Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.
Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đã bước sang một giai đoạn mới. Để động viên toàn dân tập trung sức lực vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc, Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phát động phong trào Thi đua ái quốc.
Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, động viên toàn Đảng, toàn dân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, khắp nơi trong cả nước đã dấy lên phong trào thi đua yêu nước, hăng hái thi đua vượt mọi khó khăn giành thắng lợi trên mọi mặt: Quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng” nhằm đạt được 3 mục đích của Thi đua ái quốc là “Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm” đồng thời làm nên những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong một phiên họp Hội đồng Chính phủ vào tháng 10/1948, tức vào khoảng sau hơn 4 tháng khi Bác của chúng ta viết "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", Bác Hồ của chúng ta đã từng nói rằng: "...Trong cuộc vận động thi đua phải tránh xu hướng "bàn giấy", "công chức hoá", cần phải có sự phối hợp thống nhất trong chương trình thi đua thì thi đua mới có kết quả". Vấn đề thi đua cũng được Bác Hồ coi trọng trong những thời gian cụ thể. Khi đất nước đang trong cơn đau của nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm, Người viết thư khuyên đồng bào nên tiếp tục phát triển chí khí xung phong trong phong trào thi đua ái quốc để: "diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm". Những ngày đón Tết, vui xuân, Người vẫn không quên nhắc nhở mọi người, mọi ngành, mọi cấp phải ra sức thi đua với nhau, bởi "Người người thi đua, Ngành ngành thi đua, Ngày ngày thi đua" thì "Ta nhất định thắng, địch nhất định thua". Với Bác Hồ, công tác thi đua không chỉ có "phát" mà nhất thiết phải "động", phải liên tục, nhất là những năm "ta vừa kháng chiến vừa thi đua ái quốc". Tổng kết một năm thực hiện phong trào, Người phấn khởi nói: "Cuộc thi đua nhằm 3 mục đích: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Mặc dù thiếu phương tiện, thiếu kinh nghiệm và bị giặc Pháp tìm mọi cách để phá hoại, ta vẫn thu được nhiều kết quả tốt đẹp sau một năm thi đua". Điều đáng chú ý là sau khi tổng kết, Bác Hồ lại nêu lên những vấn đề thi đua nối tiếp rất thực, cụ thể như: "Các cụ, các bà thì thi đua tham gia Hội mẹ chiến sĩ... Các cháu thiếu niên thì thi đua tòng quân. Cán bộ trong cơ quan thì thi đua sửa đổi cách làm việc cho hợp lý hơn. Các cháu nhi đồng thì thi đua học tập và giúp mọi người công việc...Mọi người đều thi đua, mọi việc đều có thi đua". Người cũng chỉ ra những khuyết điểm mà cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn và mang tính thời sự. Người nói: "Có nhiều nơi nhân dân mà trước hết là cán bộ chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của cuộc thi đua ái quốc...Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những việc hàng ngày. Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua". Và Người lấy ví dụ: "Từ trước tới giờ, ta vẫn ăn vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, ở, mặc cho sạch, cho hợp vệ sinh, cho khỏi ốm đau. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm đất ruộng cho tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy". Đặc biệt, Người chỉ rõ rằng, thi đua không phải là nhất thời mà phải là trường kỳ, thi đua phải sát với hoàn cảnh, sát với địa phương, không đặt kế hoạch to quá rồi làm không nổi, hoặc lúc đầu thì ồ ạt, ít lâu sau thì đuối sức. Có nơi các đoàn thể, các ngành kế hoạch không ăn khớp với nhau thành thử "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", hoặc không đúc rút kinh nghiệm để học cái hay, tránh cái dở. Người khẳng định: "Thi đua là phải toàn dân, toàn diện. Trong cái việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính...".
Kế thừa và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Người đã hun đúc ngọn lửa nhiệt tình cách mạng của đông đảo quần chúng Nhân dân bằng phong trào “Thi đua yêu nước”. Người coi thi đua là cách tốt nhất để khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khí phách và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, làm cho lòng yêu nước được bộc lộ, thể hiện bằng những hành động cụ thể trong hoạt động lao động, sản xuất, chiến đấu và học tập hàng ngày của đông đảo quần chúng Nhân dân.
Chị em phụ nữ xã Thanh An (Bến Cát, Thủ Dầu Một) đóng góp lương thực, tiền bạc cho quỹ kháng chiến chống Mỹ (1968). Ảnh: Hoàng Vinh - TTXVN
Cho đến nay những lời dạy của Bác Hồ về vấn đề thi đua đến nay vẫn còn mang nhiều ý nghĩa về giá trị thực tiễn sâu sắc. Đặc biệt trong công cuộc đổi mới và phát triển trong xu thế hoà nhập hiện nay, lời kêu gọi thi đua yêu nước của Bác vẫn luôn là nền tảng, là động lực lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, ban ngành trong xã hội hưởng ứng tham gia.Hưởng ứng "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh 65 năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, lan rộng khắp mọi mặt của đời sống xã hội, mọi tầng lớp nhân dân góp phần tạo nên động lực to lớn, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sỹ cả nước vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chung sức, đồng lòng làm nên những thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong 74 năm qua, thực hiện Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xác định thi đua yêu nước là động lực to lớn để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Công tác thi đua - khen thưởng đã góp phần to lớn phát huy cao độ truyền thống yêu nước; khơi dậy ý thức tự giác, sức sáng tạo của các tầng lớp Nhân dân; tạo khí thế thi đua sôi nổi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Kỷ niệm 74 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua, yêu nước, gắn với việc triển khai sâu rộng và có hiệu quả Kết luận 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời củng cố và phát triển phong trào thi đua yêu nước ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.