Bài 3:
ÐỔI MỚI TƯ DUY LÀM KINH TẾ
Từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các tuyến đường, cầu cống, giao thông được đầu tư nâng cấp đồng bộ. Từ đó đã nối liền các khu dân cư, vùng kinh tế, tạo điều kiện cho người dân đẩy mạnh sản xuất, trao đổi hàng hóa. Cũng từ đây nhiều mô hình sản xuất theo tư duy mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và đáp ứng nhu cầu thị trường đã và đang đặt ra.
Thu mới trên đất cũ
Khoảng 2 tháng nữa, vườn quýt đường của nông hộ Hoàng Thị Ngọc Thủy, ấp Bàu Cây Me, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú mới bước vào vụ thu chính. Thế nhưng, đến thăm khu vườn này những ngày qua chúng tôi đều choáng ngợp bởi những cây quýt sai trĩu trái từ gốc đến ngọn. Đặc biệt là từng chùm trái to, nặng trĩu nên để giữ thăng bằng cho cây cũng như trái chín đều, bóng đẹp, gia đình phải thuê nhân công lấy dây buộc kéo nâng từng chùm trái. Những hình ảnh này cho thấy hiệu quả từ mô hình trồng quýt đường của hộ chị Thủy là không nhỏ.
Cây quýt đường không phải là loại cây trồng mới nhưng nhờ đổi mới cách làm đã đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân xã nông thôn mới nâng cao Thuận Phú, huyện Đồng Phú
Điều đáng nói cây quýt đường không xa lạ gì với nông dân Bình Phước, bởi được trồng nhiều nơi và từ khá lâu. Những năm gần đây, dù điệp khúc “trồng - chặt”, chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi nhưng các nông hộ trồng quýt đường vẫn yên tâm bám trụ, trung thành với loại cây trồng này hàng chục năm qua. Điều khác lạ ở đây là cách làm mới với nguồn thu cao hơn.
Gia đình chị Thủy hiện có 2,2 ha quýt đường, trồng khoảng 15 năm. Ngoài ra, nhờ hệ thống giao thông thuận tiện, gia đình chị còn nhận chăm sóc, thu hoạch một số vườn quýt đường ở các khu vực khác để tăng thêm nguồn thu. Quýt đường được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu nên trái to, ngọt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Điều đặc biệt là diện tích, sản lượng lớn với hàng chục tấn/vụ nhưng do liên kết lâu dài và uy tín nên được các thương lái lớn đến tận nơi thu mua, vì thế không lo về đầu ra. Chị Thủy cho biết, so với một số cây trồng khác thì quýt đường hơn hẳn nên yên tâm bám trụ.
Theo thống kê, tại ấp Bàu Cây Me, xã Thuận Phú có hơn 40 hộ trồng quýt đường với diện tích 135 ha. Đây là những hộ trung thành bám trụ với loại cây trồng này nhiều năm qua và luôn cho nguồn thu ổn định. Đây cũng là địa chỉ để các hộ nông dân khu vực khác đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trồng quýt đường cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Năng suất theo cấp số nhân
Là người có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các mô hình sản xuất nên khi trở thành một nông dân thực thụ, việc trồng cây gì, nuôi con gì cho năng suất cao, chất lượng tốt là không khó đối nhà nông Phạm Bá Hộ ở xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản. Điều đáng nói là vùng đất gia đình ông canh tác kém màu mỡ, nguồn nước không thuận lợi nhưng hơn 3 ha nhãn Thái của gia đình ông luôn trĩu trái và năng suất theo cấp số nhân, sản lượng năm sau cao gấp đôi so với năm trước.
Ông Hộ cho biết, thổ nhưỡng nơi gia đình đang sản xuất là đất pha cát với độ dày phía trên khoảng 50cm, còn phía dưới là sỏi đá nên không giữ được nguồn nước khi tưới. Trong khi đó, để khai thác được nguồn nước khu vực này vào mùa khô là rất khó khăn nên chỉ phù hợp với cây nhãn Ido - giống nhãn có nguồn gốc từ Thái Lan nên thường gọi là nhãn Thái.
Nhãn Ido trồng 3 năm là cho thu bói với tỷ lệ sống đạt 100% và tuổi thọ của loại cây trồng này lên đến hàng trăm năm. Với sức sống mãnh liệt, ít sâu bệnh, nên ngoài tốn ít công chăm bón thì kỹ thuật cũng đơn giản, chỉ khó ở công đoạn làm trái. Điều đặc biệt là tán loại cây này phát triển nhanh, mạnh nên năng suất, sản lượng cũng tăng tương ứng theo từng năm, mỗi cây có thể cho thu 100kg trái/vụ. Ngoài ra, nhãn Ido còn có ưu điểm là trái to, tròn đều, giòn thơm, hạt rất nhỏ, lượng đường vừa phải nên thương lái rất ưa chuộng, không phải lo lắng về đầu ra. Hiện giá bán bình quân 20 ngàn đồng/kg, còn nếu nhập vào hệ thống siêu thị thì giá cao hơn gấp đôi.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Tâm Trương Văn Hiệp cho biết, trên địa bàn chỉ có gia đình ông Hộ trồng nhãn Ido. Loại nhãn này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Điều đặc biệt là nhãn trồng trên đất cát pha nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đây là cách làm mới nên hội đang hướng bà con học hỏi mô hình này để nhân rộng, phát triển kinh tế, thay thế những cây trồng kém hiệu quả.
Lợi gì khi tham gia kinh tế tập thể?
Xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng có nhiều lợi thế để phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, trong đó có hồ tiêu. Cũng như nhiều địa phương khác, những năm qua giá hồ tiêu xuống thấp cộng với bạo bệnh khiến nhiều hộ nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng này. Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn khi năm 2021, xã Thống Nhất được đầu tư về đích NTM với hệ thống giao thông thông suốt, đi lại thuận tiện, các hộ dân đã liên kết vào hợp tác xã (HTX) tiêu sạch, từ đó yên tâm bám trụ, tích cực chăm sóc theo quy trình cho năng suất, chất lượng cao hơn.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thống Nhất Hoàng Văn Đình cho biết, trước đây bà con bón phân hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy trình, liều lượng dẫn đến cây tiêu chết nhiều. Để ổn định sản xuất cũng như hoàn thiện tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM, Hội Nông dân đã vận động bà con tham gia HTX tiêu sạch, liên kết với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam để được hướng dẫn quy trình bón phân, chăm sóc, xử lý sâu bệnh trên cây trồng. Đồng thời, tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, các chất cấm mà chỉ bón phân chuồng, xịt thuốc sinh học để tạo cho vườn tiêu xanh tốt, năng suất, chất lượng cao.
Mô hình trồng tiêu sạch của Hợp tác xã tiêu sạch xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng) là hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân
HTX tiêu sạch xã Thống Nhất thành lập năm 2021 với 20 thành viên, diện tích 17 ha. Sản phẩm hồ tiêu được Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam bao tiêu 100% với cam kết cao hơn giá thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, HTX phải tuân thủ về quy trình chăm sóc, bón phân theo hướng hữu cơ và nói không với phân hóa học, thuốc diệt cỏ. “Trước đây dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu nên cây tiêu chết nhiều, môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống con người. Còn nay trồng theo hướng hữu cơ nên vườn cây xanh tốt, môi trường trong lành, đặc biệt hạt tiêu hái ăn trực tiếp mà không lo về an toàn thực phẩm” - bà Phạm Thị Chín, thành viên HTX tiêu sạch xã Thống Nhất chia sẻ.
Không chỉ HTX tiêu sạch xã Thống Nhất mà các HTX, tổ hợp tác sản xuất tiêu hữu cơ khác trên địa bàn tỉnh như HTX tiêu hữu cơ Lộc Quang (huyện Lộc Ninh), tổ hợp tác tiêu hữu cơ Hưng Phước (huyện Bù Đốp) cũng thực hiện canh tác tương tự và đạt hiệu quả cao. Việc thành lập HTX, tổ hợp tác tiêu sạch sản xuất theo hướng hữu cơ với phương thức “3 không”: không thuốc hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng các chất cấm. Bởi vậy, không chỉ cho sản phẩm sạch, chất lượng tốt, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường mà còn tạo môi trường trong lành, đảm bảo sức khỏe con người cũng như động, thực vật, sinh vật. Hiện sản phẩm tiêu hữu cơ Lộc Quang, Hưng Phước đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Không chỉ vậy, tham gia HTX, các thành viên còn được thụ hưởng thành quả công tác chuyển đổi số của ngành nông nghiệp tỉnh. Theo đó, nhiều nông hộ đã xây dựng chuỗi quy trình khép kín từ canh tác, thu hoạch đến chế biến. Nhiều khu vườn được phủ sóng wifi để vận hành hệ thống tưới nước tự động, bón phân từ xa, gắn camera quan sát, theo dõi thông số nhiệt độ, độ ẩm... Công nghệ số giúp các hộ nông dân thu thập dữ liệu phục vụ chăm sóc, truy xuất nguồn gốc; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết nối các kênh thương mại điện tử trong nước và quốc tế.