Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ  và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay

Thứ tư - 19/03/2025 20:26
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, cũng là người mở đầu sự nghiệp đào tạo cán bộ bằng những lớp huấn luyện đầu tiên vào những năm 1925-1926 tại Quảng Châu (Trung Quốc). Người đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ cách mạng. Từ  năm 1924, khi còn đang hoạt động cách mạng ở Trung Quốc, Người đã quan tâm tới việc bồi dưỡng lý luận cách mạng cho một bộ phận thanh niên ưu tú của phong trào yêu nước Việt Nam, tổ chức được nhiều lớp huấn luyện cho các nhà cách mạng trẻ tuổi với sự tham gia của nhiều thanh niên tiến bộ, như Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu… Những người đó sau này đã trở thành những người cộng sản nòng cốt, hạt nhân của phong trào cách mạng Việt Nam và nhiều người trong số họ là sáng lập viên của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.

Lực lượng cách mạng được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh dìu dắt, giáo dục và huấn luyện đã thành công trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, kết hợp với phong trào yêu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác đã làm nên thắng lợi lịch sử tháng Tám năm 1945. Cách mạng thành công, Người tiếp tục quan tâm tới việc huấn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ để giữ vững chính quyền cũng như xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân vững mạnh.

Trong công tác huấn luyện cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những vấn đề cốt yếu, như: Huấn luyện làm gì? Huấn luyện ai? Ai huấn luyện? Huấn luyện cái gì? Huấn luyện như thế nào? Tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, phải coi trọng công tác huấn luyện cán bộ, coi huấn luyện là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác cán bộ. Mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ xuất phát từ nhận thức sâu sắc của Người về tầm quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ trong sự nghiệp cách mạng.

Người cho rằng: “Vô luận việc gì đều do người làm ra cả, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”, vì vậy, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”[1].

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Chính vì vậy, để đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng, cần phải có một đội ngũ cán bộ cách mạng vững mạnh, kiên định về lập trường, quan điểm, đồng thời phải nắm được lý luận, tinh thông nghiệp vụ, hội tụ đủ cả tài và đức, “vừa hồng, vừa chuyên”.

 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các giáo sư, cán bộ giảng dạy các trường ĐH và THCN (12/1958). Ảnh tư liệu
 
Xuất phát từ tầm quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ như vậy, Người khẳng định: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Người căn dặn: “Các cơ quan cần rất chú ý tới việc huấn luyện cán bộ”[2].

Thứ hai, mục đích của huấn luyện cán bộ là để vận dụng lý luận vào thực tiễn công việc. Người chỉ ra rằng mục đích của việc đi học là để “làm việc, làm người, làm cán bộ”. Như vậy, không phải mục tiêu đầu tiên và duy nhất của việc học là “để làm cán bộ” mà trước hết, cần phải học, có được nhận thức để “làm việc” và “làm người” đã. Chỉ khi nào người học xác định được động cơ và mục tiêu học tập đúng đắn như vậy thì việc học tập của họ mới đạt tới yêu cầu cần thiết của công tác huấn luyện.

Trước hết, Người luôn đề cao việc học tập lý luận, xem “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Tuy nhiên, Người căn dặn: “Thống nhất giữa lý luận với thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn thì là lý luận suông… Lý luận không phải là cái gì cứng nhắc, nó đầy tính sáng tạo; lý luận luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động”. Như vậy, học tập lý luận phải gắn liền với thực tiễn, nắm được lý luận là để vận dụng vào thực tiễn, cải biến thực tiễn cho tốt hơn. Người dặn: “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông”.

Một trong những mục tiêu của việc học đã được Người chỉ rõ là “học để hành”. Điều đó có nghĩa là học tập nhằm trang bị những kiến thức cần thiết để nâng cao chất lượng hành động thực tiễn của người cán bộ. Việc gắn liền lý luận học được với thực tiễn cuộc sống không những kích thích người học ham học hơn mà còn giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn trong thực tiễn vốn phức tạp và đa dạng.

Người đặt ra yêu cầu: “Làm việc gì học việc nấy”. Để gắn lý luận với thực tiễn thì không thể chỉ dùng các giáo viên chuyên nghiệp mà “những cơ quan lãnh đạo và những người phụ trách phải có kế hoạch dạy cho cán bộ trong môn của mình”.

Thứ ba, Huấn luyện cán bộ phải lấy chất lượng làm trọng. Trong khi đề cập tới yêu cầu của công tác huấn luyện và học tập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới chất lượng của việc đào tạo và huấn luyện.

Người chỉ rõ, trong công tác huấn luyện cán bộ, khuyết điểm chung là tham làm nhiều mà không chu đáo, không biết “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Rõ ràng nhất là trong việc mở lớp huấn luyện tràn lan, số lượng quá đông khiến cho chất lượng của việc đào tạo và huấn luyện giảm sút. Người giải thích nguyên nhân thiếu cán bộ là: “Vì việc huấn luyện còn hữu danh vô thực, làm chỉ cốt nhiều mà không thiết thực”.

Những khiếm khuyết chủ yếu dẫn tới chất lượng huấn luyện chưa bảo đảm là “lớp quá đông” và “mở lớp lung tung”. Người nói: “Quá đông thì dạy và học ít kết quả vì trình độ lý luận của người học chênh lệch nên thu nhận không đều. Trình độ công tác thực tế của người học cũng khác nhau nên chương trình không sát”. Việc mở nhiều trường, nhiều lớp chồng chéo, trùng lắp được Người gọi là “dịch mở trường”.

Người chỉ rõ: “Vì mở nhiều lớp nên thiếu người giảng. Thiếu người giảng thì học viên đâm chán nản. Thiếu người giảng thì phải đi “bắt phu”, vì thế người đến giảng khi nào cũng hấp tấp, lướt qua lớp này một chút, lớp khác một chút như chuồn chuồn đạp nước, dạy không được chu đáo. Thiếu người giảng thì thường khi lại phải “bịt lỗ”, người “bịt lỗ” năng lực kém, nói sai, có hại cho học sinh, nghĩa là có hại cho đoàn thể”.

Nhìn nhận việc đào tạo và huấn luyện cán bộ hiện nay của chúng ta, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, những bất cập chủ yếu như bệnh thành tích, chạy đua theo số lượng, bằng cấp, ít chú trọng tới chất lượng đang có xu hướng gia tăng. Vì vậy, những yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo đảm chất lượng cho việc huấn luyện và đào tạo, “làm ít nhưng làm cho hẳn hoi” vẫn còn mang đậm tính thời sự và hết sức cần thiết.

Thứ tư, nội dung và phương pháp huấn luyện phải phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Trả lời cho câu hỏi “Huấn luyện ai?”, Người đã xác định rõ 4 đối tượng cần được đào tạo là: cán bộ đảng, đoàn viên của đoàn thể, cán bộ chuyên môn của chính quyền và cả nhân dân.

Những nội dung chủ yếu được đề cập bao gồm: huấn luyện nghề nghiệp (chuyên môn); huấn luyện chính trị; huấn luyện văn hóa và huấn luyện lý luận. Những nội dung này phải được chuyển tải phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, phù hợp. Tài liệu huấn luyện phải được chuẩn bị kỹ. Người đề nghị: “Các tài liệu huấn luyện phải do cơ quan lãnh đạo xét kỹ”.

Câu hỏi “Huấn luyện như thế nào?” (về phương pháp huấn luyện) được Người đề cập cũng như trực tiếp sử dụng trong huấn luyện cán bộ rất thiết thực, đa dạng và phong phú, thể hiện một phương pháp huấn luyện cán bộ rất độc đáo, dễ hiểu, dễ nhớ và phù hợp với các đối tượng học viên khác nhau. Bằng cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích, thông qua những hình ảnh rất quen thuộc và gần gũi với mọi người, Người đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận hết sức khó hiểu và phức tạp.

Người cho rằng, cần phải chia ra theo từng trình độ phù hợp và: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”. Như vậy, đối với đối tượng cán bộ, việc huấn luyện không chỉ là sự truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm của giảng viên đến học viên mà phải biến quá trình học tập thành quá trình tự học tập của học viên, phải lấy học viên làm trung tâm.

Thứ năm, Huấn luyện cán bộ phải có kế hoạch rõ ràng, phải được tổ chức khoa học. Người cũng dạy, trong huấn luyện cần: sắp xếp thời gian và bài học cho những lớp học đó phải cho khéo, phải mạch lạc mà không xung đột với nhau; đồng thời, nên chia nhỏ thời gian huấn luyện, không nên để quá dài, có thể “gây trở ngại đến nghề nghiệp và sức khỏe của cán bộ”.

Một vấn đề khác là người thực hiện huấn luyện (Ai huấn luyện?) cũng được Người rất coi trọng. Do chất lượng công tác huấn luyện phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ người thày nên “không phải ai cũng huấn luyện được”. Người cho rằng: “Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Những người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy”.

Người làm công tác huấn luyện, để có thể thể hiện đúng là người thày, phải là người có vốn tri thức sâu và rộng, đúng chuyên môn, nghiệp vụ để có thể truyền thụ, định hướng, khuyến khích học viên học tập. Người cho rằng: “Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”. Do đó, người thày phải luôn trau dồi kiến thức cả lý luận và thực tiễn, trau dồi tác phong, đạo đức cho mình, phải: “Học, học nữa, học mãi”.

Ngoài việc học ở sách vở, ở tài liệu, còn có thể học ở trường, học hỏi lẫn nhau và học ở nhân dân. Như vậy, việc học trong tư tưởng Hồ Chí Minh không bị bó hẹp trong khuôn khổ của nhà trường, trong mối quan hệ giữa giảng viên và học viên, không bị bó hẹp trong khuôn khổ sách vở mà gắn liền với việc tiếp thu kiến thức từ cuộc sống. Để học, người ta có thể học ở mọi lúc, mọi nơi, từ mọi đối tượng. Học trước hết là để làm người cho đúng với chất người, sau đó để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Người cho rằng: “Huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu” vì “ban huấn luyện là người làm ra hàng”, “các ngành công tác như là người tiêu thụ hàng”, do đó, “làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ. Nếu người ta cần nhiều xe mà mình làm ra nhiều bình tích thì hàng ế”.

Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng
 Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”.[3] Bằng tư duy kinh tế “vốn” và “lãi” - “cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể”, Hồ Chí Minh cho thấy cách nhìn biện chứng, hết sức đặc biệt, đặc sắc về cán bộ, từ cái “gốc” cán bộ đến cái “gốc” huấn luyện cán bộ. Gốc là từ đó sinh ra. Gốc có vững cây mới bền. Thắng lợi của cách mạng phải có được cái gốc đó.

 Theo Người “bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt, thì hỏng việc, tức lỗ vốn”[4]. Người nhấn mạnh muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. “Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”[5]. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng, một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Đảng phải huấn luyện, “nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”.[6]
 Tầm nhìn về huấn luyện cán bộ là công việc gốc trước hết là vấn đề lý luận cách mạng. Bởi vì “không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Chỉ có một đảng có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có thể làm tròn được vai trò chiến sĩ tiền phong”. Cách mạng là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt. Công cuộc “phá” và “xây”, chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi là cả một cuộc chiến đấu khổng lồ. Muốn đỡ bớt mò mẫm, muốn đỡ phạm sai lầm thì nhất định phải được trang bị vũ khí sắc bén là lý luận cách mạng. “Phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích đúng đắn những đặc điểm của nước ta”[7]. Đó là cách tốt nhất để chúng ta có thể hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Cán bộ phải có lý luận, hiểu thấu lý luận, nắm vững lý luận và biết liên hệ chặt chẽ lý luận với thực tiễn. Từ khi Đảng ta ra đời, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ rồi quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh luôn luôn khẳng định và nhấn mạnh huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng không chỉ trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập tự do mà cả trong toàn bộ tiến trình cách mạng. Làm cách mạng thì phải có lý luận. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. “Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi.[8]

Cán bộ kém lý luận thì khi gặp mọi việc, không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo; không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại. Cán bộ mà khinh lý luận, không có lý luận, “cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”[9]. Loại cán bộ lý luận suông tức không biết đem lý luận ra thực hành vào công việc thực tế, thì khác nào “một cái hòm đựng sách”[10]. Tóm lại, vì “kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”[11] .

 Trình độ lý luận kém là trở lực của cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ rõ chúng ta phải thừa nhận một thực tế “phần đông cán bộ là công nhân và nông dân, văn hóa rất kém”[12] và “Đảng ta còn có nhiều nhược điểm mà một trong những nhược điểm lớn là trình độ lý luận còn thấp kém”. Nhiều người chỉ biết suốt ngày vùi đầu vào công tác sự vụ, không nhận thấy sự quan trọng của lý luận nên có hiện tượng xem thường học tập, không có biện pháp điều hòa công tác và học tập, ngại đọc sách và suy nghĩ, khi làm việc không có kết quả nên thiếu tin tưởng đối với việc phải cần thiết học tập lý luận. Tóm lại, “những hiện tượng của chủ nghĩa kinh nghiệm cần phải khắc phục. Đó cũng là một số hiện tượng có tính chất của chủ nghĩa xét lại, cần phải đề phòng, để đẩy mạnh phong trào học tập lý luận”[13] .

 Vì trình độ lý luận thấp kém cho nên “đứng trước nhiệm vụ cách mạng ngày càng mới và phức tạp, trong việc lãnh đạo, Đảng ta không khỏi lúng túng, không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm”[14] . Vì vậy chúng ta “phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin, để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của  Hồ Chí Minh, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta… Như thế là phải học tập lý luận, phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng”[15]. Cái “gốc của công việc gốc của Đảng” là nhân cách, là vấn đề “ở đời và làm người”. Huấn luyện cán bộ thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, nắm vững lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân, giữ vững đạo đức cách mạng, mà cao nhất là chí công vô tư là điều có ý nghĩa quyết định nhất. Hồ Chí Minh chỉ rõ “học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”[16].

Người nhấn mạnh: “Học để sửa chữa tư tưởng...Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai trái và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được… Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng. Có đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tụy với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng, đưa cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn…Học để tin tưởng vào Đoàn thể, vào nhân dân, vào tương lai của dân tộc, tương lai cách mạng. Học để hành. Học mà không hành thì vô ích”[17]. Những phân tích trên cho thấy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng là một tư tưởng lớn, một tầm nhìn xa trông rộng, có ý nghĩa chiến lược của Hồ Chí Minh.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ vào đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay

 Tư tưởng và tầm nhìn của Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ đã được thực tiễn chứng minh đó là một tầm nhìn chiến lược, hoàn toàn đúng đắn, có giá trị bền vững, lâu dài, soi sáng công cuộc đổi mới hiện nay. Vì vậy, đào tạo bồi dưỡng cán bộ đã trở thành một nhiệm vụ vừa có tính cấp bách vừa là chiến lược lâu dài. Học tập và làm theo những quan điểm về huấn luyện cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ hiện nay. Theo đó:

1. Từ lớp huấn luyện chính trị đầu tiên ở Quảng Châu (Trung Quốc) đến việc đào tạo hiện nay ở các học việc, nhà trường, trường chính trị, trung tâm chính trị, một trăm năm trôi qua. Từ đầu năm 1925 đến tháng 9-1927, Hồ Chí Minh trực tiếp mở được 3 lớp huấn luyện, tổng số học viên khoảng 75 người[18]. Sau khi các lớp học kết thúc, phần đông học viên trở về Việt Nam và sang Xiêm hoạt động, một số được giới thiệu học ở Trường Quân sự Hoàng Phố, một số ít ở lại tham gia cách mạng Trung Quốc. Họ trở thành những người tuyên truyền, người tổ chức, vận động cách mạng trong nước hoặc Việt kiều ở Xiêm. Các lớp huấn luyện ở Quảng Châu đã đào tạo cho cách mạng Việt Nam những cán bộ đầu tiên theo tư tưởng Hồ Chí Minh[19] dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, góp phần quan trọng vào việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu toát lên tư tưởng và tầm nhìn xa trông rộng của Hồ Chí Minh, mở ra một chiến lược cán bộ, chiến lược quốc gia về nhân tài từ đó đến hôm nay. Cán bộ sau khi được huấn luyện đã được cung cấp cho cách mạng trong kháng chiến chống xâm lược, bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới. Như vậy “hàng” do nơi huấn luyện làm ra đáp ứng đúng nhu cầu của “người tiêu thụ” là phong trào quần chúng. Đây là một trong những thành công lớn nhất của các lớp huấn luyện cán bộ một trăm năm qua. Buổi đầu gieo những “hạt giống đỏ” sau này phần lớn trưởng thành, cứng cáp. Những hạt giống đó lại làm nảy mầm lớp lớp hạt giống khác, đội ngũ những chiến sĩ cách mạng trên khắp cả nước, tạo thành vườn ươm những chiến sĩ cách mạng từ thời dựng Đảng cho đến hôm nay. Cán bộ được huấn luyện được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới, sinh lực mới, được trang bị thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, mang theo hành trang hoạt động cách mạng của mình một vũ khí sắc bén không gì có thể thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Với ba lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu do Nguyễn Ái Quốc phụ trách, Đảng ta và cách mạng Việt Nam có được những cán bộ ưu tú, tài đức vẹn toàn như Trần Phú, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đức Cảnh, Phùng Chí Kiên…

Một trăm năm qua, trong đó gần 40 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tạo nên một cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng lớn mạnh. Thực tiễn đó là minh chứng hùng hồn cho chân lý “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”[20].

2. Sự chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về huấn luyện phải nhằm cải tạo tư tưởng, trau dồi đạo đức và tư cách cách mạng là một điểm mấu chốt đặc biệt quan trọng, sợi chỉ đỏ xuyên suốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ánh sáng soi đường, có ý nghĩa quyết định nhất trong chiến lược cán bộ.

 Hiện nay, một bộ phận cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và nhiều biểu hiện khác rất đáng lo ngại như “chạy chọt”, né tránh trách nhiệm, sợ trách nhiệm, thiếu ý thức phục vụ nhân dân và Đảng ta đang tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt cuộc đấu tranh chống lại sự suy thoái và tiêu cực đó, thì nhiệm vụ huấn luyện cán bộ càng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Từ tư tưởng và tầm nhìn của Hồ Chí Minh, bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác huấn luyện cán bộ rút ra hiện nay là đào tạo “chất người”, “trình độ người”, chất cộng sản; cán bộ, đảng viên “không được thoái hóa thành người chính trị xoàng”.[21]
Qua huấn luyện, đào tạo, cán bộ phải nâng cao nhận thức một cách sâu sắc rằng: “Đảng viên, cán bộ và lãnh tụ khác với những người thường. Họ là những người chiến sĩ tiên phong của giai cấp, của dân tộc. Vì vậy, họ hoàn toàn không được đại biểu cho lợi ích cá nhân, mà phải đại biểu lợi ích của dân tộc, của giai cấp”[22]. Huấn luyện hiện nay là đào tạo ra những cán bộ có trí tuệ, bản lĩnh, phương pháp và phong cách, đề cao trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân. Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”[23] ...

3. Tập trung vào chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ, tránh bệnh hình thức, chạy đua về số lượng. Công cuộc cải cách hành chính, hướng tới xây dựng một chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính và hành động cũng như định hướng tích cực và chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu và thách thức mới đối với đội ngũ cán bộ, đòi hỏi ở họ nhiều kiến thức và kỹ năng mới, đòi hỏi phải được chuẩn hóa theo từng vị trí công việc mà họ đảm nhận.

Tuy nhiên, trước sức ép của việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, nhiều người tham gia học tập, bồi dưỡng đã không phải vì nhu cầu bồi dưỡng kỹ năng và cập nhật kiến thức phục vụ cho công việc mà chủ yếu tìm kiếm bằng cấp, chứng chỉ để đáp ứng các yêu cầu của vị trí việc làm. Điều đó dẫn tới sự lãng phí về nguồn lực trong đào tạo cán bộ.

Việc lập quy hoạch đào tạo và thực hiện việc đào tạo theo quy hoạch chưa được triển khai đồng bộ và thiếu ổn định. Chính vì vậy, lời căn dặn của Bác về huấn luyện phải chú trọng chất lượng, không chạy đua theo số lượng và hình thức để tránh lãng phí cả về thời gian và vật chất là không thể bỏ qua.

4. Nâng cao chất lượng giảng dạy cần thông qua việc đổi mới chương trình, tài liệu, nâng cao năng lực giảng viên và phương pháp giảng dạy. Việc xây dựng chương trình, tài liệu phải xuất phát từ mục đích của việc đào tạo bồi dưỡng và phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp nhận của đối tượng học viên, từ yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của từng vị trí công việc, xuất phát từ những thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng của đội ngũ cán bộ, đặc biệt, phải gắn liền lý luận với thực tiễn.

Với việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược đòi hỏi phải cung cấp nhiều hơn về tư duy chiến lược và các nội dung lý luận, giúp họ hoạch định chính sách dựa trên cơ sở khoa học và phù hợp với thực tiễn quản lý. Việc biên soạn chương trình, tài liệu phải được thực hiện nghiêm túc và có sự phê duyệt cẩn thận trước khi sử dụng.

Giảng viên là yếu tố quan trọng quyết định tới chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đồng thời có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng chương trình, tài liệu, vì vậy, nâng cao chất lượng giảng viên là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng. Để gắn lý luận với thực tiễn, bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu tại các cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ, cần tăng cường đội ngũ giảng viên kiêm chức là những nhà quản lý có kinh nghiệm trong bộ máy Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giảng viên phải đi đôi với việc đổi mới về phương pháp giảng dạy, hướng tới người học, gắn liền nội dung giảng dạy với công việc của người học.

Có thể nói, những luận điểm của Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ được đề cập rất bao quát, toàn diện, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và sức sống thực tiễn. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng và những chỉ dạy của Người vào việc đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ “đủ tâm, đủ tầm” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện, đào tạo cán bộ là công việc gốc của Đảng với tinh thần cốt lõi là sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn cách mạng Việt Nam; học ở trường, học sách vở, học lẫn nhau, học nhân dân, học thực tiễn; học đi đôi với tu dưỡng, rèn luyện; nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, cùng với thời gian, vẫn vẹn nguyên giá trị, mang tính thời sự nóng hổi, soi sáng công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ hiện nay và tương lai./.
 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. H.NXB Chính trị quốc gia, 2001, tr. 83.
[2] Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011.
[3]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.345.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.356.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.313.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.313.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.92
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.90.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.274.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.274.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.309.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.309.
[13]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.94.
[14]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.92
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.92.
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.208
[17] Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.360-361
[18] Có tài liệu thống kê là 10 lớp, huấn luyện được trên 200 học viên
[19] Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.359.
[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.280.
[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.296.
[22] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.291
[23] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.187
 

Tác giả: Anh Đức

  Ý kiến bạn đọc

Dang cs
quoc hoi
chinh phu
bp
hndn
cb
TUYEN GIAO
BAO BP

35

Chào giá dịch vụ thuê kiểm toán

Thời gian đăng: 02/03/2025

lượt xem: 163 | lượt tải:36

19/2023/LT

Lịch VPTU tuần thứ 19/2023

Thời gian đăng: 07/05/2023

lượt xem: 2274 | lượt tải:26

01/DSMT

Danh sách miễn thi ngoại ngữ, tin học CVC 2021

Thời gian đăng: 07/11/2021

lượt xem: 2721 | lượt tải:682

VB1111

Công văn V/v điều chỉnh, bổ sung lịch làm việc tuần 44

Thời gian đăng: 31/10/2021

lượt xem: 20852 | lượt tải:4522

8-HĐTNN

Số 08-HĐTNN

Thời gian đăng: 26/10/2021

lượt xem: 21458 | lượt tải:99126

35

Chào giá dịch vụ thuê kiểm toán

Thời gian đăng: 02/03/2025

lượt xem: 163 | lượt tải:36

19/2023/LT

Lịch VPTU tuần thứ 19/2023

Thời gian đăng: 07/05/2023

lượt xem: 2274 | lượt tải:26

01/DSMT

Danh sách miễn thi ngoại ngữ, tin học CVC 2021

Thời gian đăng: 07/11/2021

lượt xem: 2721 | lượt tải:682

VB1111

Công văn V/v điều chỉnh, bổ sung lịch làm việc tuần 44

Thời gian đăng: 31/10/2021

lượt xem: 20852 | lượt tải:4522

8-HĐTNN

Số 08-HĐTNN

Thời gian đăng: 26/10/2021

lượt xem: 21458 | lượt tải:99126
Thống kê
  • Đang truy cập124
  • Máy chủ tìm kiếm60
  • Khách viếng thăm64
  • Hôm nay64,953
  • Tháng hiện tại212,019
  • Tổng lượt truy cập30,623,152
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây