Công tác tuyên truyền và xây dựng mô hình tiên tiến được lan tỏa rộng rãi, nhất là trên nền tảng mạng xã hội. Tỉnh đã áp dụng hoạt động chuyển đổi số theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, đã mang lại kết quả nhất định. Triển khai, ứng dụng mạnh mẽ cuộc cách mạng 4.0 với những công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng tốt cho quá trình phát triển đô thị, địa phương và nhu cầu của doanh nghiệp, người dân và tổng hợp dữ liệu phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo. Triển khai mô hình thanh toán không dùng tiền mặt như: triển khai thí điểm “tuyến phố thông minh, không dùng tiền mặt” tại thành phố Đồng Xoài; triển khai thí điểm phiên chợ không dùng tiền mặt tại thành phố Đồng Xoài năm 2022; thúc đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục và y tế trên địa bàn tỉnh…
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng và quản lý trang thông tin điện tử “Tiếp nhận, hiến kế của công dân Bình Phước” nhằm khơi dậy ý chí, nghị lực, khát vọng cống hiến của mỗi công dân tỉnh nhà; giúp người dân có thể tiếp cận dễ dàng, sẵn sàng đóng góp ý tưởng, giải pháp hay, khả thi cao, góp phần xây dựng quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp và văn minh.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, trên sóng phát thanh, phát sóng định kỳ vào thứ Bảy hàng tuần chương trình “Góc nhìn thắng”; trên sóng truyền hình, chuyên mục “Góc nhìn thẳng” được đổi mới từ chuyên mục “Bình luận và phản biện” phát sóng định kỳ 01 tháng/01 lần. Trên báo in và báo điện tử, chuyên mục “Góc nhìn thắng” mỗi tuần đăng 05 kỳ. Số lượng tin, bài tuyên truyền trong 05 năm qua là 318 tin, bài/ báo in, 527 tin, bài/báo điện tử. Ngoài ra, nội dung này còn được tuyên truyền trong các chương trình, chuyên mục: Thời sự, Phim tài liệu, Đảng trong cuộc sống, Đại đoàn kết toàn dân tộc, Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt...
Lồng ghép tuyên truyền trong các sự kiện chính trị; tổ chức tọa đàm, hội thảo, tổ chức cuộc thi; phát hành tờ rơi giới thiệu về các khu di tích lịch sử cách mạng; tổ chức các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công; tổ chức về nguồn; tổ chức cuộc thi tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước bằng hình thức trực tuyến đã thu hút trên 1.000.000 lượt người tiếp cận và gần 30.000 lượt người trả lời đúng đáp án, đã trao 16 giải tập thể và 72 giải cá nhân, 17/21 Đảng bộ có cá nhân đạt giải…
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, đạo đức cho thế hệ trẻ được quan tâm đẩy mạnh, đa dạng hóa về hình thức, thông qua các buổi tọa đàm, các câu lạc bộ, các cuộc thi trắc nghiệm, thi tự luận trên mạng internet; xây dựng và vận hành các trang thông tin điện tử, fanpage, group, facebook; xây dựng và phát triển các ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội và các thiết bị di động thông minh để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh, thiếu niên trên địa bàn…
Từ năm 2018 đến nay, các ngành chức năng của tỉnh tổ chức định hướng, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp theo dõi, phát hiện hơn 300 lượt tài khoản đăng tải, chia sẻ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội facebook. Trong đó, đã tổ chức đấu tranh, xử lý đối với 200 trường hợp vi phạm. Hiện toàn tỉnh đã phát triển được gần 600 trang, nhóm cộng đồng; tổ chức được nhiều hoạt động để thu hút thành viên, như thi cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh…
Qua 5 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo đó, đã cử 2.872 đồng chí đi đào tạo lý luận chính trị, trong đó đào tạo Trung cấp lý luận chính trị 1.973 đồng chí, Cao cấp lý luận chính trị 899 đồng chí. Tổ chức 54 lớp/5.135 đồng chí tham gia các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị.
Trường Chính trị tỉnh đã triển khai hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai nghiên cứu 20 đề tài, đề án khoa học liên quan đến việc vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó, triển khai nghiên cứu thành công 02 đề tài, đề án khoa học cấp tỉnh; 18 đề tài khoa học cấp cơ sở. Mỗi đề án, đề tài đều chú trọng đổi mới phương pháp và cách thức tổng kết thực tiễn, đi sâu vào các mặt hoạt động của địa phương, những thông tin, tư liệu, số liệu đều đảm bảo tính trung thực, khách quan và đề xuất nhiều luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương cho Đảng bộ tỉnh và chính quyền các cấp.
Trong giai đoạn (2018-2022), Trung tâm chính trị cấp huyện đã triển khai nghiên cứu 07 đề tài, đề án khoa học liên quan đến việc vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phối hợp với các ban xây dựng đảng cùng cấp, các cơ quan liên quan tổ chức 97 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho 8.911 học viên; 1.104 lớp bồi dưỡng các chương trình với 155.224 học viên tham gia học tập. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, tuyên truyền viên và báo cáo viên.
Sau 5 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đó, địa phương đã xác định những nhiệm vụ cụ thể để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW trong thời gian tới.