“Triển khai thí điểm vận động nhân dân hiến đất làm đường gặp rất nhiều khó khăn, vì họ luôn mặc định Nhà nước muốn lấy đất thì phải đền bù chứ không có chuyện hiến, tặng, trả. Hơn nữa, đây là chủ trương mới nên chưa có đơn vị nào làm để chúng tôi học tập kinh nghiệm. Do vậy khi triển khai thực hiện nhận được rất nhiều cái lắc đầu của cả khu phố, người dân. Nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, lãnh đạo phường đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” giải thích cặn kẽ để họ hiểu vấn đề và đến nay gần 90% đã thuận tình hiến đất” - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy phường Tân Bình Mai Thị Hằng chia sẻ.
Điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội
Bà Mai Thị Hằng cho biết: Tân Bình là trung tâm thương mại của thành phố, nơi có các tuyến đường huyết mạch đi qua như quốc lộ 14, Phú Riềng Đỏ, Hùng Vương, Võ Văn Tần… nên tiềm năng phát triển kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ. Xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vì thế những năm qua, Đảng ủy phường đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí làm đường giao thông. Tuy nhiên thời gian gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, giá đất tăng cao, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai năm 2013 gặp nhiều vướng mắc, hầu hết đều chậm tiến độ và phát sinh đơn thư khiếu nại… Bên cạnh đó, Tân Bình là trung tâm thương mại lớn nhưng kết nối giao thông còn hạn chế, hệ thống đường sá chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của phường. Các dự án lớn triển khai nhiều năm nhưng còn dang dở như đường 30, 31, 18, Nguyễn Chánh, Võ Văn Tần… Đặc biệt, khu vực đất thuộc khu phố Tân Trà II, sau 20 năm thành lập đến nay vẫn chưa có đường. Khu vực này, phần lớn là vườn cao su, điều, thậm chí là đất bỏ hoang, đời sống người dân còn khó khăn hơn so với các khu vực khác cùng địa bàn.
Xác định đây là điểm nghẽn lớn, cản trở việc phát triển kinh tế - xã hội, thay vì chờ ngân sách nhà nước hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, Đảng ủy phường đã ban hành nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo UBND phường rà soát các dự án trên địa bàn, nhất là các dự án giao thông theo quy hoạch và nằm trong kế hoạch thu hồi đất năm 2019, 2020. Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân có đất nằm trong quy hoạch để tham mưu Thành ủy, UBND thành phố thuận chủ trương cho phường thí điểm vận động nhân dân hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc giải phóng mặt bằng làm đường quy hoạch. Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của người dân và Tân Bình trở thành điểm sáng của cả tỉnh về vận động nhân dân hiến đất làm đường.
Khi lòng dân đã thuận
Gia đình ông Nguyễn Văn Hữu ở khu phố Tân Trà II có gần 1 ha đất cao su đang cho thu hoạch, nhưng thời gian gần đây do giá mủ giảm nên cuộc sống gia đình luôn chật vật. Thế nhưng những ngày qua, ông Hữu vui mừng hơn cả trúng số độc đắc khi tuyến đường rộng 32m đang dần hình thành ngay trên mảnh đất gia đình.
Đường tránh quốc lộ 14 hay còn gọi là đường vành đai, đoạn đi qua phường Tân Bình dài 2,2km, rộng 32m, có 96 thửa đất và 88 hộ dân ảnh hưởng với diện tích 7 ha; trong đó phần lớn thuộc khu phố Tân Trà II. Bà Mai Thị Hằng cho biết thêm, tuyến đường vành đai có vị trí quan trọng, vì kết nối với đường ĐT741, Võ Văn Tần, Trường Chinh, Phan Bội Châu, đường hẻm 647 và khu quy hoạch trụ sở Công an thành phố, Trường tiểu học Tân Bình, Khu dân cư dịch vụ hỗn hợp Tân Bình. Đường dài, rộng, phần lớn diện tích đất thuộc sở hữu các hộ dân, trong khi đó chủ trương hiến 100% mà không đền bù nên công tác vận động gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay phần lớn các hộ dân đã tự nguyện hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc để giải phóng mặt bằng, thi công tuyến đường. Còn lại một số hộ do giải tỏa hết đất, công trình trên đất nên phường đang đề xuất UBND thành phố xem xét chính sách hỗ trợ phù hợp để tạo sự đồng thuận của người dân và sớm hoàn thành dự án.
Tuyến đường Võ Văn Tần, đoạn nối từ đường Hùng Vương với đường Tôn Đức Thắng, thuộc khu phố Tân Trà I dài gần 500m, quy hoạch hơn 20 năm qua nhưng chưa được đầu tư xây dựng. Khi mưa xuống, đường biến thành ao rất khó lưu thông. Chủ tịch UBMTTQVN phường Tân Bình Trần Văn Phước cho biết: Đường Võ Văn Tần đã được quy hoạch từ lâu nhưng đất trên đường thì vẫn thuộc sở hữu của các hộ dân. Nhằm giúp học sinh Trường THCS Tân Bình đi lại thuận tiện, trước đây phường mượn tạm đất của các hộ dân để mở đường và cam kết sẽ đền bù khi được Nhà nước đầu tư thi công tuyến đường. Tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng nên chậm được đầu tư thi công. Thuận chủ trương của UBND thành phố, đầu năm 2020, phường Tân Bình đã họp dân, giải thích rõ về chủ trương cũng như lợi ích khi hiến đất làm đường. Đến nay, 48/51 hộ dân đã đồng ý hiến đất, vật kiến trúc, còn 3 hộ đầu đường do giá trị đất lớn, hưởng lợi ít nên đang đề nghị Nhà nước hỗ trợ. Hộ tiên phong là bà Nguyễn Thị Thủy ở khu phố Tân Trà I. Gia đình bà tự nguyện tháo gỡ ki-ốt rộng 35m2 cùng 400m2 đất để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Tuyến đường Trường Chinh nối từ đường tránh quốc lộ 14 đến đường vành đai Khu công nghiệp Đồng Xoài III dài 1,8km, rộng 32m. Trong đó, đoạn qua địa bàn phường Tân Bình dài 650m, có 29 thửa đất phải vận động giải phóng mặt bằng với diện tích 2,1 ha. Đây là tuyến đường ngắn, phần lớn đi qua đất trồng điều, cao su của các hộ dân nên công tác vận động thuận tiện hơn. Hiện 100% hộ dân ảnh hưởng đã đồng thuận hiến đất, cắt cây trồng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. 2/3 tuyến đường hiện đã được trải nhựa và làm hành lang.
Mặc dù công tác vận động giải phóng mặt bằng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định nhưng với cách làm đột phá, sáng tạo của Đảng ủy phường Tân Bình, kỳ vọng rằng mục tiêu đề ra sẽ sớm hoàn thành. Qua đó, tạo thuận lợi kết nối giao thương và tạo đà phát triển kinh tế nhanh, mạnh cho địa phương và tỉnh trong tương lai không xa.
Trước đây, 1 ha đất ở khu vực này giá khoảng 1 tỷ đồng nhưng khi có đường lớn đi qua giá sẽ tăng gấp bội. Vì thế, khi lãnh đạo phường đến vận động hiến đất, gia đình tôi thực hiện ngay. Gia đình tôi hiến 2,5 sào, hơn 6 sào còn lại, trong đó phần lớn trở thành mặt tiền đường vành đai nên có giá trị rất lớn. |
Ông Nguyễn Văn Hữu, khu phố Tân Trà II, phường Tân Bình |