Phú Riềng sau một năm thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy

Thứ sáu - 12/07/2019 10:19 1.993 0
Ngày 17/5/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1016 về những nội dung thực hiện Quyết định 999-QĐ/TU ngày 10/4/2018 của Tỉnh ủy đối với Huyện ủy Phú Riềng (thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII). Sau 1 năm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Đảng bộ huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Đồng chí Trần Văn Lân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện quán triệt, triển khai nội dung đề án
Đồng chí Trần Văn Lân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện quán triệt, triển khai nội dung đề án
Trước khi thực hiện đề án
Huyện Phú Riềng thành lập và chính thức hoạt động từ tháng 8/2015 trên cơ sở Nghị quyết số 931/NQ-UBTVQH ngày 15/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đảng bộ huyện có 46 tổ chức cơ sở đảng với 2.198 đảng viên. Biên chế khối Đảng, đoàn thể được giao là 60, hiện có 31; khối nhà nước là 83, hiện có 67 biên chế; 5 đơn vị sự nghiệp được giao 39, hiện có 23; 7 hội đặc thù với 20 định suất được giao; 42 đơn vị sự nghiệp giáo dục với 1.368/1.415 giáo viên và nhân viên phục vụ, 244 hợp đồng 68.

Về tổ chức bộ máy cấp xã, huyện có 8 xã loại 1 và 2 xã loại 2 với 218/246 cán bộ, công chức và 168/216 người hoạt động không chuyên trách. Toàn huyện có 89 thôn, mỗi thôn có khoảng 21 chức danh với 1.665 người hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước. Trung bình, kinh phí hỗ trợ cho cho người hoạt động của 1 thôn/1 tháng khoảng 9.500.000 đồng.

Ngoài ra, so với mặt bằng chung đối với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, huyện Phú Riềng vẫn chưa thành lập một số cơ quan, đơn vị như: Bệnh viện đa khoa, Nhà thiếu nhi, Thư viện huyện, Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Đội quản lý công trình đô thị, Trung tâm phát triển quỹ đất, Ban quản lý chợ, Trạm kiểm dịch động vật.... Từ những thống kê trên cho thấy, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan có sự trùng lắp; công tác phối hợp còn có lúc chưa kịp thời, thiếu thống nhất; đội ngũ cán bộ cấp huyện còn thiếu, hạn chế về kinh nghiệm, trình độ đội ngũ cán bộ xã, thôn chưa đảm bảo gây khó khăn trong quá trình tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Và những kết quả quan trọng sau 1 năm thực hiện
Hợp nhất các cơ quan, tổ chức, huyện đã thành lập Phòng Nội vụ - Lao động TB&XH trên cơ sở sáp nhập Phòng Nội vụ và Phòng LĐTB&XH; Phòng Văn hóa - Thông tin trên cơ sở hợp nhất Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm VH-TT&TT và Đài TT-TH; thành lập Trung tâm Y tế trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dân số, KHHGĐ và Trung tâm Y tế; thành lập Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp trên cơ sở hợp nhất Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Trạm chăn nuôi thú y; thành lập Khối vận gồm cơ quan Ban Dân vận, MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện.
Huyện cũng thực hiện nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo: Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện; Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy kiêm Trưởng phòng Nội vụ - LĐTB&XH; Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy kiêm Chánh Thanh tra huyện; Trưởng ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBMTTQVN huyện đồng thời làm Trưởng Khối vận; Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị; Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin kiêm Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy; Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Phó trưởng Khối vận.

 Về cơ quan đã giảm 2 đơn vị hành chính và 5 đơn vị sự nghiệp (không tính trường học). Với biên chế: Khối Đảng và Nhà nước giảm 14/143 biên chế công chức (giảm 10%) và 5 hợp đồng theo Nghị định 68 của Chính phủ (giảm 62,5%); đơn vị sự nghiệp giảm 5 biên chế viên chức (giảm 3,4%). Các hội đặc thù giảm 6 định suất (giảm 30%). Về chức danh lãnh đạo giảm 13 cấp trưởng và 3 cấp phó tại các cơ quan, đơn vị.

Đối với các xã thực hiện mô hình và nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo: Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND tại 2/10 xã (Long Bình, Bù Nho);  Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND tại 3 xã (Phú Trung, Long Tân, Bình Sơn); Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND tại 7 xã (Phú Riềng, Bù Nho, Long Bình, Long Hà, Long Hưng, Phước Tân, Bình Tân). Giảm 28/246 cán bộ, công chức (đạt 11,4%), 103/216 người hoạt động không chuyên trách (đạt 47,6%), xóa bỏ 100% công chức dự bị.

Đối với các thôn, từ năm 2018 đến nay, các thôn hoàn thành việc thực hiện giảm từ 21 người xuống còn 5-7 người để đảm nhận các chức danh (từ 1.665 xuống còn 573 người, giảm 1.073 người).

Đến ngày 30-5-2019, huyện đã hoàn thành việc sáp nhập 8 trường thành 4 trường và 5 điểm lẻ (từ 42 xuống còn 38 trường), giảm 50/1.465 biên chế, 105/230 nhân viên chuyên trách và 177/244 hợp đồng theo Nghị định 68 của Chính phủ.

Sau khi sáp nhập, chuyển giao, đến nay toàn huyện có 39 tổ chức cơ sở đảng, trong đó 12 đảng bộ và 27 chi bộ cơ sở với 2.358 đảng viên (giảm 7 tổ chức cơ sở đảng). Đối với kinh phí, sau 1 năm thực hiện đề án, ước lượng giảm trên 15,2 tỷ đồng.

Sau một năm thực hiện đề án tại huyện Phú Riềng đã góp phần giảm trung gian, giảm đầu mối, biên chế, chi thường xuyên, đồng thời nâng cao được công tác quản lý nhà nước, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy năng lực cán bộ, công chức... Việc triển khai thực hiện đề án nhận được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị huyện và các tầng lớp nhân dân.

Tác giả bài viết: Đỗ Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây