Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức được 636 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất rau sạch, kỹ thuật trồng và khai thác cao su, kỹ thuật trồng đu đủ, trồng ca cao... kỹ thuật chăn nuôi heo và phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, kỹ thuật nuôi gà thịt bán chăn thả, nuôi gà Đông Tảo, nuôi chồn hương… cho 41.750 lượt hội viên nông dân tham dự. Sở phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức 431 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 21.420 lượt người tham dự; thực hiện 131 buổi hội thảo chuyên đề về trồng trọt, chăn nuôi cho 3.472 lượt người tham gia; 172 hội thảo đầu bờ để chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp cho hơn 13.820 nông dân tham dự. Đồng thời tổ chức 3 hội nghị chuyên đề, 8 buổi tư vấn về phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi thu hút 350 người tham dự; tổ chức 20 lớp đào tạo tin học cho 400 hội viên nông dân trên địa bàn toàn tỉnh, giúp nông dân tiếp cận và khai thác thông tin trên internet phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Đã có 83 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cơ sở được triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh Bình Phước, trong đó có 44 nhiệm vụ do Sở Khoa học Công nghệ triển khai (gồm 6 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở và 38 dự án với khoảng trên 200 mô hình trình diễn được thực hiện) và 39 nhiệm vụ do các huyện, thị xã thực hiện. Qua đó đã chuyển giao, hỗ trợ các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên đệm lót sinh học; sử dụng khí biogas chạy máy phát điện; chuyển giao nước uống tinh khiết cho các trường học; đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy... Đồng thời xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để cải thiện năng suất, chất lượng; phòng chống sâu bệnh hại trên các đối tượng cây trồng chủ lực của tỉnh như điều, tiêu, cà phê, hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời, cơ giới hóa trong xịt thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật, trình diễn mô hình trang trại, gia trại kiểu mẫu...
Những kết quả đạt được về chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ đã tạo nên nhiều sản phẩm, mặt hàng có chất lượng, có thương hiệu, được người tiêu dùng biết đến. Hiện một số mặt hàng chủ lực của tỉnh đã xây dựng được thương hiệu như: Hồ tiêu Lộc Ninh, Cao su Bình Phước, chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” cho sản phẩm hạt điều. Nhiều sản phẩm đoạt giải trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng và Hội thi Sáng tạo kỹ thuật được giới thiệu ứng dụng trong lao động, sản xuất đã góp phần tiết kiệm được thời gian, sức lao động và tiền bạc. Đặc biệt từ việc ứng dụng đã đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế như: Máy phun thuốc cao su, máy thổi (quét) lá cao su, máy cắt củ mì, máy thái rau cho cá... Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ còn chú trọng phối hợp thực hiện quảng bá sản phẩm, giải pháp hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật như: Hỗ trợ đăng ký độc quyền sở hữu trí tuệ giải pháp hữu ích đối với sản phẩm “Máy phun thuốc cao su”; hỗ trợ đăng ký bản quyền phần mềm Kfmouse - Giải pháp công nghệ dành cho người khuyết tật...
Những kết quả trên đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của khoa học và công nghệ trong đời sống và phát triển kinh tế - xã hội.