Vai trò lãnh đạo của Đảng trong Chiến dịch Đường 14 - Phước LongTrong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ sau năm 1973, Bộ Tư lệnh Miền và Tỉnh ủy Bình Phước tập trung chỉ đạo cho các địa phương vừa đẩy mạnh hoạt động chống càn lấn chiếm để mở rộng vùng giải phóng, vừa đặc biệt ra sức xây dựng củng cố vững chắc vùng căn cứ địa cách mạng. Đến cuối năm 1974, vùng giải phóng ở Phước Long được củng cố vững chắc, vùng tạm chiếm thì không còn cơ sở trắng, nơi nào cũng có chi bộ; các tổ chức đoàn thể được thành lập. Ngay trong hàng ngũ địch, ta đã tổ chức được một số cơ sở nội tuyến và đã cung cấp cho ta nhiều tin tức quan trọng. Lực lượng tập trung của tỉnh, huyện cùng các mũi công tác, du kích các xã bám sát chiến trường.
Để chuẩn bị mở màn cho chiến dịch đường 14 - Phước Long, Trung ương Cục và Quân ủy Miền giao nhiệm vụ cho Đảng bộ Bình Phước phải chuẩn bị chiến trường, đẩy mạnh hoạt động 3 mũi giáp công để kìm chân, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch tại chỗ, tạo thế cho quần chúng nổi dậy. Đối với vùng căn cứ, Phước Long vừa có nhiệm vụ chuẩn bị lương thực, hậu cần tại chỗ, vừa chuẩn bị địa bàn đứng chân cho các đơn vị chủ lực lớn, mở đợt tiến công tiêu diệt địch. Tỉnh ủy Bình Phước phối hợp với Quân đoàn 4 khẩn trương chuẩn bị các mặt cho chiến dịch, thông qua quyết tâm trước Trung ương Cục, Quân ủy Miền.
Tháng 12/1974, Trung ương Cục và Quân ủy Miền giao nhiệm vụ cho quân dân Bình Phước dùng bộ đội địa phương tiến công, diệt gọn chi khu quân sự Bù Đốp lưu vong, chi khu quân sự Đức Phong và yếu khu Bù Na nhằm chia cắt và cô lập Phước Long với các khu vực xung quanh, sau đó phối hợp với quân chủ lực tiến công giải phóng Phước Long. Nhận nhiệm vụ trên, Tỉnh ủy gấp rút lập Ban chỉ huy tiền phương do đồng chí Đỗ Văn Nuống (Tư Nguyện) -Bí thư Tỉnh ủy làm Chính ủy, đồng chí Lê Hùng - Tỉnh đội trưởng làm Chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ đạo mũi tiến công này.
Chiến dịch đường 14 - Phước Long do Quân đoàn 4 tiến hành, lực lượng vũ trang của tỉnh tham gia chiến dịch bao gồm toàn bộ các đơn vị của tỉnh, các huyện. Lực lượng của Bù Đăng, Đồng Xoài. Các đơn vị tập trung của tỉnh có Tiểu đoàn 208, hai đại đội đặc công U
11 và U
13, Đại đội 14 trợ chiến, Trung đội công binh, Đại đội bộ binh 54, hai đại đội bộ binh của Bù Đốp và Phước Bình.
Diễn biến của Chiến dịch Đường 14 - Phước LongĐêm 12 rạng ngày 13/12/1974, trong lúc các đơn vị chủ lực bí mật hành quân về hướng Bù Đăng - đường 14 thì các đơn vị của tỉnh gồm Tiểu đoàn 208, các đơn vị đặc công U
11 và U
13 đồng loạt nổ súng tiêu diệt chi khu "Bù Đốp lưu vong" ta vừa chiếm giữ trận địa vừa truy quét địch xung quanh, vừa nghi binh kéo địch để tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực tập trung vào các hướng tiến công chủ yếu. Trong khi đó, ngày 14/12/1974, ở hướng Bù Đăng - đường 14, các đơn vị chủ lực cùng với lực lượng địa phương tiến công giải phóng chi khu quân sự Đức Phong. Những ngày kế tiếp đó, ta tiếp tục giải phóng đoạn đường 14 từ Đức Phong đến yếu khu Bù Na, tiến công uy hiếp Đồng Xoài, giải phóng vùng Đông Nam Phước Long rộng lớn với hơn 14.000 dân, phá tan tuyến phòng thủ phía Nam.
Bộ Tư lệnh chủ lực Miền tiến công giải phóng cứ điểm Bộ Chỉ huy Cảnh sát ngụy ở Phước Long (ảnh tư liệu)
Ngày 17/12/1974, địch đưa 2 tiểu đoàn đến tái chiếm chi khu "Bù Đốp lưu vong", lực lượng ta chiến đấu quyết liệt với địch. Đến ngày 22/12, ta hoàn toàn làm chủ trận địa và tiêu diệt thêm các đồn Thác Mơ, Phước Quả, Phước Tín, Phước Lộc… Sau trận đánh, Tỉnh ủy Bình Phước thành lập Tiểu đoàn Bà Rá.
Ngày 26/12/1974, ta nổ súng tiến công chi khu quân sự Đồng Xoài. Đúng 5 giờ sáng, quân ta nổ súng tấn công, đến 8 giờ 35 phút ta làm chủ được chi khu. Quân ta tiếp tục truy quét địch 15 giờ cùng ngày thì hoàn toàn làm chủ khu vực Đồng Xoài. Đồng Xoài bị thất thủ, Phước Long bị bao vây cô lập.
Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy Quân đoàn 3 địch và tiểu khu Phước Long xác định thế phòng thủ là “kiềng ba chân” gồm Phước Long, núi Bà Rá và chi khu Phước Bình. Tuyến phòng thủ này nằm trên một diện tích rộng 10 km
2 với 3 tuyến phòng ngự cơ bản: tuyến vành đai, tuyến kháng chính và tuyến tử thủ. Chi khu Phước Bình và sân bay Phước Bình là hai điểm tựa quan trọng của Phước Long; núi Bà Rá do một đại đội của tiểu đoàn bảo an đóng chốt là “con mắt thần” bao quát thị xã và các khu vực xung quanh. Ngoài ra, địch còn tổ chức các đơn vị ngăn chặn trên hai hướng đường 311 (Phước Yên, Phước Sơn, Phước Vĩnh) và đường 309 (Phước Lộc, Thác Mơ, Tư Hiền 1, 2) nhằm ngăn chặn quân ta tiến công vào thị xã. Chúng còn lập một hệ thống đồn bót, ấp chiến lược dày đặc ở Sơn Giang, cầu Suối Dung, Nhơn Hòa, An Lương, Tư Lập… để phòng thủ vòng ngoài. Phía trong thị xã, trung tâm phòng ngự cuối cùng của địch có nhiều vị trí trú quân, nhiều chướng ngại vật hình thành căn cứ phòng thủ hết sức kiên cố.
Mặc dù lực lượng địch phòng thủ đông đúc nhưng tinh thần của chúng thì đang hoang mang, rệu rã. Ngay từ những ngày đầu chiến dịch, ta đã cho pháo bắn vào thị xã, phá hủy một số công sự, làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc, gây cảnh hoang mang, hỗn loạn trong binh lính và sĩ quan ngụy. Nắm được tình hình đó, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền hạ quyết tâm giải phóng toàn bộ tỉnh Phước Long.
Vào những ngày cuối tháng 12/1974, các lực lượng vũ trang của Bình Phước liên tục mở những mũi tiến công địch từ các hướng. Rạng ngày 31/12/1974 mở đầu trận quyết chiến giải phóng tỉnh Phước Long, pháo binh ta dồn dập bắn vào chi khu quân sự Phước Bình, sân bay Phước Bình và núi Bà Rá. Sau đó bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương đồng loạt nổ súng tiến công vào chi khu quân sự Phước Bình và núi Bà Rá. Cuộc chiến giằng co quyết liệt giữa ta và địch diễn ra suốt ngày. Đến tối ngày 31/12, lực lượng ta liên tục tiến công, siết chặt vòng vây các mục tiêu còn lại của địch ở Phước Long.
Sáng 1/1/1975, quân ta với 2 mũi từ Thác Mơ, Phước Quả có pháo binh yểm trợ thọc sâu tiến công chốt cố thủ cầu Suối Dung và Tư Hiền. Cánh quân của các đơn vị Sư đoàn 7 đánh chiếm ấp chiến lược Sơn Hà, Nhơn Hòa 1, 2. Một cánh quân khác đánh chiếm đồn An Long và đồn Vạn Kiếp. Lớp vỏ ngoài của thị xã gồm hệ thống ấp chiến lược và đồn bót đã bị quân ta chọc thủng. Lúc này, vòng vây của quân ta đang dần dần siết lại. Các điểm cố thủ chính của quân địch hầu như bị tê liệt, không còn khả năng chống trả.
Ngày 2/1/1975, một đơn vị chủ lực của ta đánh chốt hướng Tây Bắc sân bay Phước Bình và các ấp chiến lược xung quanh, chiếm lĩnh luôn trận địa. Ngày 3/1, lực lượng ta tiếp tục phá vỡ tuyến phòng thủ phía Nam thị xã, đưa lực lượng đột nhập vào khu chợ, sân vận động, bến xe,… để tiêu diệt địch. Các đơn vị chủ lực có xe tăng tăng cường đánh vào các mục tiêu: dinh tỉnh trưởng, tiểu khu mới, tiểu khu cũ, tòa hành chánh và nhiều khu vực trong thị xã.
Sáng ngày 6/1, đúng như hiệp đồng đã thỏa thuận, quân ta đồng loạt nổ súng tiến công trên tất cả các hướng. Trước sự tấn công mãnh liệt của quân ta, cuối cùng tất cả các mục tiêu trong thị xã đều bị quân ta tiêu diệt. Đến 9 giờ sáng ngày 6/1, lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên nóc nhà “Dinh tỉnh trưởng”. Quân ta được sự hướng dẫn của nhân dân tiếp tục truy quét các nhóm tàn quân địch đang lẩn trốn. Các mũi vũ trang còn lại tiếp tục nổ súng tiến công tiêu diệt các mục tiêu còn lại trong thị xã. Đến 19 giờ ngày 6/1/1975, thị xã Phước Long được hoàn toàn giải phóng.
Ý nghĩa lịch sử quan trọng của Chiến thắng Phước LongChiến thắng Phước Long đã tạo nên địa bàn chiến lược thuận lợi cho chiến trường Nam Bộ, đẩy nhanh sự suy sụp của quân địch, uy hiếp trực tiếp phía Quốc lộ 13 và hệ thống phòng thủ của địch trên hướng Bắc Sài Gòn, góp phần nhanh chóng tạo thời cơ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Chiến thắng Phước Long là chiến thắng đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam Việt Nam mà nhân dân ta đã giành được quyền làm chủ trong phạm vi một tỉnh, tạo niềm tin cho quân và dân ta thúc đẩy mọi hoạt động trên chiến trường cũng như ở hậu phương khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng miền Nam.
Chiến thắng Phước Long là dẫn chứng cụ thể, sinh động nhất, chứng minh cho tương quan thế và lực giữa ta và địch trên chiến trường, có ý nghĩa là “trận trinh sát chiến lược” thăm dò khả năng quân đội Sài Gòn và sự can thiệp của Mỹ, làm sáng tỏ hơn những cơ sở để Bộ Chính trị có cơ sở để ra quyết định cuối cùng, với quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam. Quyết tâm đó của Bộ Chính trị đã trở thành hiện thực, ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng.