Từ ngày 04 - 07/4/2024, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức chuyến đi học tập kinh nghiệm đầy ý nghĩa đến các tỉnh Tây Bắc, trong đó có Điện Biên do đồng chí Nguyễn Tiến Cường - Phó trưởng ban Thường trực làm trưởng đoàn cùng các đồng chí lãnh đạo Ban, cán bộ, công chức của Ban, lãnh đạo Ban tuyên giáo các huyện, thị, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như Giải phóng Miền Nam 30/4, Giải phóng Điện Biên 7/5.
Đến với Điện Biên, mảnh đất nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc, điều kiện tự nhiên thuận lợi đã làm cho Điện Biên có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên rất đáng tự hào. Nơi đây, còn có vị trí chiến lược rất quan trọng, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Hoạt động của đoàn chúng tôi, sau khi đến Điện Biên là dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và đồng bào hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1 để bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đoàn đến dâng hoa, thắp nhang và chụp hình lưu niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ A1
Tại lễ dâng hương tưởng niệm, đồng chí Nguyễn Tiến Cường - Phó trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Trưởng đoàn đại diện đặt vòng hoa, thắp nén tâm hương, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ. Những nén tâm nhang của cả đoàn lần lượt được thắp trên từng phần mộ các anh hùng, liệt sĩ người có tên, có tuổi và cả những phần mộ liệt sĩ chưa có tên như một lời tri ân, lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi - những người may mắn được sống trong tự do, hòa bình và độc lập. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi đất mẹ nhưng ý chí quật cường của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam anh dũng sẽ được ghi nhớ muôn đời. Chúng tôi những làm công tác tuyên giáo tham mưu cho Đảng trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa thật sự vô cùng xúc động trước sự hi sinh cao cả của hơn 6 nghìn liệt sĩ nằm lại nơi đây.
Đoàn đến thăm khu di tích tại Điện Biên Phủ
Điểm đến tiếp theo của đoàn là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi lưu giữ, trưng bày hàng ngàn các hiện vật, tranh, ảnh .... liên quan đến chiến dịch. Những hiện vật đã theo chân người lính phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua những vần thơ của Nhà thơ Tố Hữu đã trưng bày nơi đây:
“Chín năm làm một Điện Biên”
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Có thể nói, Bảo tàng mang đậm giá trị lịch sử, tính nhân văn và tâm linh sâu sắc về một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là minh chứng hùng hồn cho sự bất diệt, tồn tại và phát triển bền vững của mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng. Đặc biệt nhất là bức tranh Panorama được ví như bản hùng ca về chiến tranh, đã góp phần tái hiện một cách sinh động, rõ nét cuộc chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta với 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử khiến ai cũng xúc động, bồi hồi, giúp các thành viên trong đoàn càng thêm trân quý những giá trị lịch sử cùng những hy sinh mất mát lớn lao từ các bậc cha anh.
Đến với Điện Biên Phủ trong những ngày tháng lịch sử này, đoàn chúng tôi tiếp tục đến Khu di tích đồi A1 nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, bảo vệ phân khu trung tâm, trực tiếp bảo vệ căn hầm của tướng De Catries. Tên A1 là tên quân đội ta đặt cho ngọn đồi này, còn trước đây ngọn đồi này có những tên gọi khác nhau như Lạng Chượng, Eliane2. Trên đỉnh đồi có căn hầm cố thủ, vốn là hầm rượu vang của toà công sứ Pháp trước năm 1945. Sau khi nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, quân Pháp đã cho củng cố căn hầm ngầm thành một cứ điểm quân sự. Hầm được chia thành hai ngăn, trong đó một ngăn là nơi làm việc của bộ phận thông tin điện đài. Hầm được làm bằng những vật liệu vô cùng chắc chắn bốn bên là tường gạch kiên cố, mái hầm được đổ những lớp bê tông dày, khi cần thiết có thể dùng làm nơi ẩn nấp cho hàng chục người. Trên đồi A1 vẫn vẹn nguyên dấu tích hố Bộc phá được tạo thành bởi 960kg thuốc nổ.
Đoàn chụp hình lưu niệm tại Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ
Một di tích lịch sử đáng tự hào đó là Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều di tích như: Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy... Tại đây, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào sáng 7-5-1954 đã chỉ huy thành công chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là chiến thắng vĩ đại của Nhân dân ta và cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Một điểm dừng chân cuối cùng tại Điện Biên, đoàn đến thăm hầm Đờ Cát, được mệnh danh là căn hầm kiên cố nhất Đông Dương một thời, Căn hầm chỉ huy của tướng De Castries ở Điện Biên Phủ được thực dân Pháp xây dựng rất kỳ công, ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chính nơi này, Tướng De Castries và toàn bộ Bộ chỉ huy của quân Pháp bị bắt sống, kết thúc thắng lợi vẻ vảng cuộc chiến tranh trường kỳ gian khổ nhưng rất oanh liệt của quân và dân ta.
Đoàn chụp hình lưu niệm tại Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Hành trình đến với Điện Biên - vùng đất lịch sử anh hùng của Ngành tuyên giáo tỉnh Bình Phước là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, góp phần giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, các thành viên trong đoàn càng trân trọng sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh đã đổ xuống vì nền độc lập, tự do và hòa bình cho dân tộc, đặc biệt vô cùng xúc động và tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị anh hùng của dân tộc, một thiên tài quân sự, vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi càng thấy rõ hơn vai trò trách nhiệm của mình để chung tay, góp sức xây dựng ngành tuyên giáo tỉnh nhà ngày càng trong sạch, vững mạnh.