Bình Phước có 40 dân tộc thiểu số sinh sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, với dân số là 203.519 người chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh; đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp, tập trung ở địa bàn các xã miền núi, vùng sâu, vùng biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh và môi trường sinh thái.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh có 58 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), trong đó có 05 xã và 25 thôn đặc biệt khó khăn của xã khu vực I, II.
Tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, công tác an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện tốt. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, cùng nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc được các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào DTTS từng bước cải thiện nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thóat nghèo bền vững. Đời sống văn hóa tinh thần của các DTTS được quan tâm; Tết, Lễ hội truyền thống được duy trì, bảo tồn và phát huy. Khối đoàn kết dân tộc, thế trận lòng dân được củng cố, trật tự an toàn xã hội, an ninh - chính trị được giữ vững. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được đảm bảo, hệ thống giao thông kết nối các vùng, hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh thông suốt; các công trình thủy lợi, điện, nước được tập trung đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và cơ cấu lao động theo hướng tích cực, năng lực sản xuất dần được nâng cao.
Công tác tuyên truyền về việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong xây dựng văn hóa đa dạng, bản sắc và hội nhập
Trước sự phát triển của Internet và hội nhập quốc tế hiện nay, nguy cơ mai một văn hóa truyền thống của dân tộc, nhiều dân tộc đã không còn giữ được chữ viết, tiếng nói, trang phục,.... Tình trạng thương mại hóa, biến tướng, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi... có chiều hướng gia tăng. Giới trẻ không còn mặn mà với văn hóa truyền thống của dân tộc mình... Một trong những thách thức của toàn cầu hóa hiện nay là một bộ phận thanh niên muốn “chạy theo” luồng văn hóa mới từ bên ngoài vào. Do bản lĩnh còn chưa vững vàng nên dễ bị tiêm nhiễm và đua đòi, ăn chơi dẫn đến bỏ quên, thậm chí coi thường văn hóa dân tộc, làm cho văn hóa dân tộc thiểu số mất chỗ đứng trong bản thân họ và nguy hiểm hơn là, họ “quay lưng” với văn hóa truyền thống.

Lễ hội Mừng lúa mới dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Ảnh: Anh Tuấn
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 40 thành phần dân tộc thiểu số, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có văn hóa độc đáo, có phong tục tập quán phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, có giá trị vật chất và tinh thần cao. Tuy nhiên, trước tác động của hội nhập sâu rộng hiện nay, nguy cơ bị đồng hóa, mai một, thậm chí là mất bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các DTTS đang hiện hữu hơn bao giờ hết. Văn hóa, phong tục và tập quán là linh hồn của người DTTS. Đây cũng là một trong các đặc trưng quan trọng để xác định thành phần các dân tộc. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các DTTS trở nên cấp bách, nhằm không ngừng nâng cao đời sống về mọi mặt của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Trước thực tế có nhiều lễ hội, di sản văn hóa có nguy cơ mai một, những năm qua, tỉnh Bình Phước đã huy động các nguồn lực để triển khai nhiều giải pháp khôi phục. Hiện nay, tỉnh đang tranh thủ nguồn đầu tư hỗ trợ từ Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ 2021 - 2025, để đầu tư, lưu giữ và tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS.
Nhiều năm nay, các sự kiện, Lễ hội mừng lúa mới của người S’tiêng, Lễ kết bạn cộng đồng của người M’nông, Lễ hội lồng tồng của người Tày, Nùng..., liên hoan văn nghệ, dân ca, dân nhạc, dân vũ, cồng chiêng; các lớp truyền dạy cồng chiêng và dân ca truyền thống dân tộc cũng như các hoạt động hỗ trợ trang phục, cồng, chiêng... cho các địa phương vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh được tổ chức, duy trì thường xuyên, nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc…
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến để đồng bào DTTS nâng cao nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa. Ban Dân tộc đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn gắn với phát triển du lịch. Đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến các văn bản của cấp trên về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; triển khai lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các cuộc vận động, các phong trào như:
Hàng năm, tổ chức tập huấn triển khai chính sách, pháp luật về công tác dân tộc cho CBCC làm công tác dân tộc các cấp; cán bộ xã, thôn ấp, già làng, người có uy tín và cộng đồng người dân ở các xã, thôn ấp đặc biệt khó khăn. Trong thời vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức trên 160 hội nghị tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho hơn 9.400 lượt người là báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, cán bộ thôn ấp, già làng, người có uy tín trong cộng đồng DTTS.
Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước tỉnh xây dựng nhiều phóng sự; truyền thông qua đưa tin, phóng sự về các hoạt động liên quan đến công tác dân tộc, hoạt động lễ hội của các đồng bào DTTS... Xây dựng, thực hiện đăng tin, bài, File Media, Video Clip về các thông tin hoạt động liên quan đến hoạt động công tác dân tộc trên Website Ban Dân tộc; gửi đăng tin, bài về công tác dân tộc trên Báo Bình Phước, Website: Ban Dân vận, Liên đoàn Lao động, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tỉnh đoàn, Liên đoàn lao động tỉnh... Tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh và các hình thức khác như: Biên soạn tờ rơi, tờ gấp, sổ tay tuyên truyền...
Ngoài ra, Ban Dân tộc còn thực hiện 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về: “Nghiên cứu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống của đồng bào S'tiêng tỉnh Bình Phước” và “Vai trò của già làng, người có uy tín trong phát triển bền vững vùng DTTS tỉnh Bình Phước”. Trong quá trình thực hiện đã tuyên truyền vận động đồng bào S'Tiêng nói riêng, các DTTS bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tham gia thành viên Ban giám khảo cuộc thi viết tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo trong Công đoàn viên chức tỉnh, do Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Tham gia các Hội đồng nghiên cứu khoa học về dân tộc, công tác dân tộc.
Qua các hoạt động trên, đã cổ vũ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, tạo bước chuyển biến trong nhận thức của đồng bào DTTS về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa, du lịch, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhiệm vụ và giải pháp
Công tác tuyên truyền về việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thời gian tới cần trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng đối tượng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn. Vận dụng linh hoạt, có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Nhà nước để khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa gắn với giữ gìn, bảo tồn, thu hút đầu tư để phát triển du lịch. Gắn việc bảo tồn phát huy giá trị, bản sắc văn hóa tộc người với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay.
Hai là, tuyên truyền phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là nghệ nhân dân gian trong việc phục hồi, trao truyền, duy trì hoạt động các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc; có hình thức động viên cụ thể để họ gắn bó và phát huy vốn tri thức vô giá cho các thế hệ hôm nay. Với vốn hiểu biết phong phú, nhất là về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc, trưởng dòng họ, già làng, trưởng bản, đặc biệt là nghệ nhân dân gian, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, tích cực đi đầu trong việc động viên con cháu phấn đấu vươn lên trong học tập, vận động đồng bào tham gia quỹ khuyến học, xây dựng gia đình, dòng họ khuyến học, góp phần nâng cao hiểu biết, trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số; vận động nhân dân quyên góp tiền, ngày công xây dựng nhà văn hóa, phát huy, giữ gìn phong tục, truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, cùng chung sức giữ gìn tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian, các món ăn, bài thuốc và nghệ thuật trình diễn dân gian.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thông tin, tuyên truyền. Để công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả cao, người làm công tác tuyên truyền phải hiểu rõ, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề, nội dung cần tuyên truyền; trong đó, chú trọng nội dung, cách thức tuyên truyền đối với từng đối tượng theo hướng ngắn, gọn, dễ hiễu, dễ làm; lựa chọn những vấn đề sát với đời sống, sản xuất và giải quyết các vấn đề bức xúc của đồng bào. Bên cạnh đó, chính quyền cần quan tâm đầu tư về phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền gắn với chính sách khen thưởng, động viên, chia sẻ đối với các lực lượng làm công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS.
Bốn là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy tính tự lực, tự cường của đồng bào, tạo điều kiện bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại, lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian...; duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc; phục hồi, phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; khôi phục, nâng cao các lễ hội truyền thống, bài trừ hủ tục lạc hậu có hại đến đời sống văn hóa của đồng bào DTTS; chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức hoạt động lễ hội; duy trì, phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống đồng bào DTTS, các tri thức dân gian khác.
Năm là, hàng năm tổ chức tốt các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ gắn với thi trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Lựa chọn các sản phẩm đặc sắc của các dân tộc để trình diễn, giới thiệu quảng bá. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa các dân tộc trong tỉnh; đồng thời tăng cường giao lưu với các tỉnh bạn, tạo điều kiện cho văn hóa văn nghệ, thể thao nhân dân các dân tộc phát triển. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sâu rộng các giá trị văn hóa và việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, tiếp tục nghiên cứu sưu tầm câu chuyện cổ, các phong tục tập quán truyền thống văn hóa, các nhạc cụ, các làn điệu dân ca truyền thống của các dân tộc đã bị mai một.