Các chương trình, chính sách hỗ trợ, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội được triển khai kịp thời, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính như: nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, việc làm; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, tích hợp vào quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án quan trọng, có tính lan tỏa lớn; cải cách hành chính, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… Đến nay các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chỉnh phủ, tỉnh đã giải ngân gần 118 tỷ đồng, đạt 81,47% kế hoạch giao. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm 2022, đạt 22.700 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2021; thu hút 30 dự án FDI/tổng số vốn hơn 107 triệu USD; lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 364 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư gần 3.430 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 9,01%. Trong đó, ngành công nghiệp xây dựng tăng 16%, dịch vụ tăng 8,5%, so với cùng kỳ năm 2021.
Để cải thiện rõ rệt Chỉ số PCI Bình Phước năm 2022 và những năm tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 24/9/2022, trong đó xác định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:
Về cải cách thủ tục hành chính: Thường xuyên rà soát những quy định không còn phù hợp để cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp; phối hợp có hiệu quả và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức: Nâng cao tinh thần trách nhiệm trong phục vụ người dân và doanh nghiệp. Định kỳ hàng năm đánh giá năng lực, phẩm chất, trách nhiệm và thái độ của cán bộ khi làm việc với người dân, doanh nghiệp, đặc biệt ở những lĩnh vực, chỉ số thành phần bị đánh giá thấp, ảnh hưởng đến Chỉ số PCI của tỉnh, Chỉ số cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI); mạnh dạn có biện pháp điều động, luân chuyển, thay đổi cán bộ nếu cần thiết.
Nâng cao tính minh bạch, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp: Kịp thời công khai, minh bạch thông tin, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận quy hoạch, đất đai, thủ tục đầu tư dự án và kế hoạch phát triển của tỉnh. Tổ chức đối thoại định kỳ hàng tháng với doanh nghiệp, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Lập đường dây nóng để trả lời, cung cấp thông tin, tài liệu cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp chuyển đổi số, tuyển dụng lao động, đổi mới công nghệ; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch… Tập trung phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra: Tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng trong tỉnh để tránh chồng chéo, trùng lặp, nhất là trong giám sát đối với hoạt động của các đoàn thanh tra, kiểm tra, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Kiên quyết xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở và khó khăn cho doanh nghiệp. Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo xử lý các ách tắc, khó khăn của doanh nghiệp.
Về tổ chức thực hiện: Các cấp ủy đảng quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Định kỳ hàng năm, tổ chức hội nghị đánh giá, phân tích để xác định phương hướng khắc phục hạn chế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.