Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Diên Hồng, đại biểu Phan Viết Lượng - đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước khẳng định, cải cách bộ máy hành chính nhà nước là chủ trương có ý nghĩa quan trọng nhằm làm cho bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước. Chủ trương này được xã hội đồng thuận cao, kỳ vọng lớn và được Chính phủ các bộ, ngành Trung ương, địa phương thực hiện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo đại biểu Phan Viết Lượng thì kết quả đạt được chưa tương xứng, còn nhiều tồn tại, hạn chế. Thực tế cho thấy một số chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước như quy định về một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính; Quy định về tổ chức cấp phòng trong các đơn vị tham mưu thuộc cơ quan trung ương. Quy định về quy hoạch mạng lưới đơn vị, sự nghiệp về số lượng đơn vị cấp phó về tinh giảm biên chế... chưa được chấp hành nghiêm, thậm chí có biểu hiện cố ý làm trái.
Cũng theo đại biểu Phan Viết Lượng sau nhiều năm thực hiện tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian. Mặc dù qua nhiều lần tiến hành sắp xếp, sáp nhập, chia tách nhưng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ còn chồng chéo đan xen, dẫn đến sự phân tán trong chỉ đạo điều hành, phân tán trong bố trí sử dụng nguồn lực và dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm đối với việc khó, với các sai phạm. Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tăng nhiều đầu mối; tổ chức các vụ, cục của các đơn vị trung ương và các tổ chức phòng chuyên môn của chính quyền địa phương phình ra, rất khó kiểm soát.
Đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng, tinh giản biên chế là yêu cầu khách quan và cần thiết, được các bộ, ngành trung ương cam kết thực hiện nhưng khó đạt kết quả như mong muốn. Số biên chế công chức, viên chức sự nghiệp từ trung ương đến địa phương vẫn tăng cao; số tinh giản biên chế hành chính vấn rất thấp, trong đó phần lớn là người về hưu. Nhiều cơ quan, tổ chức sử dụng vượt biên chế so với chỉ tiêu được cấp có thẩm quyền giao. Bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiều nơi chưa đúng quy định, đặc biệt là số lượng cấp phó trưởng phòng tăng rất cao ở cả trung ương và địa phương. Một số địa phương có tình trạng bổ nhiệm nhiều người nhà vào các chức danh lãnh đạo, gây bức xúc trong dư luận. Thực trạng trên dẫn đến hệ lụy rất đáng lo ngại về tính minh bạch, công khai trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, dẫn đến trách nhiệm công vụ không rõ ràng. Một số công chức lạm dụng quyền lực, thu vén của công làm của tư, hình thành những lợi ích nhóm, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Về nguyên nhân và tồn tại, hạn chế đại biểu Phan Viết Lượng chỉ ra rằng đó là nhiều cấp ủy đảng, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn buông lỏng lãnh đạo, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, tồn tại hạn chế ở cấp trung ương còn nhiều, khó nêu gương, tạo chuyển biến cho địa phương, cơ sở. Không ít cơ quan, đơn vị, người đứng đầu còn mang nặng tâm lý trông chờ sự bao cấp của nhà nước, e ngại thay đổi, không thích trao quyền và rất ngại phân cấp, còn cục bộ, chưa vì lợi ích chung mà bằng nhiều cách như chậm ban hành đề án, chậm hướng dẫn triểnkhai, làm tăng nhiệm vụ, quyền hạn, biên chế để mang lại lợi ích cho cơ quan, đơn vị, cá nhân mình. Kỷ luật công vụ chưa nghiêm, mà thể hiện rõ nhất là tình trạng chưa tuân thủ quy định của Đảng và nhà nước, để tình trạng tăng biên chế, tăng số lượng cấp phó, tỷ lệ lãnh đạo xảy ra nhiều nơi trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận nhưng chưa được xem xét, xử lý công khai, nghiêm túc, kịp thời.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị phải có quyết tâm chính trị cao, chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ nhưng phải ưu tiên các nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá gắn với lộ trình cụ thể. Trước mắt, theo đại biểu là cần khẩn trương rà soát, sửa đổi hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ ngành theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian; quy định cụ thể về tiêu chí thành lập, số lượng đầu mối, số biên chế, cấp phó của các vụ, cục, tổng cục, cơ quan chuyên môn để sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong, giảm đầu mối biên chế cán bộ lãnh đạo quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương. Kiên quyết sắp xếp lại, giải thể, hợp nhất các đơn vị hoạt động kém hiệu quả, có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, chuyển những nhiệm vụ mà cơ quan nhà nước không cần thiết phải thực hiện để giao cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Thực hiện quyết liệt tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chí yêu cầu đề ra. Đẩy mạnh cải cách hành chính ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế một cửa liên thông thuận lợi, giảm phiền hà, tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Đại biểu Phan Viết Lượng cũng đề nghị cần tổ chức kiểm điểm xử lý các sai phạm nghiêm túc, báo cáo kết quả với Quốc hội, Nhân dân trong thời gian tới./.