Có một con đường ra đời đúng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1959), đó chính là đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, tuyến chi viện chiến lược cho miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Trên tuyến đường huyền thoại ấy, hàng vạn người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Để đáp ứng yêu cầu chi viện cho cách mạng miền Nam nói riêng và cách mạng 3 nước Đông Dương nói chung trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện chủ trương hết sức sáng tạo của Đảng, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh ra đời đúng vào ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1959. Tổng Quân ủy Trung ương – sau này là Quân ủy Trung ương, giao cho Đoàn 559 thực hiện nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng chiến lược quân sự cho miền Nam; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc.
Bộ đội Trường Sơn vận chuyển bộ đội, vũ khí lương thực, thực phẩm từ miền Bắc tiến về Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu BTC/TTXVN phát
Vượt lên tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Đoàn 559 vừa thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược, vừa xây dựng và phát triển nhanh chóng. Ngày đầu thành lập chỉ có gần 500 cán bộ, chiến sĩ, đến 23/10/1961, Đoàn 559 đã trở thành đơn vị tương đương cấp sư đoàn.
Ngày 16/4/1961, được sự đồng ý của hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam, Lào, Đoàn 559 đã chính thức lật cánh sang tây Trường Sơn, mở ra thời cơ, điều kiện mới để xây dựng và phát triển tuyến chi viện ngày một quy mô lớn và hiệu quả hơn. Sau chưa đầy 5 năm thành lập, ngày 3/4/1965, Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt đã trở thành Bộ Tư lệnh 559 - đơn vị tương đương cấp quân khu; Bộ Tư lệnh 559 từ vận chuyển chi viện chiến trường bằng gùi, thồ, kết hợp xe cơ giới đã chuyển sang vận chuyển chủ yếu bằng cơ giới.
Đoàn xe vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.(Ảnh tư liệu)
Ngày 29/7/1970, theo quyết định của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh 559 được đổi tên và phát triển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn - đơn vị cấp quân khu. Cũng từ thời điểm này, Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường quan trọng và rộng lớn, trải rộng trên địa bàn của 11 tỉnh Việt Nam, bảy tỉnh Nam Lào và bốn tỉnh đông bắc Campuchia; đồng thời, Bộ Tư lệnh Trường Sơn được Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ thống nhất chỉ huy các lực lượng của Việt Nam hoạt động ở Trung và Hạ Lào. Tính đến giai đoạn các năm 1973-1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu, với chín sư đoàn binh chủng, cùng 21 trung đoàn binh chủng trực thuộc; quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và hơn 1 vạn thanh niên xung phong.
Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, 16 năm chiến đấu anh dũng, Bộ đội Trường Sơn đã trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ hiệu quả các chiến dịch: Giải phóng Khe Sanh; tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968; trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đảm nhận xuất sắc hướng tây trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, tháng 1/1971; tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Giải phóng Quảng Trị và bảo vệ Thành Cổ mùa hè năm 1972; tham gia Chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên tháng 3/1975; tham gia Chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền trung; tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, thống nhất Tổ quốc mùa xuân 1975.
Xe chở vũ khí, đạn dược, hàng hóa đi trên cầu treo được dựng dọc đường Trường Sơn hướng vào Nam - Ảnh: chụp lại từ Bảo tàng Quảng Nam
Từ đầu năm 1967, khi Trung ương phân công Đại tá Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 thì tác chiến hợp đồng binh chủng của tuyến chi viện chiến lược trở thành nghệ thuật quân sự, có bước nhảy vọt, thông minh và hiệu quả; đối phó thành công trước mọi thủ đoạn chiến tranh tàn độc và vũ khí, bom đạn tối tân, hiện đại nhất thời đại của đế quốc Mỹ. Hội thảo khoa học “Vai trò của Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ 1971 đến 1975” ngày 17/5/2024 vừa qua, do Viện Lịch sử Quân sự phối hợp Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và Binh đoàn 12 tổ chức càng khẳng định vị trí, chiến công và tầm vóc vĩ đại của Bộ đội Trường Sơn.
Trong 16 năm (1959-1975) chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Trường Sơn, đế quốc Mỹ đã thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay (trong đó có 26.500 lần sử dụng B-52), trút xuống Trường Sơn 7,7 triệu quả bom, trọng lượng bốn triệu tấn bom đạn các loại (chiếm 50% tổng số bom đạn Mỹ dội xuống toàn Việt Nam). Vượt lên mưa bom, bão đạn, Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng nên một hệ thống giao thông vĩ đại, gồm năm trục dọc, 21 trục ngang, với gần 20.000 km đường xe cơ giới; vận chuyển hơn 1,5 triệu tấn vũ khí, đạn dược... chi viện cho các chiến trường.
Các chiến sĩ của trung đoàn 70 - đơn vị đầu tiên của bộ đội Trường Sơn - đang thồ hàng trên tuyến Tây Trường Sơn tháng 9/1961. Ảnh tư liệu
Lực lượng bộ binh Trường Sơn đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở Nam Lào, bảo vệ vững chắc hành lang tuyến chi viện; lực lượng phòng không Trường Sơn đã bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại, bảo vệ thắng lợi lực lượng vận tải làm nhiệm vụ chi viện; lực lượng giao liên Trường Sơn mở 3.000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn hai triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn; lực lượng thông tin Trường Sơn đã xây dựng 1.350 km đường thông tin tải ba và hàng vạn km dây thông tin các loại, bảo đảm sự chỉ huy thông suốt toàn chiến trường Trường Sơn và từ Tổng hành dinh Hà Nội qua Trường Sơn tới thẳng các hướng chiến trường; bộ đội xăng dầu Trường Sơn đã mở gần 1.900 km đường ống xăng dầu ở cả đông và tây Trường Sơn. Đường ống xăng dầu Trường Sơn là một kỳ tích vĩ đại về trí sáng tạo và sức mạnh của con người; góp phần tạo nên sức mạnh và hiệu quả của công tác chi viện chiến lược cho cách mạng của ba nước Đông Dương...
Đáng chú ý, trong cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược: Vừa vận chuyển chi viện một khối lượng hàng hóa, vũ khí, trang bị quân sự khổng lồ, vừa trực tiếp chiến đấu và phục vụ các chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên, giải phóng Huế-Đà Nẵng, giải phóng các tỉnh ven biển miền trung.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Trường Sơn đã huy động sáu sư đoàn trực tiếp tham gia chiến dịch (hai Sư đoàn ô-tô 471 và 571, ba Sư đoàn công binh 470, 472 và 473; Sư đoàn phòng không 377). Việc cơ động ba quân đoàn chủ lực, với hàng chục vạn quân cùng vũ khí và trang thiết bị quân sự trên quãng đường dài hàng nghìn ki-lô-mét, với tốc độ thần tốc và an toàn tuyệt đối, về đích vượt thời gian quy định đã khẳng định kinh nghiệm và trình độ tổ chức tác chiến, công tác bảo đảm kỹ thuật của bộ đội vận tải Trường Sơn là vô cùng hiệu quả, với trình độ cao.
Tặng Kỷ niệm chương cho các cựu thanh niên xung phong tỉnh Quảng Bình nhân kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn huyền thoại (19/5/1959-19/5/2024)
Gần 7.000 xe ô-tô của hai Sư đoàn 471 và 571 đã cơ động ba quân đoàn chủ lực của ta thần tốc, ào ạt tấn công từ nhiều hướng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bộ đội Trường Sơn đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975 lịch sử.
16 năm chiến đấu anh dũng, gần 20.000 người con ưu tú của Bộ đội Trường Sơn đã mãi mãi nằm lại trên đại ngàn Trường Sơn; hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong bị thương; hơn 40.000 người bị nhiễm chất độc hóa học. Bộ đội Trường Sơn vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng cao quý; 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”...
“Con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người, sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn, là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Vị trí và tầm vóc của Bộ đội Trường Sơn trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước đã được khẳng định. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đánh giá: Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo lịch sử vĩ đại của Đảng và Quân đội ta. Không có tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh thì không thể có thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: Tầm vóc to lớn và những bài học quý báu của đường Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây mà còn có giá trị thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, tất cả sự hy sinh, nỗ lực của các lực lượng trên tuyến đường Trường Sơn đã làm nên con đường huyền thoại với những chiến công hiển hách được ghi vào lịch sử như một kỳ tích, khẳng định sức mạnh, ý chí, quyết tâm và khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.