Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh liệt sĩ

Thứ bảy - 23/07/2016 06:06 964 0
Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa những người đã xả thân vì sự nghiệp đánh giặc cứu nước, đó là đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở nhận thức sâu sắc ý nghĩa quan trọng và tác dụng to lớn, Người đã ra sức thực hiện công tác đó từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp (1947) ngày càng sâu rộng, phục vụ đắc lực hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
     Từ bức thư đầu tiên năm 1947, sau khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ cho tới trước khi mất (1969), hầu như năm nào Bác Hồ cũng có thư gửi cho anh em thương binh và bệnh binh, cho các gia đình liệt sĩ, nhất là vào Ngày thương binh, liệt sĩ (27 - 7). Bên cạnh đó, Bác còn phát biểu những ý kiến quan trọng về thương binh, liệt sĩ trong nhiều dịp khác như: trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (5/1/1930), lễ khai mạc Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng lao động Việt Nam (5/9/1960), trong các thư gửi Bộ trưởng Bộ thương binh…
     Theo dõi các bài viết, bài nói đó, chúng ta thấy Bác Hồ đã dành những tình cảm sâu sắc nhất cho các thương binh: "Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm đau, què quặt" (Thư gửi Ban Thường trược của Ban Tổ chức ngày thương binh toàn quốc, 17/7/1947). Đồng thời, Bác cũng nêu rõ nhiệm vụ của mọi người đối với công tác thương binh, liệt sĩ: "Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những con người dũng cảm ấy…”.
     Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, là "tỏ ý yêu mến thương binh…". Và chính Người đã đầu tiên xung phong thưc hiện nhiệm vụ đó một cách thiết thực, để toàn dân noi theo một cách tự nguyện, vì thấy đây là việc nghĩa, mỗi người tuỳ theo khả năng và hoàn cảnh của mình mà đóng góp.
     "Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch…".
     Việc làm thấm nhuần đạo nghĩa, hợp với lòng người đó đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân và sớm đem lại những kết quả vô cùng tốt đẹp. Từ đó, công tác thương binh, liệt sĩ đã trở thành một hoạt động thường xuyên, một phong trào lớn do chính quyền các cấp chịu trách nhiệm thực hiện với sự đóng góp hăng hái của nhân dân cả nước. Để củng cố và phát triển vững chắc phong trào, Bác Hồ qua các lời kêu gọi, các thư, đã luôn luôn nhấn mạnh tới trách nhiệm của Nhà nước, của đồng bào đối với thương binh. Đồng thời, Người có những chỉ thị cụ thể về cách thức tiến hành công việc, nêu rõ trách nhiệm của các giới, các tổ chức, các đoàn thể phụ nữ, thanh niên và nhi đồng là "cần phải ra sức tuyên truyền, giải thích và giúp việc" để giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ về vật chất và tinh thần.
     Tiếp đó, Bác Hồ khẳng định niềm tin: "Đồng bào sẵn sàng giúp, Chính phủ ra sức nâng đỡ, anh em có quyết tâm thì anh em nhất định dần dần tự túc được", "Thương binh tàn nhưng không phế", đó là tư tưởng lớn mà Bác Hồ đã giáo dục, truyền đạt tới anh em thương binh, giúp cho họ vững lòng tin vào chính bản thân mình với sự đùm bọc, giúp đỡ của đồng bào để có dũng khí vượt qua những khó khăn trở ngại của hoàn cảnh mà tiếp tục cống hiến. Anh em thương binh có thể tuỳ sức của mình mà làm những công việc nhẹ như học may vá, đan lát, hớt tóc, hoặc giúp việc phòng giấy… Để đạt được mục tiêu đó, Bác Hồ đã chỉ ra những việc cần làm của các cơ quan, đoàn thể là "Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã phải tuỳ theo sự cố gắng và khả năng chung mà đón nhận một số thương binh. Giúp lâu dài, chứ không phải chỉ giúp trong một thời gian. Không phải giúp bằng cách góp gạo nuôi thương binh". (Thư gửi Cụ Bộ trưởng Bộ thương binh, cựu binh ngày 26-7-1961).
     Sau đó, Bác Hồ đã theo dõi việc thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ một các thường xuyên, với một niềm quan tâm đặc biệt. Và Bác đã thực sự vui mừng khi nhận được báo cáo của các địa phương trong cả nước gửi về báo tin thành tích của các thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ không chỉ nhanh chóng ổn định đời sống mà còn đóng góp khá nhiều vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đã đạt được thành tích trong công việc sản xuất và tiết kiệm.
     Bác còn đánh giá: "Tất cả anh em thương binh, bệnh binh đã đem hết khả năng của mình để tăng gia sản xuất và góp phần xây dựng đất nước. Tôi hoan nghênh tinh thần hăng hái lao động của anh em và mong anh em càng cố gắng, càng tiến bộ nữa". Đồng thời Bác cũng nhắc nhở: "Các cơ quan, đoàn thể chấp hành chu đáo chính sách của Đảng và Chính phủ đối với thương binh và liệt sĩ, để anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ được ổn định hơn nữa trong công tác và trong đời sống".
Chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị đó, Đảng, Chính phủ càng ra sức thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ với ý thức trách nhiệm cao, trên quy mô rộng lớn hơn nhiều vì sau hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ làm cho con số thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tăng lên nhiều. Với sự đóng góp nhiệt tình và hiệu quả của nhân dân cả nước, công tác thương binh, liệt sĩ đã nhanh chóng phát triển thành một phong trào rộng lớn với nhiều hình thức vô cùng phong phú và hết sức cảm động. Những việc làm thiết thực như "Chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng", "Xây dựng nhà tình nghĩa", "Tặng sổ tiết kiệm"… thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia  trở thành hành động toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, đáp ứng đúng ước nguyện của Người buổi sinh thời.

Tác giả bài viết: Minh An - BTGTU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập244
  • Hôm nay44,293
  • Tháng hiện tại418,885
  • Tổng lượt truy cập26,100,041
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây