Mặc khác, công tác kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá đúng ưu điểm của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên để kịp thời phát huy; phát hiện, làm rõ thiếu sót, khuyết điểm để kịp thời uốn nắn, khắc phục và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Do đó, để công tác kiểm tra, giám sát trong đảng luôn có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa các sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy, việc cụ thể hóa quy định trách nhiệm của từng Ủy viên Ban thường vụ và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên đối với tổ chức đảng và cá nhân là yêu cầu cấp thiết.
Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 1-6-2017 của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng; Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW, ngày 12-9-2017 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 86-QĐ/TW của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng; và một số văn bản có liên quan, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Quy định về trách nhiệm giám sát thường xuyên của các Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đối với tổ chức đảng và đảng viên (Quy định số 258-QĐ/TU ngày 24-6-2021, của Tỉnh ủy ban hành).
Ngoài nội dung căn cứ pháp lý để ban hành, bố cục của quy định gồm 3 chương và 11 điều, có hiệu lực kể từ ngày 24-6-2021. Quy định này giúp các Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn chủ động nắm chắc tình hình và đánh giá đúng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý; đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần bổ sung, sửa đổi các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, phát huy ưu điểm; phát hiện hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm và nguyên nhân để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, sửa chữa, khắc phục; cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên từ khi còn manh nha; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác.
Nguồn tin: Ngọc Hương - Nguồn Báo Bình Phước Online
Ý kiến bạn đọc