Thành tựu sau 25 năm tái lập tỉnh là kết tinh sức mạnh đoàn kết, ý chí phấn đấu, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên

Thứ ba - 30/11/2021 09:37 1.384 0
Tỉnh Bình Phước sau 25 năm tái lập (01/01/1997-01/01/2022) là một giai đoạn lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh nhà; đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh.
Trên cơ sở phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đổi mới, khát vọng vươn lên và bền bỉ phấn đấu, tỉnh Bình Phước đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đời sống văn hóa tinh thần phát triển tương ứng với sự cải thiện đời sống vật chất của Nhân dân

Kinh tế phát triển kéo theo mọi mặt của đời sống xã hội có bước chuyển biến rõ nét, tương đối toàn diện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phát triển rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có trên 94,25% số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; có 92,29% khu dân cư được công nhận văn hóa; có 851/861 thôn có Nhà văn hóa (trong đó, 372/851 Nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định); 100% thôn (ấp) đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa cộng đồng.

Các hoạt động văn hóa ở cơ sở được khơi dậy, nhiều câu lạc bộ văn nghệ, thể dục - thể thao được hình thành. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, di sản văn hóa được chú trọng; khu Di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Tà Thiết); khu di tích núi Bà Rá và Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Stiêng Sóc Bom Bo được tôn tạo, nâng cấp, phát huy giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc. Những lễ hội, nhất là các lễ hội truyền thống của đồng bào Stiêng, Khơme, Mơnông... được phục dựng.
 

Các đại biểu cắt băng nghi thức khai mạc triển lãm ảnh và phim phóng sự - tài liệu về cộng đồng ASEAN diễn ra tại tỉnh Bình Phước
 

Các sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phục vụ nhu cầu, thị hiếu phong phú, đa dạng hơn. Đến nay, Bình Phước có 2 cơ quan báo chí (Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước; Tạp chí Văn nghệ Bình Phước), có đủ 4 loại hình báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử, với nhiều chuyên mục, chương trình sinh động, đảm bảo đúng định hướng, bổ ích, thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu thông tin, giải trí của Nhân dân. Trong đó, Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước đã có sự phát triển đầy đủ những loại hình truyền thông đa phương tiện, hiện đại, tạo mạng lưới thông tin rộng khắp ở các vùng, miền, góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời, sinh động, hấp dẫn đến với mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh và liên kết ra các tỉnh bạn.

Người có công với đất nước và các nhóm yếu thế được quan tâm, tạo điều kiện vươn lên có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc

Chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công luôn được các cấp, các ngành ở Bình Phước quan tâm tập trung chỉ đạo, giải quyết tốt theo quy định.

Toàn tỉnh hiện đang quản lý 28.373 hồ sơ các đối tượng chính sách, gồm: 5.267 hồ sơ của người hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng và 23.243 hồ sơ hưởng trợ cấp 01 lần. Hồ sơ thuộc đối tượng người có công với cách mạng 24.492 hồ sơ, trong đó, có 5.098 trường hợp đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. 25 năm qua, toàn tỉnh đã có gần 20.000 lượt người có công được đi điều dưỡng. 100% người có công được mua thẻ bảo hiểm y tế. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có được sự hưởng ứng và đóng góp tích cực của toàn xã hội. Toàn tỉnh đã vận động xây dựng, sửa chữa trên 2.700 căn nhà tình nghĩa, trị giá trên 60 tỷ đồng. Từ giai đoạn 2016 đến nay, tỉnh đã xây dựng và sửa chữa được 483 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền trên 17 tỷ đồng, trong đó, có 223 căn được xây mới với số tiền gần 12 tỷ đồng và 260 căn được sửa chữa với số tiền trên 5,2 tỷ đồng; tặng gần 1.100 sổ tiết kiệm tình nghĩa, trị giá gần 1,2 tỷ đồng. Hiện nay, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận phụng dưỡng 48 đối tượng người có công, trong đó có 18 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với mức phụng dưỡng từ 300 ngàn đến 2 triệu đồng/người/tháng. Công tác cất bốc hài cốt liệt sỹ hy sinh trên chiến trường Campuchia qua các thời kỳ đã được Đội K72 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai thực hiện, từ năm 2002 đến nay trải qua 19 giai đoạn, cất bốc được 2.701 hài cốt, trong đó, có 95 hài cốt đã xác định tên liệt sỹ.

Với những việc làm thiết thực và hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người có công trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Bản thân các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công cũng phát huy nội lực, phấn đấu vươn lên và tiếp tục cống hiến cho địa phương. Đã xuất hiện rất nhiều tấm gương thương, bệnh binh tiêu biểu, thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Năm đầu mới tái lập, toàn tỉnh còn gần 18% hộ đói nghèo, đến năm 2000 đã cơ bản xóa được hộ đói. Các chương trình, chính sách về giảm nghèo bền vững và hỗ trợ hộ cận nghèo được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đạt hiệu quả. Hầu hết các hộ đều sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Bình quân mỗi năm giảm được 1,3% hộ nghèo, đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới trên địa bàn tỉnh là 1,34%.

Đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo được chăm lo tốt về đời sống vật chất và tinh thần

Bình Phước là tỉnh có vị trí tiếp giáp với Tây Nguyên, cũng là một trong những địa bàn mà các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Vì vậy, công tác triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo đã được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả.
 

Ðồng bào S’tiêng múa chiêng, đánh gậy tại lễ hội tổ chức ở trảng cỏ Bù Lạch, huyện Bù Ðăng

Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã cơ bản giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới. Tỉnh đặc biệt chú trọng công tác định canh, định cư, quy hoạch, sắp xếp, phân bổ một cách hợp lý dân cư, nguồn nhân lực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Các chính sách về tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm. Tính đến tháng 6/2021, toàn tỉnh hiện có 9 tôn giáo được Nhà nước công nhận, có hơn 243.650 tín đồ, chiếm gần 25% dân số toàn tỉnh; có hơn 2.500 chức sắc, chức việc; và 365 cơ sở  thờ tự tôn giáo. Các hoạt động tôn giáo cơ bản theo quy định của pháp luật, những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được phát huy, tôn trọng. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo được thực hiện tốt, đồng bào tôn giáo phấn khởi, đánh giá rất cao, nên tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thực hiện các quy định của Nhà nước về sinh hoạt tôn giáo, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Y tế có nhiều tiến bộ, từng bước hướng đến mục tiêu vì Nhân dân phục vụ

 Ngày mới tái lập, ngành y tế Bình Phước gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất xuống cấp; đội ngũ cán bộ thiếu, chưa đạt chuẩn về trình độ. Trang thiết bị lạc hậu trong khi đó nhu cầu khám - chữa bệnh của Nhân dân ngày càng tăng, nhiều bệnh dịch mới, lạ, nguy hiểm phát sinh.

Năm 1997, tổng số cán bộ, nhân viên toàn ngành y tế tỉnh là 997 người, có 2,2 bác sĩ/vạn dân, 11 giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ trạm y tế cấp xã có bác sĩ đạt 12,5%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trên 38%. Tuyến tỉnh chưa có bệnh viện đa khoa; tuyến huyện có 5 trung tâm y tế huyện, 5 bệnh viện với 380 giường bệnh, 2 phòng khám đa khoa khu vực (Thanh Hòa, Chơn Thành). Đến năm 1999, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thành lập, trên cơ sở chia tách Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Phú, đội ngũ y, bác sĩ ban đầu là 20 người với 200 giường bệnh.
 

Tỉnh Bình Phước tổ chức khánh thành công trình nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, được nâng cấp thành 600 giường bệnh
 

Đến cuối tháng 9/2021, toàn tỉnh có 2 bệnh viện tuyến tỉnh, (trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được nâng cấp từ quy mô 300 giường lên 600 giường và Bệnh viện Y học cổ truyền dân tộc tỉnh hiện đang tiếp tục được đầu tư mở rộng); có 11 Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện với tổng số giường bệnh gần 2.080 giường, gấp 10,4 lần so với năm 1997; 1 Bệnh viện tư nhân Hoàn Mỹ, 1 Bệnh viện quân - dân y Binh đoàn 16 và hơn 420 phòng khám công lập và tư nhân.
 

Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế không ngừng lớn mạnh với trên 3.875 người, có 8,5 bác sĩ/vạn dân, 28,5 giường bệnh/vạn dân, công suất sử dụng giường bệnh trung bình đạt 65%. Tỷ lệ trạm y tế cấp xã có bác sĩ đạt 95%. 97,2% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy sinh dưỡng còn 13,2%, giảm 3 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Cùng với việc chú trọng nâng cao đạo đức đội ngũ y, bác sĩ, chất lượng khám và điều trị bệnh cho Nhân dân từng bước được nâng cao. Công tác y tế dự phòng luôn được quan tâm thực hiện, Bình Phước đã cơ bản khống chế, dập được những bệnh dịch nguy hiểm, những bệnh đặc thù của địa phương như sốt rét, bướu cổ, bạch hầu; loại trừ được bệnh đậu mùa, thanh toán bại liệt. Các bệnh dịch truyền nhiễm như uốn ván, ho gà, sởi, tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh đều giảm.
 

Phải phát huy cao độ cốt cách tinh hoa của người Bình Phước cần cù và thông minh, từ đó xây dựng nên một thế hệ người Bình Phước có ý chí và khát vọng dựng xây quê hương. Chính vì thế mà những thành tựu to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đạt được trong 25 năm qua là cơ sở, nền tảng, sức mạnh và động lực thúc đẩy tỉnh nhà bứt phá, vươn lên tiếp cận và hòa mình vào sự phát triển chung của cả nước.

(Tổng hợp theo Đề cương tuyên truyền 25 năm ngày tái lập tỉnh Bình Phước)

Tác giả bài viết: Minh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây