Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 29 di tích được xếp hạng (trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 10 di tích quốc gia và 15 di tích cấp tỉnh) và hàng trăm di tích đang được kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng. Việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (gọi chung là di tích) trong tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, thời gian qua công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy di tích ở một số nơi vẫn còn những hạn chế, nhất là việc quản lý di tích chưa được chặt chẽ, đồng bộ, dẫn đến nhiều di tích chưa được phát huy, một số di tích bị xâm hại và có biểu hiện xuống cấp trầm trọng; chưa gắn kết việc phát huy di tích với hoạt động phát triển du lịch.
Ngày 14/8/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; trong đó, nhấn mạnh nguyên nhân chủ yếu của hạn chế là do một số cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của di tích trong đời sống xã hội; chưa quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong việc bảo vệ, phát triển di tích; đầu tư ngân sách cho hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích chưa tương xứng; công tác thanh tra, kiểm tra chưa kịp thời, thường xuyên.
Nhằm tăng cường việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di tích trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các tổ chức đảng, ban, ngành, đoàn thể liên quan thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động số 42-CTr/TU ngày 13/11/2014 của Tỉnh ủy về thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng như các văn bản liên quan đến di tích. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống chính trị và nhân dân việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy di tích là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và là trách nhiệm của Đảng bộ, các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Nhằm đảm bảo việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy di tích theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, tiến hành rà soát một cách có hệ thống, trên cơ sở đó xây dựng đề án quy hoạch, kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy hệ thống di tích, danh thắng, nhất là đối với những di tích đã được xếp hạng và đối tượng được kiểm kê di tích; quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn, từ đội ngũ cán bộ quản lý, hướng dẫn viên du lịch, đến nhân viên phục vụ cũng như tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc bảo quản, tu bổ, phát triển di tích.
Về kinh phí thực hiện, có sự ưu tiên cho đầu tư việc tu bổ, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng, di tích có nguy cơ xuống cấp. Ngoài ra, việc tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển các chương trình, dự án của Trung ương trên địa bàn tỉnh liên quan đến di tích phải có hiệu quả. Đặc biệt, phải chú trọng huy động các nguồn lực xã hội hóa, tăng cường mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư lĩnh vực du lịch gắn với di tích.
Đối với công tác bảo vệ di tích, chú ý đến các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, cảnh quan di tích, chống xâm hại, phá hoại di tích. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích; đồng thời phê phán, xử lý nghiêm minh các sai phạm trong bảo quản di tích. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra những hoạt động liên quan đến công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di tích, nhất là việc thực hiện đề án quy hoạch, kế hoạch giữ gìn, phát huy giá trị di tích.
Việc ban hành chỉ thị này thể hiện sự quyết tâm của Tỉnh ủy trong việc chỉ đạo các tổ chức Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp ra sức đồng lòng, chung tay bảo tồn, giữ gìn và phát huy di tích trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả.