Thắng lợi đó là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như nguyện ước của Bác Hồ.
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà. Đó cũng là thời khắc kết thúc hơn 100 năm Việt Nam bị nước ngoài chiếm đóng và chia cắt.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn - của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước của dân tộc ta; của đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Đảng ta.
Bốn chiến sĩ cắm cờ trên nóc phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu
Đó cũng là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; của lòng trung thành tuyệt đối và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Lực lượng vũ trang nhân dân và sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của bạn bè quốc tế.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam, hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang. Đó là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trưa ngày 30/4/1975, những chiếc xe tăng của Quân giải phóng tiến thẳng vào dinh Độc Lập. Ở trong sân, những người lính chào đón hòa bình theo cách của riêng mình. Sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn là không thể tránh khỏi. Cả nước dạt dào niềm vui chiến thắng.
Sau năm 1975, Việt Nam đối mặt với một nền kinh tế yếu kém, mất cân đối, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Trước thực trạng đó, Nhà nước tập trung khắc phục từng bước hậu quả nặng nề của chiến tranh.
Thời kỳ này, Nhà nước quản lý nền kinh tế chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính dựa trên hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh áp đặt từ trên xuống dưới. Các doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ tiêu pháp lệnh được giao. Cơ chế quản lý kinh tế quan liêu đã khiến nền kinh tế rơi vào bế tắc. Năm 1986, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đưa nền kinh tế thoát khỏi cơn suy thoái kéo dài.
Đầu thế kỷ XXI, Việt Nam đã vượt qua các thách thức để vươn lên và bứt phá, đạt được những bước phát triển nhanh, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới chính trị gắn liền với đổi mới kinh tế. Nhờ đó, công tác đổi mới chính trị, nhất là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố chế độ chính trị đã đạt được những kết quả nổi bật, đó là: Quyền lực Nhà nước được thực thi thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan; hệ thống chính trị được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực đời sống xã hội được phát huy và đi vào thực chất; quyền con người, quyền công dân được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm...
Ba ngày sau khi thay mặt quốc dân đồng bào đọc “Tuyên ngôn độc lập”, Bác Hồ đã gửi thư cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên (1945 - 1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thư có đoạn: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu.
Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Giờ đây, khi tôi đang viết những dòng này, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, bền vững và trở thành “điểm sáng” trong “bức tranh tối màu” của nền kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam bình quân giai đoạn 2001 - 2010 tăng 7,26%, giai đoạn 2011 - 2021 đạt khoảng 6% dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tốc độ này đứng thứ nhì châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Khung cảnh cờ hoa rực rỡ trước Dinh Độc Lập chào mừng 49 năm giải phóng miền Nam - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Việt Nam có quan hệ thương mại với 224 đối tác và hơn 500 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương; tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 15 hiệp định đã và đang thực hiện, 2 hiệp định đang trong quá trình hoàn tất đàm phán.
Quan hệ đối ngoại đất nước đi vào chiều sâu và hội nhập quốc tế toàn diện. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng.
Việt Nam cũng đang là thành viên tin cậy, có trách nhiệm của Liên hợp quốc cũng như nhiều tổ chức trong khu vực và quốc tế như ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)... Những thành tựu trong công tác đối ngoại đã góp phần thu hút nguồn ngoại lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, duy trì hòa bình, ổn định, giữ vững an ninh quốc gia; giải quyết hiệu quả các vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước có liên quan, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, thế và lực của đất nước được nâng lên tầm cao mới, trở thành đối tác tin cậy của những cường quốc hàng đầu thế giới. Đây là tiền đề để Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển trong tương lai. Hành trình đổi mới với sự hài hòa giữa ý Đảng với lòng dân, cùng với thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã, đang và sẽ tạo động lực đưa Việt Nam trở nên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như nguyện ước của Bác Hồ.
Khát vọng Hòa bình và Thống Nhất mà cả dân tộc đằng đẵng chờ đợi đã trở thành hiện thực. Người dân cả nước hôm đó ào ra đường để chào đón Hòa bình trong niềm hân hoan khó tả.