Đạo đức cách mạng theo Hồ Chí Minh không phải là cái gì trừu tượng, cao xa mà đó là những điều bình thường, hết sức cụ thể, dễ hiểu. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, tài liệu Người viết để huấn luyện đội ngũ cán bộ đầu tiên của Đảng với tiêu đề “Tư cách của người cán bộ cách mạng”, Người đã nêu lên những tiêu chí và yêu cầu cán bộ phải xem đó như là những “khuôn khổ” phải tuân theo, đó là: Tinh thần cần kiệm, cẩn thận, tự giác, không tư túi, chịu khó học tập, phải kiên trì, nhẫn nại, không hiếu danh, không kiêu ngạo, giữ vững lập trường giai cấp công nhân, không sợ hy sinh, có ý thức tổ chức kỷ luật.
Như thế, người cán bộ đạo đức cách mạng trước hết phải là người luôn biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Biết giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của Đảng, của dân tộc trong khi mối quan hệ đó nảy sinh những mâu thuẫn. Người cho rằng, đạo đức mà chúng ta đang xây dựng là đạo đức mới, nó tiếp thu, kế thừa những giá trị tốt đẹp của đạo đức truyền thống. Người viết: Đạo đức ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới, phải trung với nước, hiếu với dân.
Người cán bộ có đạo đức cách mạng là người có liên hệ mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, khéo tổ chức và lãnh đạo nhân dân bằng lời nói của mình, hành động của mình, làm cho dân tin, dân phục. Người thường nhắc nhở: Cán bộ, đảng viên cần phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng, trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Tuyệt đối không được làm quan cách mạng, ra lệnh, ra oai. Phải nắm vững quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng, thành tâm học hỏi quần chúng, dựa vào quần chúng, giáo dục và phát động quần chúng tiến hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước. Phải thật thà, ngay thẳng, không được giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm. Phải thật sự cầu thị, không được chủ quan. Phải luôn chăm lo đến đời sống quần chúng, “tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc”, nghĩa là lo trước dân, vui sau dân. Trong lúc khó khăn của dân tộc, khí tiết của người cán bộ là không sợ gì hết, không sợ kẻ địch, không sợ khó khăn gian khổ. Cái gì khó khăn, cực khổ cán bộ phải xung phong làm trước.
Người cán bộ có đạo đức cách mạng là người có ý thức tổ chức kỷ luật cao, không độc đoán cá nhân, tự cho phép mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài tổ chức. Người cán bộ có đạo đức cách mạng thì lời nói phải đi đôi với việc làm, làm nhiều hơn nói, điều đó được thể hiện cả trong suy nghĩ và việc làm của người cán bộ. Trong sự nghiệp cách mạng, đòi hỏi cán bộ phải là người có lòng trung thành, đức tính tận tụy, hy sinh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Là người có ý thức chịu trách nhiệm cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra “căn bệnh” thường thấy của người cán bộ là chỉ biết phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình mình, không tự phê bình hoặc không phê bình thật nghiêm chỉnh. Người chỉ rõ: Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng lắng nghe quần chúng phê bình và thật thà phê bình. Không chịu nghe phê bình và tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì bị quần chúng bỏ rơi. Người nhấn mạnh: Dân ta rất tốt, yêu thương Đảng, yêu thương cán bộ. Khi có khuyết điểm mà nói trước dân chẳng những dân không ghét, không khinh mà còn thương yêu, quý trọng, tín nhiệm cao hơn nữa. Người còn viết: Người đời không phải là thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm mà chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi. Muốn thực hiện điều đó, theo Người mỗi một cán bộ phải tự phê, phải lắng nghe quần chúng phê bình. Có như vậy thì cán bộ mới có thể tiến bộ được.
Người cán bộ có đạo đức cách mạng là người có lối sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, lãng phí, tham nhũng; không có tư tưởng đặc quyền, đặc lợi; không có chủ nghĩa cá nhân. Ngay từ những năm đầu, khi Đảng mới giành được chính quyền, bắt tay vào việc kiến thiết đất nước, Người đã chỉ ra những biểu hiện thoái hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên, chỉ biết ăn no, mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị mà buôn bán phát tài, phớt lờ những chê bai của quần chúng, của nhân dân. Người viết: Do chủ nghĩa cá nhân mà quan ngại khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa.. cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Tóm lại, người cán bộ có đạo đức cách mạng là người “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Cán bộ có đạo đức cách mạng thì mới tận tâm, tận lực phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, nếu không có đạo đức cách mạng thì trước sau cũng sa vào chủ nghĩa cá nhân, hại nước, hại dân.
“Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”