Biến khó khăn thành động lực, thách thức là thời cơ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử

Thứ hai - 06/04/2020 04:58 1.744 0
Ngày 31-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện “cách ly toàn xã hội” để đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh covid-19. Một trong các nội dung đáng chú ý của chỉ thị là khuyến khích các cơ quan nhà nước tăng cường tổ chức họp trực tuyến, bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, hạn chế tối đa việc tập trung, hội họp đông người nơi công sở.
Ứng dụng Họp trực tuyến trong các Hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức
Ứng dụng Họp trực tuyến trong các Hội nghị báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức
Đây là thách thức và khó khăn đặt ra đối với tỉnh Bình Phước nhằm đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thông suốt và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Với quyết tâm chính trị và việc không ngừng đổi mới, sáng tạo, đây cũng là động lực, thời cơ để tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện, xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử, đô thị thông minh, địa phương ứng dụng điều hành thông minh như tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 12-9-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đặt mục tiêu.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 01-4-2020 về tổ chức hội họp và làm việc trực tuyến trong thời gian phòng, chống dịch covid-19, đảm bảo hoạt động của các cơ quan, đơn vị được duy trì, ổn định nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2020, hạn chế, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm trong các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh. Thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin giúp cán bộ, công chức, viên chức tiếp cận phương thức làm việc mới, giảm chi phí, thời gian và mang lại hiệu quả cao.

Sở Thông tin và Truyền thông kịp thời hướng dẫn các địa phương, đơn vị chủ động triển khai các cuộc họp có nội dung không thuộc bí mật nhà nước bằng hình thức trực tuyến qua đường truyền internet trên cơ cở lựa chọn sử dụng các ứng dụng họp trực tuyến phổ biến như Zoom meeting, Google Hangout, Cisco Webex Meetings, TrueConf, Skype… để triển khai họp trực tuyến nội bộ; phối hợp với VNPT Bình Phước hỗ trợ các đơn vị triển khai giải pháp họp trực tuyến qua đường truyền internet bằng phần mềm TrueConf. Đến nay, cơ quan chuyên môn đã cấp 145 tài khoản cho 20 đơn vị cấp tỉnh và 11 đơn vị cấp huyện.

Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc hành chính hàng ngày và giải quyết hồ sơ, thủ tục cho nhân nhân, khách hàng.

Trước đó, Văn phòng Tỉnh ủy đã thường xuyên tham mưu Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trực tuyến, họp không giấy để bàn bạc, xử lý công việc. Hiện nay, Văn phòng đã hướng dẫn tích hợp sử dụng ứng dụng Zoom meeting trong phần mềm họp không giấy tại địa chỉ hopkhonggiay.tinhuybinhphuoc.vn để nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc họp, giảm bớt kinh phí, thời gian đi lại của đại biểu, đáp ứng yêu cầu giãn cách xã hội của Trung ương.

VNPT Bình Phước cung cấp nhiều gói hỗ trợ cước phí internet, mạng 4G, tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm VNPT E-cabinet (họp không giấy), VNPT E-Learning (giải pháp học từ xa cho nhà trường và học sinh), VNPT Meeting (giải pháp họp từ xa cho các cơ quan và doanh nghiệp); hỗ trợ khảo sát, xây dựng phòng họp trực tuyến, kết nối trực tuyến cho nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh.

UBND tỉnh, UBND thành phố Đồng Xoài chuẩn bị khai trương và đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành địa phương thông minh, đô thị thông minh. Riêng UBND thành phố Đồng Xoài đã triển khai ứng dụng Đồng Xoài trực tuyến trên thiết bị di động để tăng cường tương tác, lắng nghe ý kiến phản hồi từ nhân dân, doanh nghiệp; tập trung nguồn lực để thực hiện mục tiêu đô thị hội tụ thông minh vào năm 2025. Nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh đã hoàn thành xây dựng phòng họp trực tuyến kết nối với điểm cầu tỉnh và điểm cầu các xã, phường, thị trấn.

Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh khuyến khích người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng dịch vụ công tỉnh qua địa chỉ dichvucong.binhphuoc.gov.vn, cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ dichvucong.gov.vn và nhận kết quả tại nhà qua dịch vụ chuyển phát của bưu điện.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, VNPT Bình Phước hướng dẫn các trường trên địa bàn tỉnh chủ động tổ chức cho học sinh học tập qua các chương trình học trên truyền hình, xây dựng kế hoạch ôn tập, khuyến khích ôn tập qua các hệ thống dạy và học trực tuyến, giao bài tập qua mạng... nhằm duy trì thói quen, nền nếp học tập, giúp học sinh, sinh viên ôn tập, củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ học. Hầu hết giáo viên các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh thực hiện hướng dẫn, theo dõi lịch trình học tập, giao bài, ôn bài, sửa bài trực tuyến cho học sinh trong thời gian nghỉ học  qua ứng dụng Zalo, Gmail, Vnedu.vn, Viettelstuday.vn, Megameeting, Vioedu.vn và hệ thống các kênh truyền hình.

Ngành tuyên giáo tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nắm tình hình dư luận xã hội qua các trang thông tin điện tử tổng hợp, hệ thống mạng xã hội, đặc biệt là facebook. Sử dụng chữ ký số, phát hành văn bản qua nhiều kênh như mạng nội bộ của Đảng, hệ thống internet. Trao đổi, chỉ đạo công việc với cấp dưới qua các nhóm Zalo, Messenger, Mocha. Tổ chức hội nghị giao ban hàng quý, hội nghị báo cáo viên hàng tháng bằng hình thức trực tuyến tới nhiều điểm cầu…

Kết quả bước đầu cho thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ tiết kiệm chi phí, việc chuyển đổi từ hình thức họp “offline sang online”, làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến là phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nắm kịp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Đây là giải pháp hỗ trợ để nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền và doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, các cuộc họp, trao đổi công việc trực tuyến với sự kết nối internet có nhiều ưu điểm như hiển thị hình ảnh trực quan, sinh động, kết nối đa điểm, chia sẻ thông tin giữa những người dùng cách xa nhau, truyền âm thanh và dữ liệu ngay thời điểm việc diễn ra. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến càng thiết thực, đem lại tiện lợi, sự minh bạch, công khai trong quá trình giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Một điều đáng suy ngẫm là nếu đẩy mạnh ứng dụng CNTT, làm việc trực tuyến thì có cần nhất thiết phải xây dựng những phòng làm việc to, rộng như cách truyền thống nữa hay không? Câu trả lời sẽ thuộc về thì tương lai gần.

Từ những khó khăn, áp lực do tình hình dịch bệnh gây nên, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền, hỗ trợ từ các doanh nghiệp lĩnh vực CNTT, sẽ trở thành động lực, cơ hội thực sự để Bình Phước xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới - giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.
 

Tác giả bài viết: Lâm Hùng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây