Bình Phước: Chuyển biến tích cực từ thực hiện Chỉ thị 26-CT/TU

Thứ bảy - 29/10/2022 19:12 1.026 0
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 26-CT/TU, ngày 14/8/2017 của Tỉnh ủy về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh”, đạt được những kết quả tích cực, nhận thức của các cấp, các ngành về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích được nâng lên.
 Đa dạng hình thức tuyên truyền

Từ tháng 8/2017 đến nay, ngành Văn hóa đã tổ chức giới thiệu, quảng bá hình ảnh di tích được xếp hạng cho khoảng 755.952 lượt người tham quan. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh lựa chọn một số di tích đưa vào tuyến, tour du lịch tỉnh Bình Phước để quảng bá, thu hút khách tham quan. Thông qua các hoạt động về nguồn, đã kết hợp tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá du lịch, giáo dục các giá trị lịch sử, văn hóa giúp người dân và du khách nắm bắt được các thông tin, ý nghĩa của các di tích để nâng cao nhận thức và hành động nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích. 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước; Phát động Cuộc thi “Bình Phước 25 năm khát vọng vươn lên” góp phần tuyên truyền sâu rộng những nội dung quan trọng, cốt lõi của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đồng thời Cuộc thi này sẽ là dịp để quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người Bình Phước, qua đó khuyến khích những ý tưởng, sáng tạo để Bình Phước ngày càng phát triển.        

Các cơ quan báo chí tham gia tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các tác giả, tác phẩm, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật của tỉnh trên các loại hình báo chí; đã có nhiều tin, bài viết phản ánh đa dạng về văn hóa, văn học, nghệ thuật. Trong đó, có 537 tác phẩm tham gia cuộc thi sáng tác văn học về truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước; 33 tác giả, tác phẩm sáng tác văn học, nghệ thuật được trao giải cấp tỉnh; 35 cá nhân được trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật; đồng thời, tham gia xử lý tốt các vấn đề nảy sinh trong đời sống văn học, nghệ thuật; phòng, chống “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. 
                                                                                                     

Ban Quản lý di tích tỉnh lắp đặt panô quảng bá chỉ dẫn đường của các di tích: Phú Riềng Đỏ, Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2 và Thác Đăk Mai 1; lắp đặt panô hình ảnh hệ thống di tích tỉnh Bình Phước tại các di tích: Địa điểm Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, Nhà Giao Tế và Địa điểm Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1973-1975). Tổ chức biên soạn nội dung, in ấn, phát hành 1.300 bản đồ khổ A2 và 30 bản đồ khổ A0 di tích tỉnh Bình Phước để giới thiệu, quảng bá các di tích tiêu biểu của tỉnh đến với khách tham quan du lịch.

Công tác bảo tồn, phát huy di tích trên địa bàn tỉnh

Tỉnh Bình Phước hiện có hơn 13.000 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, mỹ thuật có liên quan đến lịch sử kháng chiến, lĩnh vực dân tộc học, khảo cổ học… được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, trong đó có 01 bảo vật quốc gia là Đàn đá Lộc Hòa. Để góp phần bảo tồn và phát huy tốt giá trị hiện vật, từ năm 2016 đến nay, Bảo tàng tỉnh Bình Phước đã tổ chức và phối hợp với các bảo tàng ngoài tỉnh tổ chức gần 30 đợt trưng bày thu hút gần 45.000 lượt khách, qua đó giới thiệu về vùng đất, con người Bình Phước, nhất là sự hình thành của vùng đất Bình Phước và quá trình lao động sản xuất, đấu tranh với thiên nhiên, đấu tranh cách mạng của quân dân Bình Phước đến với các đoàn khách tham quan, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh.
 
Di tích Địa điểm Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô tọa lạc tại thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước

Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động như: về nguồn, giao lưu nhằm giới thiệu các di tích trên địa bàn và giáo dục truyền thống anh hùng, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ thanh, thiếu niên. Tổ chức tuyên truyền về các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh thông qua hoạt động trưng bày hình ảnh di tích tại các trường học, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh qua giai đoạn 2017 - 2022 đã thu hút 30.000 lượt người tham quan, tìm hiểu; trưng bày hình ảnh di tích tại Lễ đón nhận văn bằng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, thu hút hơn 1.000 lượt người tham quan; thực hiện trưng bày hình ảnh chuyên đề “Ban Liên hợp quân sự bốn bên - Từ trại Davis đến Nhà Giao tế Lộc Ninh” tại di tích Nhà Giao tế, thu hút hơn 2.000 giáo viên, học sinh và du khách tham quan.

Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về di tích trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11; Tổ chức thành công cuộc thi “Hành trình di sản Văn hóa tỉnh Bình Phước” lần thứ I, lần thứ II, lần thứ III. Phối hợp và hỗ trợ các cơ quan, báo chí, truyền hình, trường học thực hiện chương trình, phóng sự về hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh và các hoạt động tại di tích; cung cấp tư liệu, tài liệu, hình ảnh về di tích cho các cơ quan trong công tác bảo tồn, phát huy di tích trên địa bàn tỉnh.


Công tác thanh, kiểm tra các di tích

Công tác thanh, kiểm tra di tích được thực hiện thường xuyên theo định kỳ hàng quý nhằm nắm bắt thực trạng hoạt động, giữ gìn bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Từ đó, có phương án bảo quản kịp thời, tránh tình trạng xâm hại các di tích, đồng thời phát huy giá trị các di tích một cách hiệu quả, phục vụ khách tham quan tốt hơn. Từ năm 2017-2022, trên địa bàn tỉnh tiến hành 02 đợt kiểm tra hằng năm tại các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng.

Qua kết quả kiểm tra cho thấy các di tích đã được xếp  hạng trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị và tổ chức phân cấp quản lý di tích chăm sóc, bảo vệ và phát huy tốt, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động du lịch của địa phương, đáp ứng  nhu  cầu văn hóa của  nhân dân; trở thành điểm tham quan về nguồn, tìm hiểu lịch sử cách mạng của nhân dân, cán bộ, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng  tự hào  dân  tộc, tinh  thần  tự chủ, lao động  sáng  tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một  số di tích được đầu tư tu bổ, sửa  chữa; lắp đặt  bảng  nội  quy, bảng thuyết minh, bảng chỉ dẫn đường đi đến và  bản đồ khoanh vùng bảo vệ... tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích; các di tích là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện tốt các quy định của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, các quy định về tổ chức các hoạt động lễ hội, hoạt động tín ngưỡng. Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn  biến  phức tạp, các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá  nhân quản lý các di tích đã triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp, các quy định về phòng, chống dịch.
Dan da 3
 Ngày 28/8/2018, tại Bảo Tàng tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức Lễ công bố bảo vật Quốc gia “Đàn đá Lộc Hòa”, huyện Lộc Ninh.

Đặc biệt trong tháng 4 năm 2021, tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể (di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh), công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các di tích lịch sử văn hoá tại tỉnh Bình Phước (tại di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam; di tích quốc gia Mộ 3000 đồng bào An Lộc bị đế quốc Mỹ tàn sát ngày 03/10/1972).

Đoàn Thanh tra đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế tại các di tích như: Hướng dẫn viên chưa được đào tạo và cấp chứng chỉ theo quy định; một số đền thờ có đặt tượng tôn vinh Bác Hồ làm tượng thờ là chưa phù hợp; còn hiện tượng tiếp nhận công đức bằng hiện vật là ghế xi măng; đặt biển công đức của các đơn vị tài trợ lên tường của di tích; thiếu thiết bị vệ sinh, thùng rác trong khu vực di tích, ...Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị quản lý di tích rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế tại các di tích được phân cấp quản lý.

Bên cạnh đó hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn, nhằm nắm bắt được tình hình hoạt động thực tế của các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh. Qua đó kịp thời tham mưu cho các cấp lãnh đạo có những biện pháp để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu phát sinh).

Hiện nay, hầu hết các di tích đều có lễ hội, có bảng nội quy thực hiện nếp sống văn minh cho du khách; các địa phương có lễ hội đều thành lập Ban tổ chức lễ hội. Phối hợp với các đoàn thể, sở, ngành, chính quyền cấp huyện, cấp xã nơi tổ chức hoạt động lễ hội thường xuyên kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo thẩm quyền đối với hoạt động lễ hội vi phạm.

Những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong bảo tồn, phát huy giá trị các di tích. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước về di tích với các ngành, địa phương. Tiếp tục lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh và thực hiện chỉnh lý các hồ sơ khoa học di tích đã được xếp hạng. Triển khai công tác tổng kiểm kê di tích và hiện vật gắn với di tích.

-  Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hoạt động nghiên cứu khoa học; tổ chức thăm dò, khai quật khảo cổ tại các di tích quảng bá rộng rãi đến công chúng, khách tham quan trong và ngoài tỉnh về tiềm năng, giá trị các di tích.

- Chú trọng công tác đào tạo, bố trí cán bộ, nhân viên phù hợp trong công tác quản lý di tích, nhất là hướng dẫn viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Thường xuyên rà soát, kiểm kê di tích để đề xuất các cấp công nhận di tích cũng như có biện pháp tôn tạo, tu bổ các di tích theo đúng nguyên trạng. Đầu tư tu bổ, tôn tạo, sửa chữa các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt, quốc gia và cấp tỉnh có giá trị tiêu biểu. Đảm bảo 100% di tích được chăm sóc, bảo vệ tốt.

- Cung cấp những tài liệu hướng dẫn về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích để cán bộ văn hóa cơ sở được tiếp cận, nghiên cứu vận dụng phù hợp với địa phương.

- Tiếp tục kiện toàn và phát huy vai trò nhiệm vụ của Ban quản lý di tích tỉnh. Kiện toàn các Ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp huyện, thị và thực hiện phân cấp, tổ chức bàn giao các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 01/7/2015 về Quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Phước, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cấp quản lý di tích.

- Tăng cường đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa; khôi phục và phát triển các lễ hội dân gian lành mạnh; coi trọng bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

- Huy động tối đa nguồn lực của các cá nhân và tổ chức trong công tác xã hội hóa để thực hiện có hiệu quả các hoạt động lễ hội và bảo tồn tại di tích, đảm bảo giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Từng bước xã hội hóa, tiến tới tự chủ về kinh phí đối với các di tích tiêu biểu có điều kiện phát triển dịch vụ du lịch…                                                                        

Tác giả bài viết: Minh An (BTGTU)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây