Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên còn xem nhẹ công tác này, biểu hiện rõ nhất là không sát dân, không làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận chậm được đổi mới…
Để thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCHTW lần thứ XI đặt ra là tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì vấn đề thấm nhuần và thực hiện theo các phương pháp tiến hành công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra là yêu cầu bắt buộc.
Ảnh Tư liệu
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương pháp cơ bản của công tác dân vận là phương pháp dân chủ do bản chất của chế độ ta, chứ không phải là dùng những thủ thuật chính trị. Trong bài báo Dân vận (năm 1949), Người viết “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.
Từ những dòng viết trên, có thể thấy phương pháp dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hiểu như sau. Thứ nhất là dân biết, muốn thế phải tuyên truyền vận động, giác ngộ thuyết phục, giải thích để dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để thi hành cho đúng: “phải tìm mọi cách giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành...”. Nguyên nhân để người dân tích cực thực hiện quyết sách là vì “Việc đó là lợi ích cho họ”, lợi ích gắn liền với trách nhiệm của người làm chủ. Trình độ nhận thức của mỗi người dân là khác nhau, vì thế công tác tuyên truyền, giải thích là vấn đề trước tiên khi đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống để tạo sự thống nhất trong nhận thức, từ đó mới thống nhất trong hành động. Biết thông tin chính là một quyền của người dân, khi dân hiểu rõ thì việc gì khó khăn mấy cũng làm được mà không sợ hy sinh.
Thứ hai là dân bàn, nghĩa là mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân là một lực lượng có sức mạnh to lớn không chỉ về số lượng mà còn cả về trí tuệ, nếu biết phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, sáng kiến của dân thì chắc chắn mọi việc sẽ thắng lợi.
Vì khi có dân tham gia bàn bạc thì chủ trương, chính sách mới phù hợp yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích của dân, làm cho quyết sách đó sát với thực tế, được nhân dân ủng hộ, và khi đó như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”, bởi dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ. Để dân tích cực tham gia ý kiến đóng góp, Người yêu cầu cán bộ phải thành tâm, khéo léo, biết khơi để họ tham gia, biết học hỏi quần chúng. Sở dĩ phải học hỏi quần chúng là vì “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng”. Chỉ có bàn bạc và học hỏi dân với tinh thần cầu thị, nhiệt thành, khiêm tốn, thật thà, chịu khó thì dân mới mở lòng, nếu không như vậy thì “Biết, họ cũng không nói. Nói, họ cũng không nói hết lời”. Học hỏi quần chúng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh không có nghĩa là theo đuôi quần chúng. Theo Người, có hai cách học hỏi, làm việc với quần chúng. Cách thứ nhất là quan liêu, mệnh lệnh, ép dân làm, cách này bị dân oán ghét, tuy công việc có thể xong mau, tạm thời có chút thành công, nhưng về mặt chính trị là thất bại, người phê bình “Có nhiều cán bộ không bàn bạc, không giải thích với dân chúng, không để cho dân chúng phát biểu ý kiến, giải quyết các vấn đề, chỉ bắt buộc dân chúng làm theo mệnh lệnh. Thậm chí khi dân chúng đề ra ý kiến và nêu rõ vấn đề, họ cũng tìm cách dìm đi. Họ chỉ làm theo ý kiến của họ. Kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn”. Còn cách thứ hai là làm theo quần chúng như nói ở trên. Từ thực tiễn hoạt động ở các địa phương, Người khẳng định tầm quan trọng của dân bàn: “Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.
Thứ ba là dân làm “cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Đây là chính là đưa chủ trương, chính sách đi vào thực tiễn thông qua tổ chức phong trào quần chúng nhằm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở từng địa phương, cơ sở. Nếu như làm tốt các khâu dân biết, dân bàn, thì đến khâu này rất thuận tiện, dễ dàng vì huy động được đông đảo lực lượng quần chúng tham gia. Nhiệm vụ của người cán bộ lúc này là “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân”, phải căn cứ vào đặc điểm, đặc thù của từng nơi, từng thời điểm, từng đối tượng để có cách thức tổ chức thích hợp, sao phát huy được tiềm lực của nhân dân một cách tốt nhất. Trong quá trình thi hành, thì phải “theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”. Chúng ta đã có rất nhiều các cuộc vận động, các chương trình, dự án đã tạo ra nhiều điển hình tiên tiến chính là nhờ làm có nội dung, hình thức làm phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, vẫn còn có lúc, có nơi phong trào đạt thấp vì “vận” thì chú trọng, còn “động” thì thiếu theo dõi, giúp đỡ, khuyến khích nhân dân.
Thứ tư là thường xuyên kiểm tra, tổng kết rút kinh nghiệm. Quần chúng nhân dân không chỉ có trách nhiệm tuân theo đường lối, chính sách và sự lãnh đạo của Đảng, mà còn là người chủ của cách mạng, nên cán bộ, đảng viên có bổn phận phải phục vụ, có như vậy quyền kiểm tra của người chủ quần chúng nhân dân mới được thi hành đầy đủ. Người chỉ rõ “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là chưa hợp thì để họ đề nghị sửa chữa”. Kiểm tra chính là thể hiện vai trò lãnh đạo và làm chủ. Nhờ kiểm tra, mới phát hiện ra những điều bất cập, chưa hợp lý do nhiều nguyên nhân (khách quan, chủ quan) đặt ra, nhờ đó sửa chữa kịp thời, đảm bảo chủ trương, chính sách đem lại hiệu quả thiết thực. Việc tổng kết rút kinh nghiệm là điều thật cần thiết nhằm đánh giá ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân đạt được và chưa đạt được để tổ chức hiệu quả hơn cho lần sau. Đồng thời, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu, qua đó có tác dụng cổ vũ, khích lệ phong trào đi lên. Chỉ có nhờ kiểm tra, đánh giá thì mới có cơ sở nhận xét đúng, sai, hiệu quả hay chưa hiệu quả của chủ trương, chính sách dựa trên tiêu chí đem lại lợi ích cho nhân dân, để từ đó mới đề đạt sửa đổi.
Bên cạnh chỉ ra phương pháp dân vận nêu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bàn đến phong cách cụ thể của cán bộ làm công tác dân vận, đó là phải có tác phong quần chúng, cụ thể là “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, có như thế mới đưa chính trị vào giữa dân gian được.
Tư tưởng trên luôn được Đảng ta thấm nhuần và không ngừng thể chế hóa. Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định phương hướng nhiệm vụ “đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”. Quan trong hơn, trong 12 nhiệm vụ tổng quát cả nhiệm kỳ, thì vấn đề phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân được xác định riêng thành một nhiệm vụ, đáng lưu ý là nội dung “thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” được nhấn mạnh là nhiệm vụ trọng tâm ở cả nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. So với các nhiệm kỳ trước, lần đầu tiên nội dung “giám sát” được đưa vào phương châm dân chủ.