Ngôi trường Dục Thanh - nơi lưu dấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ nhật - 07/05/2023 18:37 5.037 0
Trường được xây dựng năm 1907 trong khu đất nhà tự (nay thuộc địa bàn phường Ðức Nghĩa, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Trường dạy chữ Quốc ngữ là chính, bên cạnh đó, trường dạy thêm Hán văn, Pháp văn.
Trường mang tên Dục Thanh với ý nghĩa giáo dục thanh niên lòng yêu nước, hưởng ứng truyền bá tư tưởng của Phong trào Duy Tân. Ðây là trường tư thục được cho là có nội dung giảng dạy vào loại tiến bộ nhất ở miền Trung lúc bấy giờ. Ngôi trường đã ghi dấu thời gian dạy học của người thầy giáo Nguyễn Tất Thành trên hành trình đi tìm đường cứu nước.

Ngược dòng lịch sử, những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi tiếng súng chống giặc theo “Hịch Cần Vương” bị thực dân Pháp dập tắt, thì phong trào Duy Tân yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các sỹ phu là Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp khởi xướng đã lan toả ra khắp các tỉnh duyên hải miền trung cho đến miền Nam. Nếu Phan Bội Châu chủ trương cách mạng vũ trang thì Phan Châu Trinh và những cộng sự của ông lại chủ trương cách mạng văn hoá, ôn hoà. Họ đã dấy lên một cuộc vận động Duy Tân trên khắp cả nước (đầu tiên là ở Quảng Nam) với ba mục tiêu đổi mới: chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh. Nghĩa là phải thức tỉnh lòng yêu nước, mở mang trí tuệ cho dân và làm cho đời sống của nhân dân ngày càng được no đủ. Trên cơ sở đó sẽ vận động nước Pháp cải cách bộ máy cai trị. Thực hiện dân chủ tiến được bước nào chắc bước ấy mới hy vọng về sau được.
 
Di tích Trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ từng sống và dạy học
 
Phong trào Duy Tân đã lan rộng mạnh mẽ ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Bình Thuận là nơi hội tụ nhiều sỹ phu yêu nước, họ là những người tham gia phong trào tị địa, trào lưu bất hợp tác với Pháp và họ tránh về nam kỳ lục tỉnh để chờ thời cơ xây dựng lực lượng kháng chiến sau này. Trên đường vào Nam,  cụ Phan Châu Trinh đã dừng chân và thực hiện việc truyền bá tư tưởng Duy Tân ở Bình Thuận. Tại đây cụ Phan đã gặp 2 ông là Nguyễn Quý Anh và Nguyễn Trọng Lội cũng là những sỹ phu có tư tưởng tiến bộ và hưởng ứng phong trào Duy tân rất nhiệt tình, cụ Phan gợi ý muốn giáo dục và truyền bá tư tưởng Duy Tân thì phải có trường học để thu hút học sinh tham gia, có sách vở và thầy giáo truyền bá tư tưởng rõ ràng, cụ thể. Tiếp thu tư tưởng ấy, hai sỹ phu yêu nước Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh đã cùng với nhân dân trong vùng  thành lập  “Dục Thanh học hiệu” hay còn gọi là Trường Dục Thanh nhằm giáo dục thanh thiếu niên có tư tưởng tiến bộ, yêu nước, có tinh thần kháng chiến chống Pháp.

Sau khi tham gia phong trào chống thuế ở Huế năm 1908, trên hành trình đi tìm đường cứu nước, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành xuôi dần về phía Nam đã đặt chân đến nhiều địa danh ở dải đất miền Trung, như Quy Nhơn, Ninh Chữ…Người dừng lại ở Bình Thuận vào khoảng tháng 9 năm 1910, tại đây Người được một người bạn của thân sinh Nguyễn Sinh Sắc là ông Nghè Trương Gia Mô giới thiệu vào dạy học tại trường Dục Thanh.

Trường có quy mô nhỏ hẹp, không có phòng riêng, tường được làm bằng gỗ, có lợp mái ngói âm dương, lấy nhà Ngư (nơi chứa ngư cụ và làm cá, mắm của gia đình cụ Nguyễn Thông) làm nơi ở và trú trọ của của thầy và trò ở nơi xa tới. Trường do ông Nguyễn Quý Anh làm hiệu trưởng, học sinh lúc đông nhất là gần 60 người từ Sài Gòn ra và từ Đà Nẵng vào và nhiều nơi khác ở nam trung bộ, chủ yếu là con em của các thân sỹ yêu nước gửi gắm vào học.

Toàn trường có 21 bộ bàn ghế chia làm ba dãy, và chia thành 4 lớp tư, ba, nhì và nhất. Tại gian giữa là phòng học, phía trên có đặt 1 bộ Hoạ đàn trường kỷ để thầy giáo ngồi chấm bài, hai bên kê 2 tấm bảng đen để thầy giáo viết bài phía dưới là ba dãy bàn để học sinh ngồi.

Thầy Nguyễn Tất Thành được nhà trường phân công trợ giảng lớp nhì và môn thể dục là chính, ngoài ra thầy còn dạy chữ Hán, chữ Pháp lớp ba, lớp tư. Ngoài những nội dung do trường phân công, thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn truyền cho học sinh tình yêu quê hương đất nước, truyền thống đoàn kết gắn bó, tương thân tương ái của dân tộc. Trên bục giảng thầy Thành hết lòng dốc sức truyền đạt tri thức và tư tưởng tiến bộ, những điểm tiến bộ trong tư tưởng của các của các nhà tư tưởng tân thời cũng như lòng căm hờn ách đô hộ của thực dân Pháp với người dân, đất nước cho những thế hệ thanh niên tương lai. Truyền cho học trò ý thức phải học, học để tìm thấy lối đi, học để làm người, học để không bị ngu muội. Thầy dạy: chữ là mắt, người không có chữ con người coi như bị mù, không có chữ thì con người ta mãi bé nhỏ trước tất cả, vật hy sinh của bọn sai khiến. Nên tất cả các trò phải học, học để làm người, để giúp dân, giúp nước. Từ đó, học sinh và dân chúng quanh vùng đã dần quen và yêu quý với giọng nói xứ nghệ của Thầy qua những câu chuyện về những tấm gương trung kiên của các chiến sĩ Cần Vương, những anh hùng dân tộc kiên cường chống Pháp… đến hơi thở cuối cùng, từ đó bồi đắp tình yêu quê hương yêu nước của các em thơ, thanh thiếu niên và nguời dân Bình Thuận và học trò khắp các vùng miền đến học tại Trường Dục Thanh.  

Là một trường tư thục, Trường Dục Thanh có nhiều điểm tiến bộ, thứ nhất là về nội dung giảng dạy, thứ 2 đưa được môn giáo dục vào giảng dạy chính khoá, thứ 3 là có nơi nội trú cho giáo viên và học trò. Chữ Quốc ngữ là chứ được dạy chính, bên cạnh đó trường còn dạy chữ Hán, tiếng Pháp và môn thể dục. Các bài giảng là những bài thơ có nội dung yêu nước của các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… Môn thể dục được đưa vào chương trình học là một điểm khá mới mẻ thời bấy giờ đối với học sinh, bởi trường chưa có sân bãi, đường chạy và dụng cụ để học, Thầy Thành cùng với học sinh tự phắc phục bằng cách lao động để làm sân bãi. Tháng 2 năm 1911, sau hơn nửa năm dạy học, thầy Thành lên đường vào Sài Gòn tiếp tục đi tìm con đường cứu nước cứu dân. Một thời gian, sau do nhiều yếu tố lịch sử trường Dục Thanh đóng cửa vào năm 1912.
 
Một góc vườn trong khu di tích
 
Đã hơn trăm năm trôi qua, hôm nay, chúng ta đến thăm ngôi trường Dục Thanh, vẫn cây xanh, mái ngói rêu phong cổ kính, vẫn giữ nguyên những nét nguyên sơ của một Học Thanh dục hiệu thời thầy Nguyễn Tất Thành dạy học. Ở đây, ta cũng bắt gặp cây khế, cây vú sửa trong vườn vẫn xanh tốt như những lý tưởng mà Bác đã dành trọn tuổi thanh xuân cống hiến, để đến ngày 5/6/1911 người thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu La-tu-sơ -tơ-ve-rin (Amiral Latouche Tréville)  rời bến cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước kéo dài suốt 30 năm như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre
Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ xở….”

 
Đã hơn một thế kỷ trôi qua từ ngày Bác rời mái trường Dục Thanh đi tìm con đường cứu nước, trở thành vị lãnh tụ cách mạng của Đảng ta, nhưng đối với mỗi người dân Phan Thiết nói riêng và với mỗi người dân Việt Nam, Bác mãi là người Thầy vĩ đại, người đang dạy chúng ta tinh thần làm người, bác ái, đoàn kết để xây dựng một đất nước hùng cường, vững mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu
 

Tác giả bài viết: Trương Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây