Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ cơ sở được xây dựng, hoàn thiện; chất lượng và hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao, đã có tác động tích cực tạo đồng thuận và phát huy được trí tuệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, sau khi Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 (Luật số 10/2022/QH15), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Cụ thể, Tỉnh ủy ban hành Công văn số 1313-CV/TU ngày 25/5/2023 về việc triển khai thi hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Kế hoạch số 197-KH/TU ngày 09/10/2023 về việc thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 09/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngặn chặn, đẩy lùi sự suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 191-KH/UBND ngày 12/6/2023 về triển khai thi hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Kế hoạch 253/UBND-NC ngày 03/8/2023 về tổ chức hội nghị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tập huấn chuyên sâu Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Công văn số 3689/UBND-NC ngày 18/10/2023 về việc triển khai Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đ/c Lê Thị Xuân Trang- UBBTVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy- Phó Ban Thường trực BCĐ QCDC tỉnh triển khai, phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Ảnh: Báo Bình Phước online)
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh, thời gian qua các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã chú trọng gắn thực hiện QCDC với nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; hoạt động của MTTQ và các đoàn thể tiếp tục được đổi mới theo hướng sát cơ sở; phát huy vai trò nòng cốt trong phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện các phong trào ở cơ sở; phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được triển khai chặt chẽ, hiệu quả; vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể nhân dân được phát huy, làm cho các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng đi vào cuộc sống. Các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thể chế hóa và công khai minh bạch; dân chủ trong Đảng, chính quyền, trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong xã hội ngày càng được mở rộng và phát huy; kỷ cương, kỷ luật được tăng cường, quyền lợi của nhân dân được chăm lo và đảm bảo tốt hơn; công tác giải quyết những kiến nghị, phản ánh, đơn thư, khiếu nại của công dân được quan tâm giải quyết kịp thời.
Toàn cảnh Hội nghị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật thực hiện dân chủ cơ sở do UBND tỉnh tổ chức (Ảnh Báo Bình Phước online)
Ban chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở các cấp trên địa bàn tỉnh đã không ngừng được kiện toàn, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các văn bản về thực hiện QCDC ở cơ sở. Nhìn chung, các nội dung công khai để nhân dân biết, bàn, tham gia ý kiến đã được chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là việc niêm yết công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất, phương án điều chỉnh quy hoạch, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến các dự án, công trình; xây dựng cơ sở hạ tầng; công khai tài chính về thu, chi ngân sách; chương trình xây dựng nông thôn mới; các chính sách về an sinh xã hội, các đợt vận động quyên góp của nhân dân, quy định về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân, các chương trình phát triển kinh tế- xã hội đều đã được công khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, linh hoạt, phù hợp. Dân chủ ở cơ sở được mở rộng, giúp nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích trong cuộc sống.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong việc thực hiện QCDC và Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ban chỉ đạo quy chế dân chủ tỉnh đã đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Trọng tâm là Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp; Kết luận số 54-KL/TW, ngày 09/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Hai là, đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ cơ sở; Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh tỉnh và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 16/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Ba là, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, hết hiệu lực thi hành hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật. Tiếp tục tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật thực hiện dân chủ cơ sở và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật cho cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở.
Bốn là, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về “quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội” và “quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Đẩy mạnh các hoạt động tập hợp quần chúng, phát triển và quản lý đoàn viên, hội viên; rà soát, nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên của các đoàn thể. Trên cơ sở triển khai thực hiện Luật thực hiện dân chủ cơ sở và nghị định hướng dẫn thi hành, MTTQ các cấp đẩy mạnh hướng dẫn củng cố, kiện toàn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở địa phương.
Năm là, các sở, ban, ngành tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến; duy trì cơ chế tiếp xúc, đối thoại giữa người đúng đầu cơ quan, đơn vị với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; xây dựng và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo cải cách hành chính nhà nước của Trung ương và địa phương; thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Sáu là, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bí thư cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo định kỳ và đột xuất khi có những vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài... Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các hội quần chúng, các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở; thực hiện tốt hoạt động giám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề cử tri quan tâm. Nâng lên hiệu lực, hiệu quả điều hành của ủy ban nhân dân các cấp, đề cao ý thức trách nhiệm và tính chủ động trong công tác nắm và dự báo tình hình, thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác phối hợp trong việc giải quyết công việc và giải quyết những kiến nghị chính đáng, hợp pháp của cử tri.
Bảy là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra, thanh tra các cấp theo kế hoạch. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thông tin truyền thông, chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và các vấn đề dư luận quan tâm, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh.
Tám là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện Luật thực hiện dân chủ cơ sở. Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện, kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh có giải pháp phù hợp, đồng bộ và toàn diện hơn để thực hiện Luật dân chủ cơ sở đi vào cuộc sống, đáp ứng niềm tin của nhân dân.