Những bước tạo đà đúng hướngThực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1003/QĐ-UBND để triển khai thực hiện nghị quyết. Qua quá trình triển khai thực hiện đã làm thay đổi cả về chất và lượng của ngành nông nghiệp Bình Phước, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Nếu như năm 1997, diện tích gieo trồng mới chỉ đạt gần 214 nghìn ha thì đến năm 2005 đã tăng lên gần 309 nghìn ha. Nguyên nhân diện tích gieo trồng tăng một phần là nhờ công tác thủy lợi được quan tâm đầu tư và kết quả bước đầu phát triển vùng nguyên liệu ổn định của các nhà máy chế biến điều, tinh bột mì trên địa bàn. Các vùng chuyên canh trồng trọt từng bước được cơ giới hóa, tăng cường chuyển giao kỹ thuật mới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ nông thôn. Các chính sách khuyến nông được đẩy mạnh như hỗ trợ vốn, vận chuyển, cung cấp vật tư, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đã đưa ra một số chính sách, giải pháp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp: Rà soát lại quỹ đất quy hoạch và có biện pháp sử dụng đất hiệu quả; đầu tư giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh với thị trường (trước hết là cây cao su, điều…), góp phần nâng cao diện tích gieo trồng giai đoạn này lên gần 95 nghìn ha. Bên cạnh đó, công tác thủy lợi có bước phát triển mạnh, đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống các công trình: Hưng Phú, Đắk Liên, trạm bơm Đăng Hà - huyện Bù Đăng; thủy lợi Ba Veng, huyện Hớn Quản; hệ thống kênh Cần Đơn, huyện Bù Đốp; hệ thống thủy lợi Đồng Xoài, huyện Đồng Phú và thị xã Đồng Xoài…Ngoài ra, còn đầu tư nâng cấp cho 11 hồ chứa trên địa bàn tỉnh. Các công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước cho sinh hoạt, hạn chế lũ, lụt, phòng chống thiên tai… 20 năm qua, Bình Phước đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để thực hiện nhiều dự án trọng điểm về nông nghiệp.
Nhờ chính sách đầu tư đúng hướng đã tạo đà cho nông nghiệp Bình Phước có bước đột phá trong giai đoạn 2011 - 2016. Giá trị sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, với tốc độ tăng bình quân 6,63% (Nghị quyết tăng 5 - 6%). Cơ cấu trong nội bộ ngành chuyển dịch theo đúng hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và chăn nuôi.
Trong lĩnh vực trồng trọt đã hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng chủ lực như: Cao su, điều, hồ tiêu, cà phê và các loại cây ăn trái. Trong lĩnh vực chăn nuôi đã có bước đột phá về chăn nuôi tập trung, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán đối với đại gia súc, gia cầm. Đàn gia súc, gia cầm trong nhân dân phát triển nhanh và vượt mục tiêu đề ra. Toàn tỉnh hiện có 234 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Các trang trại chăn nuôi phát triển sản xuất theo hướng tập trung, bền vững, ứng dụng các tiến bộ khoa kỹ thuật, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, tăng giá trị gia tăng. Theo số liệu thống kê năm 2015, tổng đàn heo đạt gần 315 nghìn con, gia cầm hơn 5 triệu con. Hiện ở Bình Phước có 40 loại ngành nghề trong nông nghiệp, thu hút và giải quyết hơn 32 nghìn lao động hàng năm.
Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
Những năm gần đây, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao ở Bình Phước đã có bước phát triển quan trọng. Tỉnh đã thành lập Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao được nâng cấp chuyển đổi từ Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Bình Phước; đang triển khai thực hiện một số mô hình công nghệ cao như nhà lưới, nhà màng, sản xuất các loại rau an toàn, dưa lưới, cây ăn trái và các loại cây công nghiệp có giá trị cao. Nhiều hộ nông dân đã biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như canh tác trong nhà lưới, trồng rau thủy canh, sử dụng hệ thống chuồng lạnh trong chăn nuôi,… góp phần giảm chi phí công lao động, đáp ứng nhu cầu nước và dinh dưỡng của cây trồng cho từng giai đoạn sinh trưởng.
Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã chọn được 5 giống điều đầu dòng từ 70 cây điều đã theo dõi, gồm: Cây điều đầu dòng số BP18 tại Thuận Lợi, Đồng Phú; Cây điều đầu dòng số BP 27 tại Thuận Phú, Đồng Phú; Cây điều đầu dòng số BP 43 tại Đức Liễu, Bù Đăng; Cây điều đầu dòng số BP 68 tại Đăk Ơ - Bù Gia Mập; Cây điều đầu dòng số BP 89 tại Minh Lập, Chơn Thành. Đối với cây cao su, ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với Viện nghiên cứu cao su Việt Nam để cung cấp các loại giống tốt cho nông dân. Đồng thời, tỉnh cũng đã tiến hành xây dựng 2 mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản; xây dựng cánh đồng lớn (Mô hình chăn nuôi heo tại xã Phú Nghĩa; xã Long Giang và mô hình hợp tác, liên kết sản xuất điều theo tiêu chuẩn Ogranic và tiêu chuẩn FLO cho Hợp tác xã Phước Hưng). Ngành nông nghiệp cũng đã triển khai thực hiện thành công việc ghép cải tạo vườn điều già cỗi và đang nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện nay, nông nghiệp Bình Phước phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại và cơ cấu tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao, từng bước giảm dần tỷ trọng trồng trọt và tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Cây lâu năm và chăn nuôi tập trung tiếp tục là thế mạnh của ngành nông nghiệp, đến cuối năm 2015, tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm đạt 54.498ha; cây hàng năm đạt 706 ha, sản lượng đạt 10.402 tấn. Cơ cấu giống cây trồng và trình độ sản xuất của nông dân được nâng lên rõ rệt, nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Đến nay, các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao đã được áp dụng hầu hết trên các loại cây trồng chính của tỉnh như cây cao su, hồ tiêu và điều.
Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới Hiện Bình Phước đã hoàn thành phê duyệt lập quy hoạch đề án xây dựng nông thôn mới. Riêng về công tác chỉ đạo điểm giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 21 xã. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11/92 xã đạt từ 15-18 tiêu chí. Đặc biệt, đối với 21 xã chỉ đạo điểm về nông thôn mới, bình quân các xã này đạt hơn 15 tiêu chí/xã. Hiện tỉnh đang tập trung đầu tư cho 45/92 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí. Các công trình thủy lợi được đầu tư theo quy hoạch góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng, cấp thoát nước cho các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn nông thôn. Tiêu chí về kết cấu hạ tầng, nhất là về các công trình thủy lợi là một trong những tiêu chí khó thực hiện ở Bình Phước, vì đòi hỏi nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành 59 hồ chứa và một số công trình thoát nước, cấp nước cho nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 66 công trình thủy lợi bảo đảm cung cấp nước tưới cho diện tích 54.200ha. Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn được thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%.
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh, các dự án về đường giao thông nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vệ sinh an toàn thực phẩm, đào tạo nghề... đã làm thay đổi diện mạo nông thôn Bình Phước. Đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân nông thôn ngày một nâng cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư, cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn tăng lên.
Qua 20 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh Bình Phước đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.