẽ có nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và UBND 2 tỉnh sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường phối hợp để xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, thúc đẩy giao lưu văn hóa, thương mại, đầu tư giữa nhân dân với nhân dân, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa chính quyền với chính quyền và cấp ủy 2 tỉnh. UBND tỉnh Bình Phước sẽ ưu tiên dành nguồn lực để triển khai những dự án trọng điểm kết nối vùng nói chung, kết nối giao thông 2 tỉnh nói riêng.
Nhân hội nghị, lãnh đạo hai tỉnh trao cho nhau những phần quà lưu niệm
Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, hội nghị sơ kết và ký kết chương trình hợp tác mới về phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Bình Phước và Tây Ninh rất có ý nghĩa. Đây là một phần nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như chương trình hành động thúc đẩy kết nối, phát triển giữa các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những nội dung trong chương trình đã thể hiện sự đổi mới, cùng với quyết tâm chính trị sẽ không chỉ dừng lại mà còn thể hiện nghĩa cử, tình cảm giữa 2 địa phương trong quá khứ, hiện tại cũng như trong tương lai.
Sau hội nghị, Bình Phước và Tây Ninh sẽ tập trung chỉ đạo, cụ thể hoá các nội dung, chương trình đã được ký kết; tập trung nguồn lực để cùng nhau thúc đẩy, hiện thực hoá có hiệu quả những nội dung đã được đề ra.