Ngày 28-10 hằng năm là ngày truyền thống của đội ngũ những người công nhân cao su Việt Nam. Đó cũng là ngày in dấu ấn lịch sử không thể quên của nhân dân Bình Phước với sự kiện chi bộ Đảng đầu tiên mang tên “Phú Riềng Đỏ” được thành lập. 92 năm đã đi qua (28/10/1929 – 28/10/2021), Phú Riềng Đỏ là một địa danh lịch sử trên đất nước ta đã góp phần tô thắm thêm truyền thống đấu tranh giữ nước. Phú Riềng Đỏ mãi mãi trở thành niềm tự hào trong những trang sử vàng của Bình Phước và dân tộc Việt Nam.
Trong quá trình phát triển các đồn điền cao su của tư bản Pháp, dưới sự hỗ trợ của bộ máy chính quyền thuộc địa, bọn chủ Tây đã bóc lột thậm tệ và tàn nhẫn sức lao động của những người công nhân cao su Việt Nam. Lúc bấy giờ người ta thường ví đồn điền cao su ở miền Đông Nam bộ nói chung và Phú Riềng nói riêng như “địa ngục trần gian”, nơi mà mỗi cây cao su mọc lên là có một người công nhân Việt Nam ngã xuống. Công nhân cao su Phú Riềng hồi đó có câu vè: “Lỡ lầm vào đất cao su/ Chẳng tù thì cũng như tù chung thân”. Tuy vậy, “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, chân lý ấy đã thể hiện rất rõ ở đội ngũ công nhân ngành cao su Việt Nam ngay từ khi mới ra đời.
Tại vùng đất Phú Riềng Đỏ cách đây 92 năm (đêm 28, rạng ngày 29/10/1929), khu rừng bên suối đá Làng 3 đồn điền Thuận Lợi (nay là Đội 3 Nông trường cao su Tân Thành thuộc Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú) đã diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng, có tính lịch sử của Đảng và giai cấp công nhân Cao su Việt Nam. Đó là sự kiện Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập - Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ, một trong những chiếc nôi đầu tiên của phong trào đấu tranh cách mạng.
Công nhân cao su dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia Phú Riềng Đỏ trên địa bàn ấp Thuận Phú 2, xã Thuận Phú (Đồng Phú) - Ảnh: Báo Bình Phước online
Vào ngày 3/2/1930, hơn 5.000 phu cao su dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đã nổi dậy làm chủ đồn điền cao su Phú Riềng trong hơn 1 tuần lễ. Sự kiện này không chỉ gây rúng động Nam Kỳ, vang tới tận Paris (Pháp), mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với đội ngũ công nhân, trong đó có công nhân cao su Phú Riềng trong những năm 30 của thế kỷ trước.
Cuộc tổng bãi công của công nhân cao su Phú Riềng đấu tranh anh dũng trong 8 ngày và đã giành thắng lợi to lớn, ảnh hưởng rộng rãi và để lại những bài học sâu sắc, làm rung chuyển cả hệ thống địa ngục cao su ở Đông Dương. “Phú Riềng đỏ” đó không chỉ là nỗi khiếp sợ của bọn chủ đồn điền, là nỗi ám ảnh của thực dân Pháp, mà còn là niềm cổ vũ, tự hào vô song của đội ngũ công nhân cao su.
Từ đó, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát triển mạnh hơn, nhất là phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền cao su. Từ cuối năm 1930 và năm 1938, công nhân cao su trong các đồn điền: Quản Lợi, Xa Trạch, Xa Cát, Lộc Ninh, Đa Kia... lần lượt nổi dậy đấu tranh trực diện với chủ đồn điền đòi quyền dân sinh, dân chủ trong các đồn điền, buộc các chủ đồn điền phải giải quyết những yêu sách chính đáng của công nhân.
Từ chiếc nôi “Phú Riềng đỏ” đã ươm mầm giáo dục và rèn luyện nên biết bao tấm gương đấu tranh bất khuất, hy sinh kiên cường của các thế hệ công nhân cao su, làm rạng rỡ những trang truyền thống vẻ vang của ngành cao su Việt Nam. Truyền thống đó sẽ mãi mãi được hun đúc, mãi mãi bền vững nhờ có tinh thần “Phú Riềng đỏ” với lập trường kiên định một lòng đi theo con đường Bác Hồ đã lựa chọn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.
Phú Riềng Đỏ không chỉ có sức ảnh hưởng đến riêng công nhân cao su đồn điền, mà còn có tác động mạnh mẽ đến đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đất này, giúp công nhân và đồng bào dân tộc trở nên gắn kết và họ ý thức tinh thần dân tộc, một lòng kiên trì với cuộc đấu tranh, cùng nhân dân cả nước chuẩn bị từng bước cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.
Sáng 27/10/2021, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã tổ chức lễ dâng hương tại tượng đài Phú Riềng Đỏ nhân kỷ niệm 92 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và Ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam.
124 năm cây cao su Việt Nam, 92 năm truyền thống “Phú Riềng đỏ” là những mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng bởi ý chí quyết tâm và nghị lực phi thường, là điểm tựa, kết nối hàng chục ngàn trái tim yêu nước của thế hệ công nhân cao su. Lịch sử vẻ vang ấy cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, là di sản quý báu, bất tử để thế hệ người thợ cao su hôm nay kế thừa, tích cực lao động, sáng tạo trên con đường hội nhập và phát triển.
Năm tháng sẽ qua đi, thế hệ nối tiếp thế hệ, ngành cao su hôm nay, người thợ cao su hôm nay luôn khát vọng về một ngành cao su Việt Nam phát triển bền vững, đời sống công nhân ấm no hạnh phúc. Để vươn cao, vươn xa hơn hãy đoàn kết chung sức chung lòng, hãy ngân lên bản anh hùng ca – “Phú Riềng đỏ” đạp bằng mọi gian lao, thách thức, sáng tạo, bứt phá để cao su là “Dòng chảy cuộc sống”.
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Phước rất tự hào, vì tỉnh có chi bộ Cộng sản được thành lập đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ từ phong trào đấu tranh của đội ngũ công nhân cao su. Trong sự phát triển của tỉnh, nhất là từ khi được tái lập năm 1997, cây cao su trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của tỉnh với hơn 230 nghìn ha, đứng đầu cả nước về diện tích trồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 04 công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, 02 công ty cao su thuộc tỉnh quản lý, với hơn 70 nghìn ha. Các doanh nghiệp cao su nhà nước trên địa bàn tỉnh giải quyết việc làm cho gần 20 nghìn lao động. Thu nhập bình quân đầu người từ 5,5 triệu đồng đến 9,5 triệu đồng/tháng. Đối với thu ngân sách tỉnh, ngành cao su đóng góp rất lớn, có giai đoạn chiếm 25%, hiện nay khoảng 8 - 10%, đã và đang là một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Bình Phước.
Bên cạnh đó, ngành cao su còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tham gia xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường và Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Lê Thanh Hưng trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng; ngày truyền thống ngành Cao su Việt Nam (28/10/1929 - 28/10/2021) và tổng kết, trao thưởng các hoạt động chào mừng
“Phú Riềng đỏ”, mạch nguồn ấy là nguồn sức mạnh, là nền tảng động lực tinh thần to lớn đang được thế hệ người thợ hôm nay tiếp tục bồi đắp, tạo nên những kỳ tích mới, với quyết tâm mãnh liệt hiện thực hóa khát vọng đưa ngành cao su Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn thành Tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước, mãi mãi tỏa sáng cùng non sông đất nước.
Kỷ niệm 92 năm truyền thống ngành cao su, chúng ta càng nhận thức sâu sắc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử trọng đại, càng hiểu rõ giá trị lịch sử, giá trị truyền thống, thực tiễn sâu sắc mà “Phú Riềng đỏ” mang lại. Mỗi chúng ta càng tự hào sự nghiệp cách mạng của các thế hệ công nhân cao su Việt Nam chiến đấu và chiến thắng, tự hào về tầm vóc, những thành tựu to lớn mà ngành cao su đã đạt được và tin tưởng ngành cao su phát triển bền vững trong một đất nước Việt Nam giàu mạnh hùng cường. Trải qua lịch sử 92 năm, Phú Riềng Đỏ là một địa danh lịch sử trên đất nước ta đã góp phần tô thắm thêm truyền thống đấu tranh cách mạng vì độc lập tự do của dân tộc. Phú Riềng Đỏ mãi mãi trở thành niềm tự hào, là trang sử vàng của nhân dân Bình Phước và của công nhân ngành Cao su Việt Nam.
Tác giả bài viết: Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc