Bình Phước đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin

Thứ bảy - 20/04/2019 06:02 1.612 0
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” và Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 25-11-2014 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực đời sống xã hội bước đầu đạt được những kết quả tích cực.
Cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm Hành chính công tỉnh
Cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm Hành chính công tỉnh
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT được củng cố, hoàn thiện và từng bước tiến tới hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng làm nền tảng hạ tầng phục vụ cho liên thông, kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước. Tỷ lệ cán bộ, công chức (CB,CC) trong các cơ quan khối Đảng và Nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công tác đạt 100%. 100% cơ quan, đơn vị có kết nối Internet tốc độ cao, được trang bị mạng nội bộ kết nối theo mô hình máy chủ/máy trạm. Các trang thiết bị phụ trợ như máy in, máy photo, máy scan, thiết bị mạng,… cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc.

Hệ thống thư điện tử công vụ được nâng cấp và triển khai đồng bộ tại 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và vận hành thông suốt, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí. Hiện đã có 5.642 hộp thư điện tử được cấp phát cho cán bộ, công chức, viên chức. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản, điều hành nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu LGSP đã kết nối liên thông ngang, dọc 4 cấp từ Chính phủ đến xã. Ngày 12-3-2019, khai trương Trục liên thông quốc gia, theo đó trục LGSP của Bình Phước kết nối được với trục quốc gia. Ứng dụng chữ ký số đã cấp 1.493 chữ ký số (bao gồm 325 đơn vị với 1.168 chữ ký số cá nhân).

Việc ứng dụng CNTT trong tiếp nhận và trả kết quả các cấp đang sử dụng phần mềm một cửa điện tử tại Trung tâm Hành chính công tỉnh bước đầu được đánh giá tốt, UBND tỉnh đang tiếp tục triển khai thử nghiệm xuống cấp huyện, xã. Một số ứng dụng chuyên ngành khác như: phần mềm quản lý CB,CC; phần mềm quản lý chuyên ngành tài nguyên môi trường; phần mềm quản lý tư pháp, hộ tịch; phần mềm quản lý đất đai; phần mềm quản lý kế toán - tài chính, quản lý tài sản; phần mềm quản lý bệnh viện tuyến tỉnh; phần mềm cấp đổi giấy phép lái xe; phần mềm quản lý điểm học sinh được áp dụng tại các cơ quan, đơn vị đã đem lại hiệu quả tích cực.


Việc ứng dụng CNTT trong ngành, lĩnh vực như y tế và giáo dục bước đầu đạt kết quả tích cực. Hiện VNPT Bình Phước đã triển khai chính thức cho y tế cơ sở với 161 cơ sở trên toàn tỉnh, đạt 68,32%. Đã triển khai hệ thống quản lý giáo dục như vnEdu, thư viện điện tử, trang thông tin điện tử,… cho các trường học, các phòng giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh Bình Phước. Đến nay, toàn tỉnh có 425 trường đang sử dụng vnEdu, 130 trường sử dụng trang thông tin điện tử, 315 trường tham gia sử dụng sổ liên lạc điện tử. Năm học 2018 - 2019, có hơn 100.000 phụ huynh tham gia dịch vụ sổ liên lạc điện tử trên vnEdu...

Công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT tiếp tục được đẩy mạnh, từng bước nâng cao chất lượng. Nhiều địa phương, đơn vị đã tổ chức triển khai và ứng dụng tốt CNTT trong hoạt động chuyên môn; số lượng CB,CC có máy tính làm việc trong các cơ quan nhà nước đạt 100%. Trong các trường học, giáo viên ứng dựng CNTT vào giảng dạy với tỷ lệ ngày càng cao.

Sau 5 năm thực hiện ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đã thực sự nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước; nhất là giải quyết công việc hành chính, giảm đến mức tối đa văn bản giấy; tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Tác giả bài viết: Thanh Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây