Tự hào chặng đường 90 năm Ngày truyền thống lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam (28/3/1935 - 28/3/2025)

Chủ nhật - 30/03/2025 09:37
Ngày 28/3/2025 sẽ đánh dấu cột mốc 90 năm ngày truyền thống lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam (28/3/1935 - 28/3/2025). Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang, tôn vinh những đóng góp to lớn của lực lượng này trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 28/3/1935, Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương ra “Nghị quyết về đội tự vệ” và ngày này hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Dân quân tự vệ. Đây là Nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức, chỉ đạo xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ; đồng thời, cũng là Nghị quyết khởi đầu của tư tưởng vũ trang toàn dân và tư tưởng chiến tranh nhân dân với phong trào toàn dân đánh giặc. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Dân quân tự vệ Việt Nam đã có những đóng góp xuất sắc, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

1. Lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam

Lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam ra đời trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ. Ngày 28/3/1935, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất ở Ma Cao, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua “Nghị quyết về đội tự vệ.” Đây là lần đầu tiên các nguyên tắc xây dựng về chính trị và quân sự của lực lượng nửa vũ trang cách mạng được đề cập một cách cơ bản. Nghị quyết khẳng định rằng “Tự vệ đội càng mạnh thì tức là có điều kiện thuận lợi để sau này tổ chức du kích chiến tranh và vũ trang bạo động.”

Sau nghị quyết này, các Đội tự vệ công nông được thành lập, trở thành tiền thân của các Đội Cứu quốc quân và Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng Dân quân tự vệ đã tham gia tích cực vào nhiều trận đánh, bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương và góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc.” Điều này khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng Dân quân tự vệ trong mọi hoàn cảnh.

2. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ

Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 05/10/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng Dân quân tự vệ và lực lượng Dự bị động viên trong hình mới (Chỉ thị số 16-CT/TW) đã chỉ rõ “lực lượng Dân quân tự vệ và lực lượng Dự bị động viên là bộ phận trong lực lượng vũ trang của Đảng. Xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ và lực lượng Dự bị động viên là nội dung quan trọng trong đường lối quân sự của Đảng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị”. Theo đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp của Dân quân tự vệ và quân nhân dự bị đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX), Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành thực hiện tốt một số nội dung chính như: tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy đảng địa phương, cơ quan, đơn vị đối với lực lượng Dân quân tự vệ và lực lượng Dự bị động viên; xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh trước hết về chính trị, được tổ chức chặt chẽkiện toàn Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, cơ sở tự vệ đủ về số lượng, cán bộ có phẩm chất đạo đức và chuyên môn giỏi

Chủ tịch nước Lương Cường trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam. Ảnh TTXVN

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 16-CT/TW, tại Kết luận số 41-KL/TW ngày 31/3/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau: tăng cường tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của lực lượng Dân quân tự vệ, lực lượng Dự bị động viên trong tình hình mới; nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng Dân tự vệ và lực lượng Dự bị động viên; làm tốt công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong lực lượng Dân quân tự vệ; Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh đề án và tổ chức xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ theo hướng tổ chức lực lượng hợp lý, chất lượng tốt, lấy xây dựng về chất lượng chính trị là chính, tổ chức biên chế tinh gọn, chặt chẽ…

Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ, được quy định từ Pháp lệnh về Dân quân tự vệ năm 1996, Pháp lệnh về Dân quân tự vệ năm 2004, Luật Dân quân tự vệ năm 2009 và đến nay là Luật Dân quân tự vệ năm 2019. Cụ thể, theo Luật Dân quân tự vệ năm 2019, Dân quân tự vệ có vị trí, chức năng là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. Nhiệm vụ của Dân quân tự vệ gồm: (i) sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, cơ sở, cơ quan, tổ chức; (ii) phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật; (iii) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập; (iv) tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền; (v) phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật; (vi) tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện chính sách xã hội; (vii) thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Thành tích xuất sắc của Dân quân tự vệ trong kháng chiến và trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước

Từ khi ra đời, lực lượng Dân quân tự vệ đã gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 1935 đến năm 1945, các đội tự vệ ở cả nông thôn và thành thị ra đời, làm nòng cốt cho quần chúng thực hiện khởi nghĩa vũ trang, tiến hành chiến tranh du kích, xây dựng và mở rộng các căn cứ địa cách mạng. Tháng 8/1945, Dân quân tự vệ đã cùng toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau ngày 02/9/1945, Dân quân tự vệ - một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân - được tổ chức rộng khắp trên cả nước, thực sự là công cụ bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, bảo vệ thành quả cách mạng.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng chúc mừng Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - đơn vị bắn rơi máy bay F-111 của Mỹ đêm 22/12/1972 (ảnh tư liệu)

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Dân quân tự vệ đã từng bước được thống nhất về tổ chức, do các xã đội, huyện đội, tỉnh đội chỉ đạo, chỉ huy và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng các cấp. Mặc dù chỉ được trang bị các loại vũ khí thô sơ, tự tạo, phải đương đầu với quân đội viễn chinh được trang bị hiện đại, nhưng lực lượng Dân quân tự vệ đã cùng Nhân dân xây dựng làng xã chiến đấu, kiên cường bám đất, bám dân, tiêu hao quân địch, phá tề, trừ gian; tích cực phối hợp với bộ đội chống địch càn quét, bao vây. Bằng nhiều cách đánh mưu trí, linh hoạt và sáng tạo, Dân quân tự vệ đã bức hàng, bức rút nhiều đồn bốt địch, mở rộng các khu căn cứ du kích; thực hiện kiềm chế, căng kéo lực lượng, buộc địch phải phân tán đối phó, tạo điều kiện và góp phần cùng bộ đội chủ lực tiến hành nhiều chiến dịch lớn, giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Dân quân tự vệ miền Bắc đã phát triển rộng khắp đến từng thôn, xã, công, nông trường, nhà máy, xí nghiệp; được trang bị nhiều loại vũ khí tương đối hiện đại, hình thành mạng lưới bắn máy bay tầm thấp của địch, bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống nhiều phi công Mỹ, tiêu diệt hàng chục toán biệt kích, bắn chìm và bắn cháy nhiều tàu chiến địch. Lực lượng Dân quân tự vệ đã làm tốt công tác phòng không nhân dân ở cơ sở, xây dựng nhiều công trình phòng tránh, khắc phục hậu quả đánh phá của địch, tiến hành rà phá bom mìn, thủy lôi, chống phong tỏa bằng đường biển,... Đã có hàng chục triệu lượt người được huy động tham gia bảo đảm giao thông, phục vụ chiến đấu, phòng tránh sơ tán, khắc phục hậu quả chiến tranh, chi viện sức người, sức của có hiệu quả cho chiến trường miền Nam.

Dân quân, du kích ở miền Nam đã anh dũng đánh địch bằng mọi thứ vũ khí, vận dụng nhiều hình thức tác chiến phong phú, sáng tạo trên khắp ba vùng chiến lược; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, thực hiện bám trụ kiên cường, tạo thế xen kẽ, cài răng lược với địch, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó. Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, dân quân, du kích cùng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và toàn dân miền Nam tiến công và nổi dậy đồng loạt, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, lực lượng Dân quân tự vệ đã được huy động tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới; trực tiếp chiến đấu, phối hợp và phục vụ bộ đội chiến đấu trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Nhiều đơn vị Dân quân tự vệ đã đạt được thành tích xuất sắc, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ Nhân dân tại các làng xã, công, nông trường, xí nghiệp; phối hợp với Quân đội nhân dân kiên cường chiến đấu, đánh bại cuộc tiến công của địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện chủ trương, đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quốc phòng, quân sự nói chung, công tác Dân quân tự vệ nói riêng ngày càng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với sự biến đổi, phát triển của thực tiễn. Lực lượng Dân quân tự vệ được chăm lo xây dựng ngày càng “vững mạnh, rộng khắp” với cơ cấu thành phần hợp lý; tổ chức biên chế chặt chẽ, chất lượng chính trị cao, sẵn sàng chiến đấu tốt, hoạt động có hiệu quả.

Lực lượng Dân quân tự vệ tham gia hoạt động phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Công an và các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh, biên giới quốc gia; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam. Cùng Bộ đội Biên phòng, Hải quân xua đuổi các tàu, thuyền nước ngoài xâm nhập chủ quyền và quyền chủ quyền vùng biển Việt Nam; tuần tra canh gác bảo vệ an toàn các mục tiêu, bảo đảm an ninh, trật tự các ngày lễ tết và các ngày diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và địa phương. Đồng thời, Dân quân tự vệ là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng. Đặc biệt, trong phòng, chống dịch Covid-19, Dân quân tự vệ đã tham gia phối hợp hoạt động với các lực lượng trong tuần tra đường mòn, lối mở ngăn chặn người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, trực tại nhiều chốt kiểm dịch.

Trải qua 90 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ luôn đoàn kết thống nhất, trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm; lao động, học tập, công tác hiệu quả, sáng tạo, lập nhiều chiến công to lớn. Lực lượng Dân quân tự vệ đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng năm 2015, nhiều tổ chức, cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và những phần thưởng cao quý khác.

Ghi nhận những cống hiến đặc biệt xuất sắc, nhân dịp Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ (DQTV) Việt Nam (28/3/1935 - 28/3/2025), Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho DQTV Việt Nam. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh yêu cầu xây dựng DQTV vững mạnh, nâng cao chất lượng, khả năng sẵn sàng chiến đấu; chú trọng huấn luyện, tổ chức biên chế và chăm lo đời sống cho lực lượng này, đặc biệt tại các khu vực biên giới. Đồng chí kêu gọi DQTV tiếp tục phát huy vai trò xung kích, vượt mọi thách thức để bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

4. Lực lượng Dân quân tự vệ tỉnh Đắk Lắk: hình thành và phát triển

Tại tỉnh Bình Phước, truyền thống dân quân tự vệ đã sớm được hình thành từ những phong trào đấu tranh của công nhân cao su tại các đồn điền Phú Riềng, Lộc Ninh, Xa Cam... Từ những tổ “công nhân nòng cốt”, lực lượng tự vệ địa phương đã trưởng thành nhanh chóng, đóng vai trò xung kích trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, tham gia chống càn, bảo vệ căn cứ, giữ vững phong trào cách mạng trong kháng chiến chống Pháp.

 Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền tặng hoa chúc mừng Ngày truyền thống dân quân tự vệ 

 
Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dân quân tự vệ tỉnh đã ghi dấu ấn đậm nét trong các chiến dịch lớn như Phước Long - Đồng Xoài, chiến dịch Nguyễn Huệ và đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Phước Long ngày 06/01/1975. Đây là chiến thắng đầu tiên giải phóng hoàn toàn một tỉnh miền Nam, tạo tiền đề cho Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
 
Trải qua mỗi giai đoạn lịch sử, lực lượng dân quân tự vệ luôn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dũng cảm vượt mọi gian khó, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Không chỉ là lực lượng nòng cốt trong quốc phòng toàn dân, dân quân tự vệ còn là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn và xây dựng nông thôn mới. Với truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn, lực lượng dân quân tự vệ đã và đang khẳng định vị thế quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./. 

Tác giả: Minh Anh

  Ý kiến bạn đọc

Dang cs
quoc hoi
chinh phu
bp
hndn
cb
TUYEN GIAO
BAO BP

35

Chào giá dịch vụ thuê kiểm toán

Thời gian đăng: 02/03/2025

lượt xem: 176 | lượt tải:36

19/2023/LT

Lịch VPTU tuần thứ 19/2023

Thời gian đăng: 07/05/2023

lượt xem: 2276 | lượt tải:26

01/DSMT

Danh sách miễn thi ngoại ngữ, tin học CVC 2021

Thời gian đăng: 07/11/2021

lượt xem: 2726 | lượt tải:684

VB1111

Công văn V/v điều chỉnh, bổ sung lịch làm việc tuần 44

Thời gian đăng: 31/10/2021

lượt xem: 20853 | lượt tải:4523

8-HĐTNN

Số 08-HĐTNN

Thời gian đăng: 26/10/2021

lượt xem: 21459 | lượt tải:99146

35

Chào giá dịch vụ thuê kiểm toán

Thời gian đăng: 02/03/2025

lượt xem: 176 | lượt tải:36

19/2023/LT

Lịch VPTU tuần thứ 19/2023

Thời gian đăng: 07/05/2023

lượt xem: 2276 | lượt tải:26

01/DSMT

Danh sách miễn thi ngoại ngữ, tin học CVC 2021

Thời gian đăng: 07/11/2021

lượt xem: 2726 | lượt tải:684

VB1111

Công văn V/v điều chỉnh, bổ sung lịch làm việc tuần 44

Thời gian đăng: 31/10/2021

lượt xem: 20853 | lượt tải:4523

8-HĐTNN

Số 08-HĐTNN

Thời gian đăng: 26/10/2021

lượt xem: 21459 | lượt tải:99146
Thống kê
  • Đang truy cập75
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay26,754
  • Tháng hiện tại262,178
  • Tổng lượt truy cập30,673,311
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây