Truyền thông quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Bình Phước

Thứ bảy - 07/09/2024 20:19 591 0
Ngày 6/5, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định số 755/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng, truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước năm 2024, 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Riêng năm 2024, Bình Phước tập trung thực hiện chủ đề Truyền thông quảng bá thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước”.  
Đề án đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cơ bản tạo ra được hệ thống nhận diện về hình ảnh tỉnh Bình Phước đặc trưng, bản sắc và được truyền tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong và ngoài nước; giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong nước, quốc tế dễ dàng nhận biết về Bình Phước.

Bước đầu có chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và phát triển được hình ảnh về Bình Phước là điểm đến hấp dẫn của du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước; hình ảnh một tỉnh năng động, phát triển nhanh và bền vững, có nhiều triển vọng phát triển; chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng biên giới với đô thị trong tỉnh; tăng cường kết nối vùng; tích cực xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước chuyển dần sang chính quyền số.

Mục tiêu đến năm 2030, cơ bản xây dựng và phát triển được hình ảnh về Bình Phước là điểm đến hấp dẫn; tiếp tục xây dựng chính quyền Bình Phước thân thiện, cầu thị, minh bạch, mang tinh thần phục vụ nhân dân, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, thủ tục thông thoáng,...

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng đến cộng đồng quốc tế, bạn bè trong nước là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Với ưu thế có khả năng tiếp cận và tác động đến một lượng lớn công chúng của mình, báo chí Bình Phước và ngành thông tin, truyền thông đã trở thành kênh tuyên truyền hiệu quả và tin cậy trong việc truyền tải thông tin về văn hóa, quảng bá hình ảnh địa phương, sự đa dạng bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống tại tỉnh.

Với vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, thời gian qua, ngành thông tin truyền thông nói chung, mặt trận báo chí tuyên truyền nói riêng, đã góp phần rất lớn trong việc định hướng, tuyên truyền, lan tỏa các chuẩn mực văn hóa trong xã hội, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người mới theo nội dung cơ bản trong Nghị quyết số 33 NQ/TW của Ban Chấp hành TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đó là “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
Bình Phước sẽ là điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư và trở thành nơi an toàn, văn minh
 
Qua các bài báo, phóng sự, chương trình văn hóa, báo chí có thể giới thiệu, lan tỏa các giá trị văn hóa từ truyền thống đến hiện đại, giúp công chúng hiểu và yêu quý nền văn hóa của dân tộc. Không chỉ vậy, báo chí với các dạng thức khác nhau như báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh, giúp đưa các giá trị văn hóa đến với mọi tầng lớp xã hội, từ đô thị đến nông thôn, từ trong nước đến quốc tế.

Đặc biệt tuyên truyền về Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước năm 2030, định hướng đến năm 2045, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập; vừa đậm đà giá trị văn hóa của dân tộc, vừa giàu có bản sắc của địa phương. Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; đồng thời phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là “hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo”.

Về hình thức truyền thông, ngày càng đổi mới, sáng tạo. Cụ thể là các cơ quan báo chí của tỉnh, Cổng TTĐT tỉnh và cổng/trang TTĐT của các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, hấp dẫn như: infographics (thông tin dưới dạng đồ họa dễ hiểu, thu hút); video, clip ngắn sinh động và kết hợp đăng tải “phủ sóng” trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok, Youtube...); podcast (phát thanh về văn hóa, lịch sử, con người Bình Phước); truyện tranh, truyện ngắn (tạo ra các sản phẩm văn học nghệ thuật gần gũi); báo chí với các bài viết, phóng sự, chuyên đề... được trình bày sinh động, hấp dẫn, kết hợp với hình ảnh, video, âm thanh, đồ hoạ (dạng mega story/longform); truyền hình với các chương trình chuyên đề, phóng sự, phim tài liệu về văn hóa, con người Bình Phước.

Hiện nay, các cơ quan báo chí của tỉnh đã được sắp xếp, kiện toàn theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 với đầy đủ các loại hình báo chí gồm: 02 cơ quan báo chí của tỉnh (Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, Tạp chí Văn nghệ Bình Phước); 02 cơ quan báo chí Trung ương đặt văn phòng đại diện tại tỉnh (Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam); 141 cổng/trang TTĐT, 111 đài truyền thanh xã, phường, thị trấn.

Tính riêng từ khi Nghị quyết số 14-NQ/TU ban hành đến nay, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã thực hiện và phát sóng khoảng trên 300 tin, bài, phóng sự, chuyên đề... liên quan đến văn hóa - con người Bình Phước. Nội dung tập trung về vai trò của văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người, là động lực quan trọng của tiến trình xây dựng đất nước phồn vinh, con người hạnh phúc; Về công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa. Giới thiệu nét đẹp của văn hóa các dân tộc thiểu số; Về vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của  đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong việc giữ gìn và tiếp biến văn hóa.
 
 Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ 2 từ phải qua) và các đồng chí lãnh đạo tham gia các hoạt động văn hoá của đồng bào dân tộc tỉnh Bình Phước

Ngành thông tin và truyền thông còn chủ động cung cấp thông tin trên nền tảng mạng xã hội thông qua các kênh do Sở quản trị như: (1) Cổng thông tin điện tử tỉnh (đã thành lập các trang trên mạng xã hội: fanpage “Binh Phuoc Portal”, Zalo “Bình Phước Today”, Youtube “Binh Phuoc Portal”; mỗi năm có khoảng 3.000 tin bài,  văn bản tuyên truyền về xây dựng, phát triển văn hóa, con người) để lan tỏa sâu rộng thông tin tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân; (2) Sở đã xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống lắng nghe mạng xã hội (Social listening) tại IOC tỉnh, thường xuyên khuyến cáo các cơ quan, đơn vị thực hiện việc đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng; (3) Phối hợp 13 cơ quan báo chí ngoài tỉnh hợp tác truyền thông về quảng bá, thu hút đầu tư, giới thiệu về mảnh đất, con người Bình Phước… trên các ấn phẩm báo chí trung ương; (4) Chỉ đạo chặt chẽ, thận trọng trong việc cấp phép, kiểm tra hậu kiểm việc cấp phép tài liệu không kinh doanh và trưng bày, triển lãm xuất bản (đến nay, Sở đã thực hiện cấp phép hơn 350 xuất bản phẩm liên quan đến công tác xây dựng phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh).

 Bên cạnh đó, Hệ thống Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị, thành phố và hệ thống loa truyền thanh ứng dụng công nghệ IP (843/843 thôn, ấp, khu phố thuộc 111/111 xã, phường, thị trấn của tỉnh với tổng số 1.639 cụm, 3.807 loa) luôn bám sát định hướng, tiếp sóng đầy đủ và phát lại các chương trình, tin, bài của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước tại đại phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, truyền thông hiện đại (báo điện tử và các mạng xã hội) có sức mạnh hết sức đặc biệt, chi phối các trạng thái tâm lý, cảm xúc diễn ra hàng ngày của con người, từng bước gây dựng niềm tin, khát vọng và theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu” sẽ kiến tạo nên đời sống văn hóa tinh thần, tư tưởng, tình cảm, quan điểm chính trị xã hội của công chúng. Hiện tượng “nhiễm độc tinh thần”, bị ám thị, lừa phỉnh bởi tin đồn là chuyện có thật trong xã hội hiện đại. Dường như có những lúc tin đồn chiếm ưu thế trên không gian mạng xã hội. Điều này đã rung lên một hồi chuông “báo động đỏ” về các loại tin nhảm, tin bịa đặt, tin xấu, tin sai… đang làm vẩn đục bầu không khí tinh thần xã hội, làm vẩn đục tâm hồn trong sáng của trẻ em. Chính vì vậy, trong thời gian qua, nhà trường, gia đình và truyền thông Nhà nước luôn luôn nỗ lực kiến tạo và khơi thông dòng chảy thông tin trong lành, đúng đắn nhằm mục đích giáo dục, rèn luyện nhân cách.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đổi mới về nội dung và hình thức các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích sự sáng tạo trong công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án... nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và mỗi người dân về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương trong các nhà trường... Tiếp tục tuyên truyền về các nội dung trọng tâm, như xây dựng văn hóa kinh tế, văn hóa sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, văn hóa học đường, văn hóa công vụ...

Ba là, Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số; phù hợp với điều kiện thực tiễn trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng và phát triển văn hóa truyền thông, trong đó bao hàm mọi lĩnh vực của hoạt động truyền thông, truyền thông đại chúng, truyền thông mới và văn hóa số. Trong xây dựng và phát triển văn hóa truyền thông, cần phải xây dựng và phát triển nhân tố chủ thể con người tham gia truyền thông. Từng bước tạo ra các sản phẩm truyền thông có chất lượng, phù hợp chuẩn mực Chân - Thiện- Mỹ.

Bốn là, đề cao và phát huy vai trò tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh tới cơ sở trong việc tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Hiền Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây