Bình Phước: Chuyển biến tích cực từ việc thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW

Thứ ba - 16/01/2024 10:17 793 0
Thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.  Trong những năm qua, tỉnh Bình Phước được xác định là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống địa phương.
Tỉnh Bình Phước  đã có văn bản chỉ đạo các huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Chỉ đạo các huyện, thị, thành phố tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhằm thiết lập nếp sống lành mạnh trong việc cưới, việc tang, lễ hội góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, tạo sự chuyển biến tích cực trong nội bộ cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng Nhân dân. Tiến hành vận động các tầng lớp trong xã hội tham gia, tạo dư luận xã hội mạnh mẽ phê phán những biểu hiện cổ hủ, lạc hậu, xa hoa, lãng phí, trong cưới xin, ma chay, tế lễ không còn phù hợp với yêu cầu của cuộc sống văn minh. Đồng thời, tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền nhằm đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn. Do đó, cấp ủy, chính quyền đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên các tầng lớp Nhân dân.
 
Lễ hội Miếu Bà Rá vừa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Lễ hội Miếu Bà Rá vừa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
 
UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và Cuộc vận động "Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt" năm 2023 trên địa bàn tỉnh, với các nhiệm vụ trọng tâm như: Phong trào xây dựng văn hóa cần có sự bền bỉ, liên tục; xây dựng đời sống văn hóa cần song hành với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh góp phần tạo niềm tin và sự tham gia đóng góp tích cực của nhân dân để làm thay đổi diện mạo đời sống văn hóa ở cơ sở; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần bài trừ và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 111/111 xã, phường, thị trấn đều có trung tâm văn hóa - thể thao; trên 50% trung tâm cấp xã đạt chuẩn; 851/851 thôn, ấp, khu phố có nhà văn hóa, trong đó có gần 40% đạt chuẩn; các thiết chế văn hóa cấp tỉnh cơ bản được đầu tư, xây dựng… Đặc biệt, Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” đã có 68/68 cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện, đạt tỷ lệ 100%; 232.526/237.149 hộ gia đình đăng ký, đạt tỷ lệ 98,05% và 223.529 hộ được công nhận, đạt tỷ lệ 94,25%; 849/851 khu dân cư đăng ký, đạt tỷ lệ 99,76% và 811 khu dân cư, đạt tỷ lệ 95,29% được công nhận “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”.

Những năm qua, thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được tổ chức văn minh, lịch sự, tiết kiệm, song vẫn đảm bảo tính trang nghiêm. Ngoài ra, các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh, ngày hội đại đoàn kết... được tổ chức thiết thực, trang trọng. Hầu hết các địa phương đều tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhân dịp lễ hội hay sự kiện quan trọng. Từ đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung, quy định của việc thực hiện nếp sống văn hóa; hương ước về xây dựng đời sống văn hóa được nhân dân nắm bắt kịp thời và nghiêm túc thực hiện. Ý thức của người dân về xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ngày càng được nâng cao. Các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ; tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, được hạn chế, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã từng bước được cải thiện, góp phần chuyển biến nhận thức của đại bộ phận Nhân dân trong toàn tỉnh. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được đưa vào quy ước, hương ước, các tiêu chí bình xét gia đình văn hoá, văn hoá, thi đua cuối năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng  mắc. Việc triển khai thực hiện ở một số đơn vị còn mang tính hình thức; thiếu biện pháp thiết thực; thiếu kiểm tra, đôn đốc và chưa quyết liệt trong việc phê bình, chưa có chế tài đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định của pháp luật, quy ước, hương ước của thôn trong cưới, tang, lễ hội; chưa điều chỉnh bổ sung kịp thời. Việc bình xét công nhận các danh hiệu gia đình, khu dân cư, cơ quan văn hoá... có lúc còn chưa áp dụng triệt để các tiêu chí về "thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội" đã được đề ra... Công tác  tuyên truyền, vận động chưa được các cấp, các ban ngành đoàn thể tiến hành thường xuyên nên chưa thật  sự đi vào chiều sâu, chưa lan toả đến  mọi  tầng  lớp nhân  dân…

Để thực thiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 27-CT/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội các cấp làm tốt công tác giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa của dân tộc với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nội dung quy ước, hương ước ở khu dân cư, nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, tổ nhân dân tự quản.

Đẩy mạnh nếp sống văn minh ở xã, phường, thị trấn, khu di tích lịch sử, lễ hội; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, lễ hội theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc cưới, việc tang và các sinh hoạt khác đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, phê phán những biểu hiện cổ hủ lạc hậu, xa hoa lãng phí, vụ lợi... không phù hợp với yêu cầu cuộc sống văn minh.

Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp: trọng tâm là xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh; gắn các phong trào xây dựng đời sống văn hóa với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng trong sạch vững mạnh của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong đời sống của nhân dân, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; tạo chuyển biến trong việc thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội. tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Có thể nói, những kết quả trong việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh có chuyển biến đáng kể, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành địa phương, sự tham gia ủng hộ của người dân, việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng đời sống tinh thần, đời sống văn hóa tiên tiến trong cộng đồng dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.

Tác giả bài viết: Minh An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây