Phát biểu chào mừng diễn đàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm cho rằng: Tình hình kinh tế - xã hội khu vực đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là vấn đề an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng ổn định. Tuy nhiên, hợp tác trong khu vực thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng quốc gia. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, diễn đàn lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi các bên đang thực hiện “Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia”, “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào” và Bình Phước đang hướng tới kỷ niệm 21 năm ngày tái lập tỉnh. Mong chính quyền 13 tỉnh và doanh nghiệp 3 nước cùng đánh giá lại kết quả hợp tác đầu tư thương mại và du lịch thời gian qua, từ đó đề xuất hướng hợp tác đầu tư có hiệu quả hơn.
Báo cáo về tình hình đầu tư, kinh doanh của Việt Nam tại khu vực TGPT, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết: Hoạt động đầu tư phát triển thương mại của 3 nước thời gian qua đã đạt một số kết quả nhất định. Đến nay, Việt Nam có 113 dự án với tổng vốn đầu tư 3,6 tỷ USD; Lào có 65 dự án với tổng vốn gần 2 tỷ USD và các tỉnh của Campuchia có 48 dự án với tổng vốn là 1,6 tỷ USD. Các dự án của Việt Nam trong khu vực phần lớn là thủy điện, xây dựng, khai khoáng, nông nghiệp. Trong 11 tháng năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với Lào đạt 808 triệu USD, tăng 9,81% so với cùng kỳ năm 2016; tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với Campuchia đạt 3,43 tỷ USD, tăng 31% so năm 2016. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sắt, thép, xăng dầu, hàng dệt may... Hiện Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định thương mại biên giới, Hiệp định biên giới Việt Nam và Campuchia đang trong quá trình đàm phán. Về du lịch, khu vực TGPT được triển khai thông qua cơ chế hợp tác khu vực tiểu vùng sông Mêkông mở rộng, giai đoạn 2016-2020. Các cấp địa phương và doanh nghiệp đã tổ chức các hoạt động hợp tác liên kết điểm đến xúc tiến du lịch tại khu vực TGPT…
Toàn cảnh diễn đàn
Ông Huỳnh Anh Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Lĩnh vực phát triển du lịch được hầu hết các tỉnh trong khu vực của Việt Nam xác định là bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Trong tương lai, Bình Phước sẽ có tuyến đường sắt xuyên Á đi qua, nối liền 28 quốc gia. Là một trong 5 tỉnh của Việt Nam trong khu vực TGPT, Bình Phước được coi là thị trường tiềm năng do có lợi thế về quỹ đất sạch, luôn coi thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp đã đặt trên 10 câu hỏi đề nghị các nước có chính sách ưu đãi nhà đầu tư, ưu đãi vốn cho doanh nghiệp; nâng cấp hoàn thiện hạ tầng cơ sở, trong đó chú trọng hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện nước… Trong xây dựng các chương trình hoạt động chung, 3 nước cần nghiên cứu hình thành vùng nguyên liệu lớn để khuyến khích các nhà đầu tư phát triển bền vững.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam phát biểu tại diễn đàn
Thay mặt đoàn chủ tịch, ông Đỗ Nhất Hoàng đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, đồng thời cho biết, thời gian tới các bên sẽ bàn bạc, thống nhất giải pháp tháo gỡ, đáp ứng những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Các bên cũng đẩy nhanh đàm phán ký kết đa phương, song phương, từng quốc gia sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo khung pháp lý, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh. Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp cần tự nâng cao năng lực, trình độ cạnh tranh, kịp thời đáp ứng được nhu cầu phát triển.