Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân tộc Khmer ở tỉnh Bình Phước được bảo tồn, phát huy

Chủ nhật - 27/08/2023 04:36 1.740 0
Đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu ở 03 địa phương: huyện Lộc Ninh (các xã: Lộc Khánh, Lộc Hưng, Lộc Thịnh, Lộc Quang, Lộc Thành), thị xã Chơn Thành (xã Nha Bích) và thành phố Đồng Xoài (các phường: Tân Xuân, Tân Thiện, Tân Bình).
Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc miền Đông Nam Bộ, có diện tích tự nhiên là 6.876,76 km2, có đường biên giới dài 258,939km tiếp giáp với Vương quốc Campuchia; có 11 huyện, thị xã, thành phố với 111 xã, phường, thị trấn, trong đó có 15 xã biên giới. Dân số toàn tỉnh Bình Phước là 1.034.667 người với 41 thành phần dân tộc, có 203.519 người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 19,67%, trong đó dân tộc Khmer có 21.239 người, chiếm 2,05% dân số toàn tỉnh và chiếm 10,43% dân số DTTS; các đồng bào DTTS sinh sống đan xen trên địa bàn tỉnh; chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, tập trung ở địa bàn miền núi, vùng xa, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái.

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc trong tình hình mới; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo cơ quan công tác dân tộc phối hợp cùng các ngành có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế của ngành, địa phương để xây dựng kế hoạch hoặc quán triệt, triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể. Kết quả, toàn tỉnh đã quán triệt, triển khai trong đảng viên được 226 cuộc, với 5.936 đảng viên dự; trong đoàn viên, hội viên và nhân dân được 3.517 cuộc, với gần 90.000 người dự.

Đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu ở 03 địa phương: huyện Lộc Ninh (các xã: Lộc Khánh, Lộc Hưng, Lộc Thịnh, Lộc Quang, Lộc Thành), thị xã Chơn Thành (xã Nha Bích) và thành phố Đồng Xoài (các phường: Tân Xuân, Tân Thiện, Tân Bình). Đồng bào Khmer chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc được thực hiện tốt, việc tổ chức các ngày lễ, Tết của dân tộc luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phối hợp tổ chức trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, an toàn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer

Tình hình kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào Khmer nói riêng có nhiều chuyển biến; đời sống của đồng bào Khmer được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, tạo điều kiện đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc, không có sự phân biệt đối xử trong thực hiện các chủ trương, chính sách, dự án ở vùng dân tộc. Đồng bào dân tộc Khmer thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất để nâng cao đời sống, vật chất tinh thần thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương.

Số xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm mạnh, cụ thể: giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh có 9 xã Khu vực III, 51 thôn đặc biệt khó khăn, thì đến nay tỉnh chỉ còn 5 xã Khu vực III (01 xã mới được công nhận hoàn thành mục tiêu Nông thôn mới) và 25 thôn đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 24,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2018 lên 34,6 triệu đồng/người/năm vào năm 2023.

Công tác giảm nghèo bền vững cho hộ nghèo là đồng bào DTTS trong đó có người Khmer đã được chú trọng và triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Từ năm 2016-2018, tỷ lệ giảm hộ nghèo DTTS hằng năm thấp, mỗi năm giảm 1,15%, chỉ đạt 57,5% so với kế hoạch (chỉ tiêu giao giảm 2%/năm); tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS trong tổng số hộ nghèo có xu hướng tăng từ 44,37% (2016) lên 52,76% (cuối năm 2018). Đầu năm 2019, tỉnh có 8.614 hộ nghèo, chiếm 3,55% trên tổng số hộ dân, trong đó có 4.545 hộ nghèo DTTS, chiếm 52,76% trên tổng số hộ nghèo của tỉnh, chiếm 10,71% trên tổng số hộ dân là người DTTS. Qua 4 năm thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS (2019-2022) toàn tỉnh giảm 5.198 hộ nghèo DTTS, đạt 129,8% chỉ tiêu Tỉnh ủy đề ra (mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo DTTS), đưa số hộ nghèo DTTS từ 4.545 hộ, chiếm tỷ lệ 52,76% trong tổng số hộ nghèo (đầu năm 2019) xuống còn 516 hộ, chiếm tỷ lệ 43,36 % trong tổng số hộ nghèo (cuối năm 2021 áp dụng chuẩn nghèo tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020). Riêng năm 2022, do áp dụng chuẩn nghèo mới (giai đoạn 2021-2025) nên số hộ nghèo DTTS tăng lên 2.820 hộ, chiếm tỷ lệ 57,91% trong tổng số hộ nghèo (4.870 hộ nghèo). Trong năm 2022 đã giảm 1.166 hộ nghèo DTTS, đạt 115% so với Kế hoạch đề ra”.
 
Nghề đan lát được đồng bào Khmer ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh truyền dạy nhau nên sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng, đẹp mắt để phục vụ đời sống và đáp ứng nhu cầu thị trường (ảnh: Báo Bình Phước online)

Căn cứ vào Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 1279/QĐ-UBND ngày 27/5/2011 của UBND tỉnh, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong giai đoạn 2016-2020 được tỉnh quan tâm thực hiện. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, toàn tỉnh đã đào tạo nghề 63.885 người, đạt 193,59% so với kế hoạch đề ra (33.000 người) trong đó: người DTTS có bằng cấp, chứng chỉ là 8.652 người; giải quyết việc làm 205.083 người, đạt 115% so với kế hoạch đề ra (177.000 người) trong đó có 31.956 người DTTS.

Thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương và địa phương, các chính sách ưu đãi triển khai thực hiện kịp thời, đã giải quyết cơ bản các vấn đề về cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, việc thiếu nước sinh hoạt, thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt tối thiểu; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tạo sự thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn. Toàn tỉnh có 73/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới (66 xã có quyết định công nhận, 07 xã đang hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận), trong đó có 38 xã vùng DTTS và miền núi.

Tập trung nguồn lực phát triển về giáo dục, đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc

Tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh phát triển giáo dục, phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tổng số học sinh người DTTS trên địa bàn tỉnh năm học 2021-2022 là 37.263 em, tương đương 18,5% tổng số học sinh toàn tỉnh (201.387 học sinh); công tác đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ học tập, giảng dạy được quan tâm thực hiện; các chính sách hỗ trợ cho giáo viên, học sinh dân tộc Khmer có điều kiện được đến trường như: hỗ trợ học bổng, tiền, gạo, miễn giảm học phí; chính sách thu hút đối với giáo viên, cán bộ giáo dục công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đồng bào được thực hiện hiệu quả.
 
 
Các vũ nữ Khmer trong vũ điệu cổ truyền đón chào nàng Mrea Tê Vy giáng thế (nguồn: Báo Bình Phước online)

Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trong đồng bào dân tộc Khmer được quan tâm thực hiện. Đến nay, tỉnh đã phổ cập xong giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. Kết quả, duy trì 11/11 huyện, thị xã, thành phố và 111/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 111/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; duy trì 23/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập Trung học phổ thông; có 148/389 trường được công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 38,05%.

Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được quan tâm, đầu tư mở rộng, kết quả từ năm 2016 đến nay tỉnh đã xây dựng và thành lập mới Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Bù Đốp; xây dựng mới cơ sở vật chất của Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Lộc Ninh đảm bảo đạt chuẩn quốc gia. Thành lập Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Điểu Ong trên cơ sở nâng cấp Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Điểu Ong, đưa số Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh lên 07 trường (có 01 trường THPT, 02 trường THCS-THPT, 04 trường THCS).

Chính sách cử tuyển luôn được tỉnh quan tâm. Trong quá trình bố trí, sử dụng cán bộ, các cấp ủy Đảng luôn chú ý đến đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS; đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, căn cứ kết quả tốt nghiệp ra trường của học sinh người DTTS diện cử tuyển, UBND tỉnh bố trí công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố cho 152 sinh viên tốt nghiệp đại học các chuyên ngành đúng vị trí việc làm, trong đó có 04 sinh viên người dân tộc Khmer.

Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc

Tỉnh luôn chú trọng công tác giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung và đồng bào Khmer nói riêng được bảo tồn và phát huy, đến nay tỉnh có 41 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 05 di tích Quốc gia đặc biệt, 11 di tích cấp quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh và gần 60 di tích, danh thắng khác đưa vào Danh mục kiểm kê di tích đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó có 06 di tích liên quan đến công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh (Địa điểm ghi dấu cuộc nổi dậy của đồng bào S’tiêng, Thác Đắk Mai I, Bãi Tiên, Thác Đứng, Thác Voi, Chùa Sóc Lớn); nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về văn hóa các DTTS được triển khai thực hiện: Tổng điều tra sử thi các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Dự án “Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể của người Khmer”,… đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào; tôn trọng, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Phật giáo Nam tông kết hợp với việc xây dựng nền văn hóa Khmer đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ đời sống tinh thần của đồng bào; hỗ trợ tạo điều kiện cho đồng bào tổ chức Tết cổ truyền, lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc (Tết Chol Chnăm Thmây, Lễ Sendolta, Lễ hội Phá bàu…).
 
Lễ hội Phá Bàu của đồng bào dân tộc Khmer ở xã Lộc Khánh- huyện Lộc ninh, sân chơi cho bà con chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc
 
Hệ thống phát thanh - truyền hình đạt được nhiều kết quả, đến nay 100% xã có hệ thống loa truyền thanh; 100% khu dân cư được xem truyền hình; thời lượng, chất lượng chương trình tiếng dân tộc (S’tiêng, Khmer) ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước góp phần giúp đồng bào DTTS cập nhật thông tin tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đến vùng sâu, vùng xa.

Chấp hành nghiêm tín ngưỡng, tôn giáo và xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer

Trong 5 năm, tỉnh đã tổ chức 06 hội nghị tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 2.899 lượt chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; gần 1.000 lượt cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, cán bộ không chuyên trách thôn, ấp, khu phố.

Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer được cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện sinh hoạt đúng theo hiến chương, điều lệ của từng tôn giáo. Đa số đồng bào thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương. Có 3.875 người Khmer theo đạo, trong đó Phật giáo Nam tông với 2.472 tín đồ; Tin lành 750 tín đồ; Công giáo 605 tín đồ; Cao đài 46 tín đồ, Phật giáo Hòa Hảo 02 tín đồ.

Để phát triển toàn diện nguồn nhân lực các DTTS, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực trong vùng DTTS theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả: số lượng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS được tỉnh cử đi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng từ năm 2016 đến năm 2022 là 108 lượt người, trong đó: Cử đi đào tạo 69 lượt cán bộ, công chức, viên chức; bồi dưỡng 39 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện bồi dưỡng cho 1.479 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân tộc, bồi dưỡng tin học văn phòng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ…

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ là người DTTS nói chung, trong đó có dân tộc Khmer luôn được tỉnh quan tâm thực hiện tốt. Công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch cán bộ là người DTTS tối thiểu phải đạt từ 5% trở lên theo theo tỷ lệ DTTS đang sinh sống trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 90/25.426 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 0,353% tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh (cấp tỉnh là 0,75%, cấp huyện là 0,2%, cấp xã là 0,42%); có 35 người được đưa vào quy hoạch cán bộ. Trong 05 năm, đã cử 12 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia học các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác liên quan đến đồng bào dân tộc Khmer.
 
Bên cạnh việc được thụ hưởng các chính sách dân tộc chung cho người DTTS theo các quy định chung của Chính phủ, đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh còn được quan tâm, thăm hỏi động viên nhân các dịp Lễ, Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ Soncedolta. Kết quả: Từ năm 2018 đến nay đã tặng 38 phần quà cho tập thể Ban Hộ tự Chùa Nam tông Khmer với giá trị từ 2 đến 3 triệu đồng/phần và gần 500 phần quà cá nhân, mỗi phần trị giá từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng cho các gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, người có uy, già làng tiêu biểu.

Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã đạt được những kết quả nhất định. Các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, công tác an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân tộc Khmer được bảo tồn, phát huy… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS nói chung, dân tộc Khmer nói riêng, củng cố thêm niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Tác giả bài viết: Gia Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây