Kết quả sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Thứ tư - 27/05/2020 11:09 1.811 0
Ngay sau khi có Chỉ thị 50-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 53-KH/TU ngày 10/10/2005 về thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để cụ thể hóa Chỉ thị 50-CT/TW, Kế hoạch 53-KH/TU và tổ chức quán triệt cho các chi, đảng bộ trực thuộc; thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào sản xuất, đời sống.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và đánh giá cao mô hình trồng rau thủy canh của Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tỉnh (2017).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và đánh giá cao mô hình trồng rau thủy canh của Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tỉnh (2017).
Một số kết quả phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực
Trong lĩnh vực nông nghiệp: Trong những năm qua, Hội đồng khoa học tỉnh đã chủ động tư vấn, tuyển chọn nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều đề tài về ứng dụng CNSH trong nông - lâm nghiệp, tiêu biểu như đề tài: “Nghiên cứu giải pháp bảo tồn và phát triển sản xuất các loài lan rừng có giá trị kinh tế cao tại tỉnh Bình Phước”; các dự án như: “Xây dựng mô hình hầm khí biogas theo hướng thu hồi năng lượng” của Ban Chỉ huy quân sự huyện Chơn Thành,...; thực hiện dịch vụ cấy tạo trầm trên cây dó bầu bằng các chủng vi sinh cho nhiều hộ gia đình ở các huyện, thị,...

Các huyện, thị, thành phố cũng đã triển khai nhiều đề tài, mô hình nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất, trong đó có một số đề tài, mô hình nổi bật như: đề tài “Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc kết hợp trồng rau sạch với xử lý rác thải quy mô hộ gia đình” của thị xã Phước Long; ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn Vietgap của thị xã Bình Long,..., đặc biệt tại huyện Chơn Thành có hộ gia đình ông Mai Văn Cúc đã sáng chế ra thuốc trừ sâu sinh học phòng trị ruồi vàng và hộ gia đình ông Nguyễn Tấn Lực đã ủ thành công phân hữu cơ sinh học (phân cá) sử dụng trong trồng trọt,... Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp ghép cho một số hộ nông dân, đến nay các hộ đã ghép thành thạo, tự sản xuất giống và ghép cải tạo cho các vườn cây của gia đình. Triển khai ứng dụng rộng rãi công nghệ thụ tinh nhân tạo cho heo, bò (thay thế dần cho việc sử dụng đực phối giống trực tiếp) góp phần nhân nhanh các giống tốt.

Trong lĩnh vực y - dược: Bước đầu ứng dụng các thành tựu KH - KT vào phòng, chống các loại dịch bệnh như: sử dụng các loại vắc-xin, huyết thanh, các loại dược phẩm có nguồn gốc sinh học, nhờ đó các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh lao, bệnh bướu cổ, bại liệt ở trẻ em ngày càng giảm góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Ngành khoa học và công nghệ đang phối hợp thử nghiệm ứng dụng thực vật thủy sinh để xử lý nước thải sau biogas của các cơ sở chăn nuôi tại các địa phương bằng công nghệ sinh thái, thân thiện với môi trường.

Phát triển công nghiệp công nghệ sinh học: Toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) đã đăng ký thực hiện các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh với tổng quy mô trên 590 ha.

- Về trồng trọt: Diện tích nhà lưới, nhà màng trên 100 ha để phát triển rau, hoa, quả, trong đó có gần 50 ha nhà màng ứng dụng các phương pháp canh tác tiên tiến để trồng dưa lưới cho thu nhập từ 4 - 5 tỷ đồng/ha/năm.

- Về chăn nuôi: Toàn tỉnh có 299 trang trại heo, gà, trong đó có 56 trang trại chăn nuôi heo có hệ thống làm lạnh, tự điều chỉnh nhiệt độ, sử dụng máng ăn bằng silo và hệ thống nước uống tự động, quy mô chuồng nuôi từ 1.000 con - 12.000 con. Đối với mô hình chăn quy mô hộ gia đình, tại một số huyện đã thực hiện thử nghiệm nuôi gà bán chăn thả trên đệm lót sinh học, bước đầu đã mang lại hiệu quả, hạn chế dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra các trang trại đã áp dụng cơ giới hóa và tự động hóa, công nghệ tưới, áp dụng giống mới, quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ sinh học vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như:
- Việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhiều so với nhu cầu thực tế; việc xây dựng các cơ chế, chính sách, bố trí kinh phí nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNSH còn hạn chế.

- Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng CNSH còn thiếu, chưa đồng bộ; hạ tầng kết nối và hạ tầng thông tin trong nông nghiệp nông thôn còn thiếu; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư và đổi mới công nghệ.

- Nguồn nhân lực CNSH vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng, phát triển CNSH trên địa bàn tỉnh.

- Công tác ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về CNSH còn hạn chế, một số đề tài nghiên cứu khoa học và các mô hình chuyển giao chỉ dừng ở mức thử nghiệm, trình diễn, không có nguồn kinh phí để hỗ trợ nhân rộng.

Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế:
Về khách quan: Bình Phước là một tỉnh biên giới, vùng sâu, vùng xa, nông nghiệp là chủ yếu, xuất phát điểm nền kinh tế - xã hội còn thấp, có đông đồng bào dân tộc, tỷ lệ dân di cư cao (chủ yếu là dân di cư nông nghiệp) nên rất khó khăn về phổ cập nâng cao trình độ và tiếp cận với những tri thức mới.

Về chủ quan: một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đẩy mạnh và ứng dụng CNSH đối với sự phát triển của địa phương; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, đồng bộ, còn tư tưởng xem đây là nhiệm vụ của riêng ngành KH&CN nên không có sự phối hợp trong đề xuất, triển khai ứng dụng CNSH.

Một số nhiệm vụ, giải pháp cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới
- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc phát triển và ứng dụng CNSH đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao về phát triển và ứng dụng CNSH tại địa phương, trong đó cơ quan được giao chủ trì thực hiện phải chủ động điều hòa, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các ban, sở, ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan, thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh những cơ chế, chính sách phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo đúng quy định, có tính khả thi cao.

- Quan tâm đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, huy động mọi nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài tỉnh; bổ sung các dự án liên quan đến hạ tầng kết nối và hạ tầng thông tin trong nông nghiệp nông thôn để thu hút doanh nghiệp.

- Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm nghiên cứu khoa học, hoạt động trong lĩnh vực CNSH.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc phát triển và ứng dụng CNSH đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
.

Tác giả bài viết: Duy Khiêm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây