Bình Phước: Kết quả sau 03 năm triển khai Nghị quyết về chuyển đổi số

Thứ ba - 15/10/2024 03:07 113 0
Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU đã đạt được những kết quả tích cực trên các mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Hiện nay, Bình phước xếp hạng thứ 12 cả nước về thực hiện chuyển đổi số so với các tỉnh, thành cả nước.
Ngày 18/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết xác định, chuyển đổi số phải được thực hiện trong từng lĩnh vực tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện, với 3 trụ cột là: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, lấy doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số. Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU đã đạt được những kết quả tích cực trên các mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Hiện nay, Bình phước xếp hạng thứ 12 cả nước về thực hiện chuyển đổi số so với các tỉnh, thành cả nước.

Tập trung tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU trong toàn Đảng bộ tỉnh. Giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Nghị quyết với quyết tâm đột phá về xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và năng lực cạnh tranh của tỉnh, với mục tiêu: đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bình Phước cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Trong đó các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng, hoàn thiện nền tảng dữ liệu số. Các giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp đều diễn ra trên không gian mạng. Quản lý và đảm bảo an ninh, an toàn các giao dịch trên không gian mạng.

UBND tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 04-NQ/TU, gắn với việc cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 13/10/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh và hàng năm có kế hoạch triển khai, thực hiện công tác chuyển đổi số của tỉnh đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tập trung 03 nhóm mục tiêu: xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số và 03 nhóm nhiệm vụ: nhóm 04 nhiệm vụ trọng tâm; nhóm 09 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số; nhóm 05 mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và phương thức tổ chức thực hiện để các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện; đồng thời, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.

Xây dựng các cơ chế, chính sách để thực hiện chuyển đổi số

Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết đồng bộ, hiệu quả, cụ thể hóa thực hiện triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU, UBND tỉnh tham mưu trình Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh ban hành 02 nghị quyết về chính sách, Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh quy định về việc miễn, giảm phí, lệ phí khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Nghị Quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 30/9/2021. Quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, làm việc tại các Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Bình Phước, 04 Nghị quyết về phân bổ nguồn vốn thực hiện Chuyển đổi số để tạo tiền đề và cơ sở pháp lý để triển khai thuận lợi một số nhiệm vụ trong chuyển đổi số tại địa phương.
 
Lãnh đạo UBND tỉnh dự Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả chuyển đổi số năm 2023

Trong 03 năm, Tỉnh ủy đã ban hành 01 Chỉ thị về đảm bảo an toàn, an ninh mạng; 01 Chương trình hành động, trong đó có nhiệm vụ thực hiện đột phá chiến lược về thúc đẩy chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và xây dựng đô thị thông minh. UBND tỉnh ban hành 01 Chỉ thị, 43 Quyết định và 50 Kế hoạch thúc đẩy chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.

100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động, tích cực trong xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn diện nhằm triển khai các giải pháp, nhiệm vụ của Nghị quyết đã đề ra.

Những kết quả đạt được trong thực hiện mục tiêu Nghị quyết

Nghị quyết đã đề ra 03 nhóm mục tiêu, với 10 mục tiêu cụ thể. Tính đến tháng 4/2024 đã hoàn thành 8/10 mục tiêu (trong đó có 03 mục tiêu về phát triển xã hội số cần theo dõi, đôn đốc thực hiện thường xuyên); còn 02/10 mục tiêu về nhóm phát triển kinh tế số chưa hoàn thành, đây là mục tiêu thách thức cần đẩy mạnh các giải pháp triển khai để hoàn thành vào năm 2025 đó là mục tiêu xây dựng Chính quyền số và kinh tế số.

Trên địa bàn tỉnh 100% dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử trong tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỉnh đã triển khai Hợp nhất Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, thành. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC để triển khai cho 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và đã hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tính đến tháng 8/2024, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã tích hợp 1.366 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đến nay, trên Hệ thống dịch vụ công của tỉnh đã cho phép công dân, doanh nghiệp cập nhật tất cả các tài liệu điện tử, thành phần hồ sơ, kết quả điện tử được lưu trữ, để phục vụ việc nộp hồ sơ trực tuyến. Tính đến tháng 8/2024, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa trên cổng Dịch vụ công của tỉnh có 240.273 hồ sơ, đạt hơn 71%. Các hồ sơ công việc đều được xử lý trên môi trường mạng, được ký số và cập nhật, chia sẻ trên hệ thống dữ liệu. Việc phát hành văn bản điện tử có ký số điện tử trên địa bàn tỉnh đạt: cấp tỉnh 100%, cấp huyện 90%, cấp xã 85%.

Về mục tiêu phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025, Kinh tế số chiếm 20% GRDP: tính đến năm 2023, tỷ lệ Kinh tế số của tỉnh chiếm 8,7% GRDP.

Về mục tiêu phát triển xã hội số, mọi người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ được định danh và lưu giữ dưới dạng số hóa làm cơ sở cho việc thực hiện các thủ tục hành chính tiếp theo mà không cần cung cấp hồ sơ trước đó. Hiện nay đã cấp hơn 50.366 chữ ký số cho người dân để thực hiện Dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch điện tử khác. 100% người dân, doanh nghiệp khi tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến đều được xác thực qua VNeID.
 
Trung tâm IOC Bình Phước

Tỉnh đã chọn 09 lĩnh vực quản lý ưu tiên chuyển đổi số gồm: dân cư, tài nguyên, giáo dục, y tế, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, sản xuất công nghiệp,.. đã được áp dụng công nghệ một cách đầy đủ và khá hiệu quả. Trong đó, tỉnh đã xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện số hóa trong quá trình sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch nhằm hỗ trợ, phát triển thương mại điện tử; Kế hoạch hành động số 95/KH-UBND ngày 18/4/2022 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2022 và kế hoạch khung giai đoạn 2022 - 2025.

Chọn 05 mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện. Bình Phước có 226 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 196 hợp tác xã nông nghiệp. Đến nay, khoảng 28 hợp tác xã đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng không toàn diện, chủ yếu sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến hết năm 2025

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được sau 03 năm thực hiện triển khai Nghị quyết và khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Tỉnh ủy đã ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai đến hết năm 2025 đó là:

 1. Tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; tham mưu ban hành các chính sách thực hiện nâng cao năng lực, hỗ trợ cho nhân lực chuyển đổi số của tỉnh; chỉ đạo giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU.

2. Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh phù hợp với quá trình thực hiện chuyển đổi số. Hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 04-NQ/TU, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, khắc phục các mặt còn hạn chế, nỗ lực để triển khai hiệu quả các tiêu chí về chính quyền số. Đẩy mạnh thực hiện đầu tư các dự án về xây dựng hạ tầng số, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin;..

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết số 04-NQ/TU sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết.

4. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết số 04-NQ/TU phù hợp với tình hình, điều kiện của từng ngành, địa phương, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc tầm quan trọng và lợi ích, cơ hội do chuyển đổi số mang lại và chịu trách nhiệm chủ trì, lãnh đạo thực hiện chuyển đổi số, gắn trách nhiệm cá nhân với kết quả thực hiện tại cơ quan, đơn vị phụ trách.

5. Đánh giá tổng kết Nghị quyết số 04-NQ/TU và xây dựng phương hướng nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2040 và triển khai các quy hoạch, chiến lược về hạ tầng số, dữ liệu số, nhân lực số, kinh tế số, xã hội số.

Tác giả bài viết: Kinh Bắc

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây