Di sản văn hóa phi vật thể là tài sản quý báu mang đậm nét đặc trưng của quốc gia, dân tộc. Di sản văn hóa là nơi lưu giữ nét đẹp truyền thống của các thế hệ cha ông, tạo tiền đề để thế hệ sau kế thừa, tái tạo và phát triển.
Di sản văn hóa phi vật thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển văn học và nghệ thuật, nó không chỉ là nguồn tài nguyên, là chất liệu, nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận mà còn góp phần định hình, phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với sự phát triển của văn học và nghệ thuật là một quá trình cần sự phối hợp của nhiều yếu tố để vừa giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, vừa làm phong phú đời sống tinh thần của các tầng lớp Nhân dân trong đời sống đương đại. Bài viết về vai trò của bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật đối với phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa, con người Bình Phước trong giai đoạn hiện nay, thực trạng và giải pháp.
I. Đặt vấn đề
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng văn học, nghệ thuật, Người xem“Văn hóa, văn nghệ là một mặt trận, người hoạt động văn hóa, nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy, tác phẩm văn nghệ là vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng”. Nghị quyết số 23-NQ/TW cũng chỉ rõ “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó, văn học nghệ thuật là một bộ phận rất quan trọng”. Đồng chí Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng“Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.
Nhiệm vụ phát triển văn học nghệ thuật được Tỉnh ủy Bình Phước quan tâm, là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045: “Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống của con người. Tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo, có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật…”.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên, việc tạo động lực cho hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật được xem là là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, bởi lẽ, di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn liền với cộng đồng dân cư, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng. Nó không ngừng được tái hiện và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Di sản văn hóa chính là nơi lưu giữ các nét đẹp truyền thống của các thế hệ cha ông, tạo tiền đề để các thế hệ sau lưu giữ, tái tạo và phát triển. Đây là nền tảng để chúng ta tiếp cận với những nền văn hóa trên thế giới mà không bị mất đi bản sắc dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan. Sự đa dạng của di sản văn hóa đã góp phần làm nên sức sống và sự giàu có cho văn hóa nhân loại.

Các già làng thực hiện nghi thức tạ ơn thần lúa trong lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng ở huyện Bù Đăng – Ảnh: Điểu Lành
II. Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bình Phước gắn với phát triển văn học nghệ thuật.
Di sản văn hóa phi vật thể và văn học nghệ thuật có mối quan hệ tương hỗ, di sản văn hóa phi vật thể là nguồn cội, là chất liệu và cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ sáng tạo. Thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật mà di sản văn hóa phi vật thể được tái hiện lại một cách sinh động và gần gũi, giúp truyền tải và quảng bá ý nghĩa, hình ảnh, nét đẹp của văn hóa của tỉnh Bình Phước đến với bạn bè trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc phát triển văn học nghệ thuật lại chính là góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, vì khi các nhà văn và nghệ sĩ đưa các yếu tố di sản vào tác phẩm, họ đang góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa. Đặc biệt, khi giá trị di sản văn hóa phi vật thể được thổi hồn qua các tác phẩm văn học nghệ thuật đương đại sẽ dễ tiếp cận đến với khán giả trẻ tuổi, bạn bè quốc tế, từ đó mà góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa, con người Bình Phước nói riêng.
Nhận thức sâu sắc những vấn đề trên, trong những năm qua, tỉnh Bình Phước đã chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị đối với di sản văn hóa phi vật thể. Trên địa bàn Tỉnh có 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận đó là Đờn ca tài tử Nam Bộ, có 07 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 25 di sản phi vật thể được kiểm kê đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Các bảo tàng trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ, quản lý 15.360 hiện vật, đặc biệt trong đó có Bảo vật quốc gia là bộ Đàn đá Lộc Hòa. Với đặc thù là nơi hội tụ và sinh sống của 41 dân tộc anh em, trong đó dân tộc S’tiêng, M’nông, Khmer... là những cư dân đã có lịch sử cư trú lâu đời. Để tồn tại, thích nghi và phát triển, những cư dân sinh sống trên vùng đất Bình Phước đã cải tạo những yếu tố tự nhiên, tạo lập nên đời sống văn hóa, tập quán lao động, sinh hoạt, kiến tạo nên những di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, đặc sắc. Nổi bật là các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như: Kho tàng văn học dân gian của người S’tiêng, M’nông; nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; trình diễn cồng, chiêng, nhạc cụ truyền thống; các lễ hội truyền thống như; Lễ hội cầu bông của người Kinh; Lễ hội Miếu Bà Rá Phước Long; Lễ cầu mưa; lễ hội mừng lúa mới của người S’tiêng, M’nông; Lễ xuống đồng, Lễ hội Phá bàu của người Khmer… Nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian: như nghề chế biến rượu cần; nghề đan lát, dệt thổ cẩm… Di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn là sự khẳng định giá trị, nét đẹp văn hóa các dân tộc tỉnh Bình Phước; là sự ghi nhận, tôn vinh và tri ân những nỗ lực bền bỉ của cộng đồng và nghệ nhân trong bảo tồn, phát huy, trao truyền giá trị của di sản. Các di sản văn hóa Bình Phước được kiểm kê, được đưa vào danh mục đại diện di sản của nhân loại và danh mục di sản phi vật thể quốc gia là cơ sở pháp lý quan trọng, cũng là động lực để đẩy mạnh công tác bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị di sản. Đồng thời góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức và sự tham gia của cộng đồng đối với công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Di sản Văn hóa cũng là nguồn tài nguyên quý để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang đứng trước những khó khăn và thách thức:
Thứ nhất: Nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn thiếu cả về nguồn lực vật chất lẫn con người. Hàng năm, nguồn kinh phí đầu tư cho Văn hóa nói chung và bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng còn rất thấp. Nhân sự bố trí cho công tác chuyên trách nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chỉ bố trí được ở cấp tỉnh.
Thứ hai: Một số di sản văn hóa phi vật thể đứng trước nguy cơ bị mai một, do không gian và môi trường văn hóa thay đổi. Số lượng người thực hành di sản ngày một ít. Các tập tục, nghi lễ, phong tục tập quán tốt đẹp đang biến đổi, tinh thần cố kết cộng đồng cũng đứng trước thách thức. Bên cạnh đó, cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế cũng tác động lớn đến các loại hình di sản văn hóa. Khi nền kinh tế phát triển, hàng hóa phong phú và đa dạng luôn có sẵn trên thị trường, đã đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến sự duy trì các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, nghề đan lát, nghề rèn…
Thứ ba: Việc giữ gìn, kế tục, sử dụng và truyền dạy các di sản văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ của đội ngũ nghệ nhân gặp nhiều khó khăn do tuổi tác ngày càng cao, cách truyền đạt còn nhiều hạn chế, có nhiều di sản ít được thực hành. Một bộ phận thế hệ trẻ cũng ít tìm hiểu, kế thừa và tỏ ra thờ ơ với các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Phần lớn các di sản văn hóa phi vật thể đều tồn lưu dưới dạng truyền miệng, truyền nghề theo kinh nghiệm thực tế và trong nội bộ của từng gia đình chứ không lưu giữ dưới dạng văn tự, do vậy, trải qua thời gian những người am hiểu sâu rộng về di sản lần lượt qua đời hoặc phai mờ trong ký ức, từ đó di sản thất truyền là điều khó tránh khỏi.
Thứ tư: Công tác phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế. Nhất là việc khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong hoạt động du lịch chưa hiệu quả, do chưa có phương án đồng bộ, thiếu nguồn lực, việc xây dựng các di sản văn hóa phi vật thể trở thành sản phẩm du lịch diễn ra chậm, chưa đáp ứng nhu cầu, chưa xác định được sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Việc truyền dạy, phổ biến và lưu truyền các di sản văn hóa qua các thế hệ đang có chiều hướng thuyên giảm, do đó sức sống của di sản văn hóa trong chính cộng đồng chủ thể văn hóa đang dần giảm sút.
III. Giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển văn học, nghệ thuật trong thời gian tới
Di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng là nguồn lực nội sinh quy giá của mỗi dân tộc, văn học nghệ thuật đã, đang và sẽ là một trong những nhân tố đóng góp tích cực vào công cuộc tuyên truyền, quảng bá, phát huy hiệu quả nguồn lực của di sản văn hóa phi vật thể. Sức mạnh của văn học nghệ thuật được xây dựng nên từ những chủ thể sáng tạo nên nó - những người nghệ sĩ. Vì vậy, để văn học nghệ thuật tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, đội ngũ văn nghệ sĩ phải là những người tiên phong sáng tạo. Bên cạnh đó, chính sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành, các cấp là nguồn động viên to lớn giúp văn học nghệ thuật vững bước đi lên, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
Chương trình nghệ thuật đồng diễn đàn đá quy tụ 50 bộ đàn đá, đây là những bộ đàn được chế tác theo phiên bản bảo vật quốc gia “Đàn đá Lộc Hòa”
Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tạo động lực cho phát triển văn học nghệ thuật, trong thời gian tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất một số giải pháp trọng tâm cơ bản sau:
Thứ nhất: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/8/2008 của Bộ Chính trị khóa X về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. trong đó, đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu đối với công tác văn học, nghệ thuật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật.
Thứ hai: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho văn nghệ sĩ đối với hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật; nhận thức của cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ mà đặc biệt là trong học sinh, sinh viên hiểu biết được giá trị to lớn của các di sản văn hóa phi vật thể nhất là những di sản đã được công nhận.
Thứ ba: Cần định hướng, khuyến khích việc phát triển văn học nghệ thuật dựa trên các giá trị truyền thống; các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; tăng cường tổ chức các hội trại sáng tác, hoạt động trải nghiệm thực tế cho đội ngũ văn nghệ sĩ; khuyến khích, đầu tư tái hiện, phục dựng sinh hoạt văn hóa, nhất là các loại hình văn học dân gian, chuyện, sử thi… từ đó giúp di sản văn hóa gần gũi hơn với công chúng.
Thứ tư: Tăng cường ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; thực hiện số hóa các di tích, danh lam thắng cảnh, các di sản văn hóa của tỉnh.
Thứ năm: Cần có các chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, những người đang trực tiếp nắm giữ, thực hành và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể; tạo không gian, cơ hội cho nghệ nhân học tập, trao đổi kinh nghiệm, được truyền đạt kinh nghiệm… Ban hành chính sách về bố trí, sử dụng nguồn lực và quản lý, bảo tồn, lưu giữ, trao truyền và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh, nhất là nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu, phục dựng các lễ hội truyền thống, các nghề thủ công có giá trị, các làn điệu dân ca, dân vũ tiêu biểu của các dân tộc, tránh để càng ngày càng khó vì các nhân chứng không còn. Đồng thời thường xuyên tổ chức trình diễn di sản để nhắc nhỡ và thu hút nhân dân tham gia.
Thứ sáu: Phát triển hoạt động du lịch kết hợp với bảo tồn di sản văn hóa. Tạo điều kiện và khuyến khích việc xây dựng sản phẩm du lịch từ các di sản văn hóa để thu hút du khách góp phần phát triển du lịch của địa phương.
IV. Kết luận
Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển văn học và nghệ thuật là một hướng đi quan trọng để vừa duy trì những giá trị văn hóa truyền thống, vừa nuôi dưỡng sự sáng tạo trong văn học và nghệ thuật đương đại. Các giải pháp trên không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam nói chung, của văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, con người trong giai đoạn hiện nay.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phấn đấu hoàn thành tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” theo tinh thần Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.