Hội thảo khoa học “Giải pháp tăng cường tiếp cận dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh Bình Phước, Điện Biên và Ninh Thuận”

Thứ năm - 19/10/2023 12:04 594 0
Chiều ngày 19/10/2023, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Xã hội học Việt Nam, UBND tỉnh Bình Phước, Điện Biên và Ninh Thuận tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp tăng cường tiếp cận dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh Bình Phước, Điện Biên và Ninh Thuận”. 
GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Hội thảo. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh Bình Phước, Điện Biên và Ninh Thuận. 

Chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có PGS,TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công; TS Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển; GS,TS Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam. 

Tại điểm cầu UBND tỉnh Bình Phước, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng tham dự.
 
Hội thảo tại điểm cầu UBND tỉnh Bình Phước

Chủ trì tại điểm cầu UBND Điện Biên và Ninh Thuận có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; và đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận.

Dự Hội thảo có Phó Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Patrick Haverman; Phó Đại sứ Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam Sean Farrell; các nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Chính sách công và Phát triển truyền thông.
 
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hiện Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trên cả ba chiều cạnh: chính phủ số - kinh tế số và xã hội hội số, lấy người dân là trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Cung ứng các dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp được xem là nội dung quan trọng, đột phá trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính và triển khai chính quyền số, xã hội số, công dân số trong giai đoạn hiện nay. Dịch vụ công trực tuyến góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước đối với người dân, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí hoạt động; tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đặc biệt là tránh được tệ nạn nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà. Đó cũng là cách giúp các cơ quan nhà nước giảm tải, tăng hiệu quả giải quyết công việc.
 
Hội thảo tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
 
Với ý nghĩa đó, GS,TS Lê Văn Lợi cho biết, thông qua chương trình nghiên cứu được tài trợ của UNDP và Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam, trong năm 2023, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Xã hội học Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu thực trạng cung ứng dịch vụ công trực tuyến tại 3 tỉnh: Bình Phước, Điện Biên và Ninh Thuận. Trên cơ sở đó, Hội thảo khoa học “Giải pháp tăng cường tiếp cận dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh Bình Phước, Điện Biên và Ninh Thuận” được tổ chức nhằm trình bày những kết quả nghiên cứu ban đầu, qua đó, lấy ý kiến của các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn tại các địa phương về việc thay đổi chính sách, nâng cao chất lượng dịch vụ công, hướng tới nâng cao sự hài lòng của người dân.

Đồng chí Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, các ý kiến tham luận, trao đổi tại Hội thảo là cơ sở quan trọng để nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo, bảo đảm tính khách quan, khoa học, đầy đủ và chính xác của nghiên cứu; đồng thời cũng là dịp để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng các địa phương thảo luận, đề xuất với Đảng, Nhà nước những giải pháp thiết thực nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực trong tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

Nghiên cứu thực trạng cung ứng dịch vụ công trực tuyến tại 3 tỉnh: Bình Phước, Điện Biên và Ninh Thuận tập trung vào hai loại thủ tục quan trọng và được người dân quan tâm là “Thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân” và “Thủ tục cấp giấy khai sinh, bảo hiểm y tế miễn phí và đăng ký thường trú cho trẻ sơ sinh” (gọi tắt là thủ tục “3 trong 1”). 

Tại mỗi tỉnh, ngoài việc tổ chức các cuộc tọa đàm với các cơ quan quản lý như Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Nội vụ, Sở Tư Pháp, VNPT, Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, nhóm nghiên cứu trực tiếp quan sát và phỏng vấn cán bộ lãnh đạo xã, công chức tư pháp, công an xã và một số người dân tại 6 đơn vị cấp huyện, 12 đơn vị cấp xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (mỗi tỉnh 02 đơn vị cấp huyện và mỗi huyện 02 đơn vị cấp xã).

Kết quả ban đầu cho thấy, vẫn còn nhiều rào cản đối với việc tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của người dân: Luật lệ vẫn chưa thay đổi để tạo thuận lợi cho việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến, quy trình thủ tục, hồ sơ thủ tục hành chính vẫn theo những quy định cũ nên không phù hợp với dịch vụ công trực tuyến, cơ sở vật chất của cả người dân và chính quyền (máy tính, đường truyền internet tốc độ cao…), thói quen, sự e ngại thất lạc giấy tờ có giá trị… đã khiến người dân không tiếp cận được với dịch vụ công trực tuyến. Do đó, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm để mang đến cho người dân dịch vụ công trực tuyến chất lượng cao nhằm thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền tham luận tại hội thảo

Phát biểu tham luận tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: Hiện địa phương đang đứng trong top đầu cả nước ở nhiều nội dung quan trọng về kết nối, tích hợp DVCTT trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện tại, tỉnh đã thực hiện cung ứng 1.782 DVCTT. Tổng số tài khoản dịch vụ công của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 261.044 tài khoản. Tỷ lệ cung cấp DVCTT xếp thứ 4 và tích hợp với Cổng dịch vụ công xếp thứ 7 cả nước; cấp bản sao chứng thực điện tử xếp thứ 2 cả nước... Tuy nhiên, triển khai thực tế tỉnh vẫn còn một số hạn chế về kỹ thuật và con người khi triển khai DVCTT. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cũng đưa ra 5 giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa việc cung ứng DVCTT, tăng cường tiếp cận dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, đại diện các ban, bộ, ngành và đặc biệt các đại biểu từ 3 địa phương được chọn nghiên cứu đã cùng trao đổi, thảo luận cụ thể, chi tiết về các khía cạnh liên quan đến nghiên cứu: từ phương pháp nghiên cứu, mẫu nghiên cứu, những nhận định về thực tế cung ứng dịch vụ công trực tuyến tại các địa phương và những kiến nghị chính sách cụ thể đối với mỗi địa phương.  

Tác giả bài viết: Quang Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây