Đồng hành với báo chí cả nước, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã thực hiện tốt các chức năng thông tin, tư tưởng, quản lý, giám sát, định hướng dư luận xã hội, là môi trường nâng cao tri thức, văn hóa đại chúng, là kênh giải trí, góp phần quảng bá, phát triển văn hóa tỉnh Bình Phước. Với tư cách là một sản phẩm văn hóa, báo chí làm phong phú một cách thống nhất văn hóa trên con đường Bình Phước phát triển.
Thông qua báo chí, công chúng dù ở bất kỳ nơi đâu vẫn có thể nắm bắt được thông tin về mọi mặt trong đời sống, từ kinh tế, chính trị, văn hóa đến thể thao. Không chỉ cập nhật thông tin sự kiện, báo chí còn là nơi con người tích lũy được rất nhiều tri thức (cả tri thức sẵn có và tri thức mới) thông qua sự chia sẻ lẫn nhau.
Báo chí - cầu nối giữa các thế hệ về văn hóa
Một trong những chức năng quan trọng của báo chí là giúp công chúng nâng cao tri thức về mọi mặt trong đời sống xã hội, trong đó có tri thức về văn hóa, thông qua những thông tin mà báo chí chuyển tải. Đó cũng là mục đích của hoạt động báo chí. Tuy nhiên, trước hết, phải khẳng định báo chí không phải là phương tiện duy nhất mới có chức năng giúp cộng đồng nâng cao tri thức, mà báo chí thuận lợi hơn các loại hình khác bởi chính thế mạnh về ưu thế tác động của mình.
Dù là loại hình nào - phát thanh, truyền hình, báo in hay báo điện tử, dù ở không gian và thời gian nào thì với những ưu thế như tính chính thống, thông tin chính xác, trung thực, sự lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp, báo chí đã và đang trở thành phương tiện có thế mạnh đặc biệt trong việc cung cấp tri thức văn hóa cho con người, giúp báo chí trở thành trường học rộng lớn nhất, đại chúng nhất, khi ai cũng dễ dàng tiếp cận mọi lúc, mọi nơi với chi phí rẻ, thậm chí bằng 0.
Từ khi ra đời đến nay, dù xã hội có phát triển đến tầng nấc nào thì báo chí vẫn là kênh thông tin chính thống, giúp kết nối các tầng lớp xã hội với các sự kiện, văn hóa và tri thức mới được tin cậy bởi tính chính xác cao. Thông tin trên báo chí phục vụ đa dạng đối tượng công chúng. Các chuyên trang, chuyên mục, chương trình, các tin, bài, phóng sự đều ưu tiên cách viết đơn giản, dễ hiểu, phù hợp tâm lý tiếp nhận của từng đối tượng. Bất kỳ ai cũng lựa chọn được những chương trình dành cho riêng mình được thiết kế và bố trí linh hoạt.
Ngoài cách trình bày, chuyển tải truyền thống, với đa loại hình, đa nền tảng, báo chí hiện nay không chỉ cung cấp thông tin qua bài viết mà còn thông qua hình ảnh, video, infographics, podcast… Những hình thức này giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận thông tin về các sự kiện, văn hóa và tri thức một cách sinh động. Chưa kể, với sự phát triển mạnh mẽ của internet, công chúng báo chí cũng thuận lợi hơn khi tiếp cận các thông tin văn hóa từ hàng trăm trang báo miễn phí, hàng ngàn chương trình phát thanh, truyền hình trong cả nước qua điện thoại thông minh. Không chỉ tiếp nhận thụ động, công chúng hoàn toàn có thể tương tác, phản hồi thông tin, có ý kiến đóng góp phát triển sản phẩm văn hóa...
Báo chí đã và đang góp phần đưa văn hóa thẩm thấu vào đời sống. Trong ảnh: Đội cồng chiêng xã Bình Minh biểu diễn tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng
Khác với các hình thức tuyên truyền văn hóa, cổ động văn hóa trực quan qua pa-no, áp phích, triển lãm tranh ảnh… có tính thời điểm, một trong những thế mạnh nữa của báo chí chính là giữ vai trò cầu nối giữa các thế hệ, thông qua việc lưu giữ giá trị văn hóa. Báo chí có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ghi lại những sự kiện, những thay đổi xã hội, giúp các thế hệ sau hiểu và trân trọng giá trị văn hóa của thế hệ đi trước. Điều này không chỉ nâng cao tri thức mà còn làm phong phú thêm nhận thức của công chúng về những thay đổi trong xã hội.
BPTV góp phần lan tỏa văn hóa, con người Bình Phước
Đối với địa phương như Bình Phước, nơi có 41 dân tộc anh em cùng chung sống với sự đa dạng về văn hóa, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu và tôn vinh những nét đặc sắc của văn hóa địa phương, từ đó tạo nền tảng cho phát triển du lịch, kinh tế và xã hội.
Tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước, thời gian qua, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã ban hành các kế hoạch nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước tại Nghị quyết số 14-NQ/TU, tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, đột phá trong cách nghĩ, cách làm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nét đặc trưng tốt đẹp của văn hóa, con người Bình Phước, đáp ứng yêu cầu hội nhập và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, qua đó lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về vùng đất, con người, văn hóa Bình Phước; tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, đột phá trong cách nghĩ, cách làm của từng cơ quan, đơn vị; của mỗi đảng viên, cán bộ, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tính đến hết tháng 11/2024, BPTV đã thực hiện và phát sóng hơn 400 tin, phóng sự, chuyên mục, tọa đàm chuyên sâu về văn hóa. Thực hiện 350 bản tin tiếng Anh phát thanh và 350 bản tin tiếng Anh truyền hình, trong đó biên dịch khoảng gần 200 tin trong tỉnh liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Thực hiện hơn 650 tin, bài trên báo in, báo điện tử và hạ tầng số. Nếu xem mỗi sản phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa, thì số liệu thống kê này lớn hơn gấp trăm lần.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước; giới thiệu những giá trị đặc biệt, bản sắc văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh; những nét đẹp về tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, tương thân tương ái trong cuộc sống; điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo; sự sáng tạo, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật…
Không chỉ tuyên truyền các giá trị văn hóa dân tộc, BPTV còn là cầu nối giữa các nền văn hóa thông qua việc giới thiệu văn hóa thế giới, nét đẹp văn hóa các dân tộc trên cả nước. Cụ thể, việc duy trì chương trình khai thác, biên tập phát sóng từ các kênh truyền hình quốc tế phù hợp với tâm lý tiếp nhận của khán giả, như chương trình “Mỹ vị bốn phương”, “Nhịp đập cuộc sống”, “Du lịch vòng quanh thế giới”, các chương trình văn hóa, văn nghệ khác... Từ đó, để công chúng xây dựng ý thức tự tôn dân tộc, tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình nhưng cũng không phủ nhận những giá trị văn hóa của các quốc gia khác, các nền văn minh khác.
BPTV - nhiều mảng đề tài, hoạt động văn hóa phong phú
Như đã đề cập, báo chí là một yếu tố không thể thiếu trong việc nâng cao tri thức văn hóa của công chúng. Là cơ quan báo chí ở địa phương, thời gian qua, BPTV đã nỗ lực giữ vị trí là kênh thông tin tin cậy của khán thính giả, độc giả, trong và ngoài tỉnh, là địa chỉ phục vụ tra cứu thông tin nói chung và tìm hiểu về văn hóa nói riêng.
Với mảng đề tài về văn hóa, công chúng có thể tìm thấy trên báo in Bình Phước, báo Bình Phước điện tử, các chương trình phát thanh, truyền hình của BPTV với những bài viết, chương trình đa dạng, phong phú về nội dung và cả những bài viết đậm tính chuyên sâu, với nhiều mảng đề tài, hoạt động phong phú.
BPTV không chỉ phản ánh các sự kiện thời sự - chính trị nóng hổi mà còn chú trọng trong xây dựng các chương trình giới thiệu và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, từ lịch sử, nghệ thuật, đến phong tục, tập quán của các dân tộc.
BPTV giúp giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của từng vùng miền, của các nhóm dân tộc khác nhau trong cả nước đang định cư tại Bình Phước, như: Nghệ thuật đờn ca tài tử; đàn tính - hát then của người Tày, Nùng; nghệ thuật chế biến rượu cần, đan gùi, dệt thổ cẩm của người S’tiêng; văn hóa dệt thổ cẩm của người M’nông và các phong tục, tín ngưỡng của đồng bào DTTS… từ đó góp phần nâng cao sự hiểu biết và tôn trọng sự đa dạng văn hóa.
Thông qua các chuyên mục văn hóa, giáo dục, các chương trình đối thoại, tọa đàm, BPTV cung cấp các chuyên mục, bài viết chuyên sâu về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, khoa học xã hội... giúp khán, thính giả/người đọc nâng cao tri thức về các lĩnh vực này. Đặc biệt, các chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, nhà văn hóa… với những phân tích chuyên sâu, đề xuất các giải pháp đã làm sáng rõ hơn các vấn đề mà dư luận quan tâm, từ đó tăng cường sự hiểu biết về văn hóa.
Các phóng sự, phỏng vấn nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật không chỉ mang lại những góc nhìn mới mà còn tạo cơ hội cho công chúng học hỏi, cập nhật những xu hướng văn hóa mới nhất. Các phóng sự, bài viết về các sự kiện văn hóa của BPTV không chỉ cung cấp thông tin mà còn giúp công chúng hiểu được bối cảnh văn hóa, lịch sử đằng sau các sự kiện này. Các bài viết, chương trình về lịch sử, truyền thống, phong tục tập quán, lễ hội văn hóa giúp người dân nhận thức rõ ràng hơn về nguồn cội và giá trị của văn hóa dân tộc. Báo chí góp phần định hướng dư luận và xây dựng hệ giá trị văn hóa, đạo đức cho xã hội thông qua việc tôn vinh những giá trị nhân văn, đề cao lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, sự tôn trọng và bảo vệ các di sản văn hóa…
Tiếp tục ưu tiên mảng đề tài văn hóa
Để tiếp tục khẳng định vai trò của báo chí trong tuyên truyền về văn hóa, từ đó góp phần nâng cao tri thức văn hóa cho cộng đồng, thời gian tới BPTV sẽ bám sát Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch 171/KH-UBND ngày 14/5/2024 của UBND tỉnh chuyển tải thành những sản phẩm báo chí trên 4 loại hình, phục vụ đắc lực yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, hướng vào các hoạt động văn hóa, xây dựng và phát triển con người một cách toàn diện, góp phần xây dựng tỉnh Bình Phước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Tiếp tục lồng ghép trong các chương trình hiện có giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa của con người và vùng đất Bình Phước phục vụ cho hoạt động thu hút đầu tư, phát triển du lịch của tỉnh trong thời kỳ hội nhập theo Quyết định 755/QĐ-UBND ngày 06/5/2024 của UBND tỉnh, phê duyệt Đề án xây dựng, truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước năm 2024, 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Nội dung tuyên truyền khuyến khích sự đa dạng về văn hóa dân tộc và vùng miền. Đẩy mạnh việc đưa tin và sản xuất nội dung về nền văn hóa các DTTS, văn hóa vùng miền đặc sắc để phản ánh đầy đủ và đa dạng bức tranh văn hóa của tỉnh Bình Phước. Sản xuất các chương trình chuyên sâu về văn hóa. Tạo ra các chương trình phát thanh, truyền hình chuyên biệt về văn hóa với các định dạng phong phú như phóng sự, tài liệu, tọa đàm, tập trung vào những vấn đề văn hóa đang được quan tâm.
Sử dụng mạng xã hội (Facebook, Instagram, YouTube, TikTok) để quảng bá các nội dung văn hóa đến công chúng rộng rãi và đa dạng hơn. Tiếp tục phát triển các trang fanpage, kênh YouTube chuyên về văn hóa để thu hút sự quan tâm của giới trẻ...
Báo chí là một công cụ mạnh mẽ giúp kết nối các tầng lớp xã hội, không chỉ cung cấp thông tin mà còn truyền tải các giá trị văn hóa, chia sẻ những tri thức mới. Thông qua sự đa dạng của các nền tảng truyền thông và hình thức truyền tải thông tin, báo chí giúp mọi người, bất kể tầng lớp xã hội nào, đều có cơ hội tiếp cận và nâng cao tri thức văn hóa, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng và xã hội. Đối với BPTV, việc tuyên truyền các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc, phẩm chất người Bình Phước thông qua việc sáng tạo nên những sản phẩm báo chí - sản phẩm văn hóa chất lượng, là một trong những cách hiệu quả khẳng định vai trò là kênh giáo dục, bồi đắp lý tưởng sống, đạo đức và nhân cách con người, góp phần vào mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Muốn làm được điều đó, mỗi người làm báo ở BPTV đang nỗ lực mỗi ngày hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, xây dựng môi trường làm báo văn hóa, cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa.