Chung tay giúp nông dân trồng điều vượt qua khó khăn

Thứ sáu - 29/09/2017 03:24 795 0
Sáng 28-9, tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh tổ chức hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ nông dân trồng điều và biện pháp phát triển cây điều. Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh chủ trì hội nghị. Cùng dự còn có lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị xã và đông đảo doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 34.392,42 ha điều bị sâu bệnh, chiếm 25,62% diện tích điều toàn tỉnh. Trong đó, 7.064 ha, với 3.903 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bị thiệt hại. Hiện nay, diện tích này có nguy cơ phát sinh thành dịch và khả năng mất mùa cao.

GIẢI PHÁP CỨU CÂY ĐIỀU VÀ HỖ TRỢ NÔNG DÂN

Theo chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại cuộc họp ngày 21-9 là hộ nào khó khăn do mất mùa điều sẽ được hỗ trợ, ngành nông nghiệp còn tham mưu mức hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS. Đồng thời, ngành nông nghiệp đã đề ra 2 phương án hỗ trợ theo định mức được quy định tại Quyết định số 306/QĐ-UBND ngày 27-2-2013 của UBND tỉnh. Một là hỗ trợ 100% diện tích điều bị thiệt hại tương ứng với hơn 68,7 tỷ đồng; hai là hỗ trợ 100% diện tích điều bị thiệt hại thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, tương ứng hơn 14 tỷ đồng.

Ông Lê Quốc Cường phát biểu ý kiến tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Lương Nhân cho biết, qua khảo sát, tình hình dịch bệnh trên cây điều của đồng bào DTTS ở Bù Gia Mập rất nặng. Đồng bào cho rằng đây là bệnh lạ, vì sâu đục làm chết chồi, dẫn đến chặt bỏ chồi. Rồi sâu lại đục cành, phải cưa cành. Nếu cứ chặt và cưa như vậy, cây điều không sống được nữa. Ông Nguyễn Lương Nhân kiến nghị, trước tình hình sâu bệnh phá hoại nặng, tỉnh cần công bố dịch để có nguồn hỗ trợ nông dân. Phương án hỗ trợ của ngành nông nghiệp còn chung chung, cần bổ sung hộ chính sách vào đối tượng hỗ trợ và tham mưu “cơ chế đặc thù” chứ đợi theo quy trình “khi có ngân sách thì điều chết hết!”.

Bù Gia Mập có diện tích điều bị nhiễm bệnh toàn huyện hơn 9.600 ha. Ông Trần Quang Ty, Bí thư Huyện ủy Bù Gia Mập kiến nghị đẩy mạnh tuyên truyền; các tổ công tác của ngành nông nghiệp cùng các tổ của huyện phối hợp kiểm tra, rà soát lại diện tích đang được khắc phục để có giải pháp trong thời gian tới. Huyện đề nghị ngành nông nghiệp xác định lại mô hình nào hiệu quả thì làm điểm tập huấn cho nông dân. Để nông dân có điều kiện chữa trị sâu bệnh, đề nghị chính sách hỗ trợ của tỉnh kịp thời. Về giải pháp của huyện sẽ thành lập mỗi xã một tổ hợp tác hoặc hợp tác xã nhằm tập hợp các hộ trồng điều lại để hỗ trợ họ biện pháp thâm canh hiệu quả.

TẠI SAO BÌNH PHƯỚC KHÔNG CÔNG BỐ DỊCH?

Muốn công bố dịch, theo Nghị định số 116 của Chính phủ có 2 vấn đề, một là diện tích nhiễm bệnh tăng gấp đôi so với 2 năm trung bình liền kề trước đó, thứ hai là tỉnh đã áp dụng tất cả các biện pháp mà không kiềm chế được dịch bệnh. Tuy nhiên, Bình Phước chưa áp dụng được hết các biện pháp phòng trừ bệnh nên không đủ điều kiện để công bố dịch.

Ông LÊ QUỐC CƯỜNG, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam

Khi phát biểu, ông Huỳnh Hữu Thiết, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng đã xin ý kiến được đứng ở góc độ người nông dân để nêu lên những băn khoăn như làm thế nào để có trái điều cho niên vụ 2017-2018? Hiện nay, loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nào trị bệnh được cho cây điều? Và tại sao Bình Phước không công bố dịch để nông dân được hưởng chính sách này? Ông Thiết cũng đưa ra một số giải pháp gợi mở cho ngành nông nghiệp, như: Thành lập một đội tư vấn là những nông dân sản xuất giỏi, biết chuyển giao khoa học - kỹ thuật để tư vấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho nông dân...

Ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế. Sau đợt khảo sát, đoàn nhận thấy bệnh bọ xít muỗi ở Bình Phước rất nặng. Vì vậy, việc cần làm hiện nay vẫn phải tuyên truyền nông dân cắt tỉa, dọn vườn thông thoáng. Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường thanh - kiểm tra các đại lý thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn cho họ để có trách nhiệm hơn với nông dân. Nông dân phải thực hiện “4 đúng” trong hướng dẫn phun thuốc.

DOANH NGHIỆP CÙNG CHIA SẺ VỚI NÔNG DÂN

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh thống nhất sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy bổ sung hộ chính sách vào đối tượng hỗ trợ. Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã thống kê hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS bị mất mùa điều trên địa bàn để có chính sách hỗ trợ phù hợp; phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn và các phòng, ban liên quan tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng bệnh trên cây điều. Ngành nông nghiệp phối hợp các ngành liên quan xây dựng các định mức thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho mùa vụ năm nay và những năm tiếp theo; nhanh chóng xây dựng quy trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh để tập huấn cho nông dân thực hiện đồng đều; tranh thủ sự hỗ trợ của cơ quan cấp trên; huy động những nông dân giỏi giúp nông dân. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tham mưu kế hoạch cứu đói giáp hạt cho những hộ bị ảnh hưởng... Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp chế biến điều trên địa bàn tỉnh chung tay hỗ trợ nông dân trồng điều.

Đáp từ lời kêu gọi của Phó chủ tịch UBND tỉnh, các doanh nghiệp dự hội nghị đã thống nhất sẽ chung tay giúp nông dân trồng điều vượt qua khó khăn.

Nguồn tin: Theo Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây