Chủ động cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII

Chủ nhật - 15/05/2022 13:46 4.011 0
Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII diễn ra trong bối cảnh đất nước ta cơ bản đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 và quá trình mở cửa khôi phục kinh tế - xã hội đang được đẩy mạnh.

Trong 6 ngày làm việc (từ ngày 04/5/2022 đến ngày 10/5/2022), các vấn đề được Ban chấp hành Trung ương thảo luận và quyết nghị tại Hội nghị lần này đều là những vấn đề lớn, quan trọng, được đánh giá là đúng, trúng, được đảng viên và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng.

Hội nghị Trung ương 5 đã cho ý kiến và quyết nghị thông qua nội dung 4 Nghị quyết quan trọng về các vấn đề như: hoàn thiện thể chế chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

 
Tại Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, Trung ương khẳng định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Hoàn thiện các chính sách để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.
 
Nghị quyết về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp tục khẳng định Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; lấy lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất, xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh.
 
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP
 Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã thành công tốt đẹp, hoàn thành có chất lượng cao một khối lượng công việc lớn, rất quan trọng.


Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” nhằm tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt, triển khai thực hiện để kinh tế tập thể ngày càng phát triển mạnh hơn, thực sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan và phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên; bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho các thành viên hăng say làm việc, lao động tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững; tôn trọng các giá trị, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng và của cả nước.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng thảo luận và thông qua Nghị quyết về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn nữa trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ở nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở; xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là Bí thư cấp ủy có đủ năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức cơ sở Đảng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị; nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên và chất lượng đảng viên, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: Để thực hiện thành công mục tiêu tổng quát cũng như các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030 như đã đề ra, cần phải nâng cao hơn nữa sự thống nhất về nhận thức và đổi mới, hành động quyết liệt hơn nữa…

Ban Chấp hành Trung ương cũng đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Nghiêm túc tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như nêu trong Đề án, chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần: “Trên Dưới đồng lòng, Dọc Ngang thông suốt!”.

Trong đó, vấn đề nhận sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là việc xây dựng, ban hành chủ trương, giải pháp mới về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Tư duy và nội hàm của chủ trương lần này tự thân nó mang đến sự kỳ vọng mạnh mẽ; thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Trung ương Đảng cả trong nhận thức và hành động; nhằm quyết liệt tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ, chuyển biến về chất trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta vững mạnh từ gốc-từ mỗi “tế bào chi bộ” và từng đảng viên.

Khẳng định vị trí hết sức quan trọng của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên theo huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”, Hội nghị Trung ương lần này một lần nữa khẳng định: Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân... Trên cơ sở đó, Trung ương thẳng thắn chỉ rõ nhiều khó khăn, vướng mắc; thống nhất ban hành các giải pháp đồng bộ, khả thi, nhằm nâng tầm, nâng chất của phần việc quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
 
Các đại biểu dự phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5 - Ảnh: VGP
Các đại biểu dự phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5
 
Để làm được điều đó, Trung ương tập trung đánh giá đúng, đủ thành quả của công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng thời gian qua; nhận diện các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ tổ chức cơ sở đảng và ở từng đảng viên. Đây là phần việc “tự soi, tự sửa”, “tự gột rửa”, “tự chỉnh đốn”... một cách thường xuyên; cũng là vấn đề có tính chất cần kíp của Đảng ta trong tình hình mới. Chỉ khi Trung ương hoạch định đường lối đúng, huy động sự vào cuộc của toàn Đảng, hệ thống chính trị và xã hội cùng quyết liệt hành động, hướng mạnh về cơ sở, kiên quyết ngăn chặn mọi “mầm bệnh” từ lúc phôi thai, xây dựng Đảng vững mạnh từ gốc rễ thì mới “vững gốc, bền cây”; triệt tiêu tuyệt đối mọi nguy cơ sinh ra trọng bệnh hoặc di căn ngoài mong muốn.

Hướng về cơ sở, lần này Trung ương dành nhiều thời gian thảo luận, thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có nghĩa, để Đảng mạnh, hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ trong sạch từ Trung ương về cơ sở thì việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm quyết liệt, mạnh mẽ “từ trên xuống dưới” và “từ dưới lên trên”, ở tất cả các khâu, các cấp, các bộ phận... Trong đó, việc thành lập các ban chỉ đạo ở cấp tỉnh sẽ giúp sớm nhận diện, chỉ đạo đấu tranh hiệu quả với mọi biểu hiện vi phạm pháp luật, rơi vào tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên. Trung ương cho rằng, đây là việc làm cần thiết, góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp trong cuộc chiến đương đầu với “giặc nội xâm” theo đúng tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!".

Như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nội dung trình HNTƯ lần này là những vấn đề rất lớn, rất khó và rất hệ trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh vực trọng yếu. Thế nhưng, với trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, các đồng chí Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận, quyết nghị nhiều chủ trương, giải pháp mới, thể hiện sự bổ sung, phát triển về lý luận, đáp ứng yêu cầu vận động mau lẹ của tình hình thực tiễn đất nước và thời đại. Đây là minh chứng thuyết phục, khẳng định thành công quan trọng của HNTƯ 5, khóa XIII.

Để tinh thần, chủ trương của HNTƯ 5, khóa XIII đi vào cuộc sống, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là mỗi cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm lớn và phương pháp đúng trong quán triệt, triển khai. Sẽ không có bất kỳ tập thể, cá nhân nào đứng ngoài cuộc, mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải “chung sức, đồng lòng”, sớm biến quyết tâm chính trị của Trung ương thành “mệnh lệnh hành động” trên thực tế; không ngừng nỗ lực vượt khó, tận tâm tận lực sản xuất, lao động sáng tạo, cống hiến vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc và sự nghiệp cách mạng.

Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng Nghị quyết sớm được triển khai, đi vào cuộc sống, tạo bước chuyển biến, đổi mới mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả, nâng cao hơn nữa chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng. Đồng thời kỳ vọng các cấp ủy, từ trung ương tới địa phương chủ động sớm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đề ra, sao cho sát hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và đặc điểm của địa phương mình, ngành mình, cơ quan, đơn vị mình.

Từng tổ chức cơ sở đảng cần tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với cơ sở mình. Từng đảng viên cần xác định rõ bổn phận, trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của mình, không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống… để Đảng ta tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới./. 

Tác giả bài viết: Anh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây