Một vài suy nghĩ về tư tưởng đạo đức vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ sáu - 05/08/2016 04:20 7.281 0
Trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng vì dân là kết tinh những giá trị nhân nghĩa của dân tộc ta trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Người không những hiểu mà còn tiếp nhận tư tưởng “dân vi bản” (dân là gốc) của Khổng Tử; Trần Quốc Tuấn với phương châm “khoan thư sức dân” để giữ nước; Nguyễn Trãi “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” đến tư tưởng vì dân của Hồ Chí Minh, giá trị nhân nghĩa đó đã thực sự trở thành nền tảng phương pháp luận trong suy nghĩ và hành động.

Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho yêu nước, nơi có truyền thống đấu tranh bất khuất, Nguyễn Sinh Cung sớm nhận được sự giáo dục tốt của gia đình, quê hương, đặc biệt chịu ảnh hưởng sâu sắc của người cha Nguyễn Sinh Sắc. Tất cả đã thôi thúc Người phải ra đi tìm một con đường mới để cứu dân, cứu nước. Ngay từ những ngày còn trẻ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành hết sức cảm thông với nỗi thống khổ của nhân dân lao động đang sống dưới ách thống trị của bọn thực dân đế quốc. Trong bài viết lên án chế độ thực dân, tiêu biểu nhất là Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Người đã phân tích sâu sắc những chính sách và thủ đoạn của bọn thực dân, tố cáo những tội ác tày trời của chúng, vạch rõ nguồn gốc của mọi sự bóc lột, mọi nỗi khổ cực của quần chúng nhân dân.

Bác Hồ thăm bà con nông dân đang thu hoạch vụ lúa năm 1954.
(Ảnh Tư liệu)

Quan điểm “dân là gốc” đã trở thành “lý tưởng dân chủ”, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Với tư cách lãnh tụ Đảng và người đứng đầu Nhà nước, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiệm vụ của chính quyền ta và đoàn thể ta là phụng sự nhân dân” và “chịu trách nhiệm trước dân”. Phải luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Quần chúng sẽ là người kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng không, phải yêu dân, kính dân, tin dân. Từ đó Người nêu cao đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, kiên quyết tẩy sạch quan liêu mệnh lệnh. Đó là thứ bệnh mà Người đã chỉ rõ thực chất là xa nhân dân, không hiểu dân, không yêu thương dân. Với nhân dân, Người rất ân cần, gần gũi, khiêm nhường, yêu quý như người trong gia đình, đồng chí, đồng bào. Năm 1963, biết Quốc hội định tặng Huân chương Sao Vàng cho mình, Hồ Chủ tịch  xin phép chưa nhận vì “... Tổ quốc hiện đang tạm bị chia cắt... đế quốc Mỹ hiện đang tăng cường cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Đồng bào miền Nam đang bị đày đọa dưới chế độ Mỹ - Diệm”. Người xin Quốc hội “chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà... đồng bào miền Nam sẽ trao huân chương cao quý” ấy cho Người. Làm việc gì cũng chỉ nghĩ đến những lợi ích của dân, Người suốt đời hy sinh vì sự nghiệp cứu dân, cứu nước.

Cả cuộc đời của Hồ Chí Minh đều vì dân vì nước, Người không bao giờ hưởng hạnh phúc riêng tư khi nhân dân còn đau khổ. Ngay cả khi trở thành Chủ tịch nước, Người luôn sống giản dị, cần kiệm. Nguyện vọng tha thiết của Người, ham muốn tột cùng của Người là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Theo Người “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng đạo đức của Người mãi mãi sưởi ấm lòng mỗi người dân Việt Nam. Những lớp đảng viên hôm nay hơn ai hết càng thấm thía hơn tư tưởng đó của Người. Người đảng viên cộng sản phải biết đau nỗi đau của dân, phải biết động lòng trắc ẩn trước cảnh nghèo đói của dân, biết gần gũi quan tâm đến từng số phận con người. Xa rời dân, sống xa hoa, hách dịch đều là sản phẩm của tư tưởng phong kiến lỗi thời và đều trái ngược với tư tưởng vì dân của Hồ Chủ tịch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng lớn của dân tộc đã nói rất nhiều về vấn đề đạo đức. Tư tưởng đạo đức của Người đã được thể hiện rõ nét trong các bài viết, bài nói ngắn gọn rất cô đọng, hàm súc. Bản thân Hồ Chí Minh là người thực hiện trước nhất và đầy đủ nhất những tư tưởng trước đó, nhiều hơn cả những điều Người đã nói đã viết. Đó cũng là nét đặc trưng và đặc sắc của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Tư tưởng đạo đức vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi là những bài học soi sáng cho mỗi chúng ta.

Tác giả bài viết: Thúy Triều - Đảng ủy Khối cơ quan Dân chính đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập213
  • Hôm nay59,000
  • Tháng hiện tại825,178
  • Tổng lượt truy cập22,830,832
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây